Phát hiện những 'chìa khóa' mới giúp vô hiệu hóa virus corona

author 06:55 10/03/2020

(VietQ.vn) - Các nhà khoa học Trung Quốc và Hàn Quốc vừa tìm ra những 'chìa khóa' mới để vô hiệu sự tồn tại của virus corona chủng mới.

Theo thông tin trên tờ Korea Biomedical Review, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc vừa đưa ra ý chiến cho rằng có thể sử dụng kháng thể từ SARS và MERS để điều trị bệnh do virus corona chủng mới (Covid-19) gây ra.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu ở Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm do virus mới thuộc Viện nghiên cứu công nghệ hóa học Hàn Quốc (KRICT) mới đây đã tìm ra việc hai kháng thể vô hiệu hóa virus SARS (hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng) và một kháng thể vô hiệu hóa MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông) có thể kết hợp với protein dạng gai của nCoV.

Virus corona sử dụng protein dạng gai để xâm nhập vào tế bào. Nếu bệnh nhân tiếp nhận kháng nguyên thông qua vaccine chứa kháng thể vô hiệu hóa virus SARS và MERS, cơ thể có khả năng tạo kháng thể thông qua phản ứng miễn dịch và tiêu diệt mầm bệnh.

Minh họa ARN của các virus trong nghiên cứu

Các nhà nghiên cứu xác nhận những điểm giống nhau giữa virus SARS và nCoV bằng cách phân tích hệ gene của nCoV và dự đoán liệu kháng thể vô hiệu hóa SARS và MERS có thể kết hợp với nCoV hay không nhờ phân tích tin sinh học (bioinformatics - lĩnh vực khoa học sử dụng các công nghệ của các ngành toán học ứng dụng, tin học, thống kê, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, hóa học và hóa sinh để giải quyết các vấn đề sinh học). Nhóm nghiên cứu lấy mẫu vật nCoV từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Hàn Quốc và thu được ARN bằng cách nuôi virus ở KRICT.

Họ cũng sử dụng ARN và so sánh độ nhạy của đoạn mồi và đoạn dò nhằm phát hiện nCoV công bố trong những nghiên cứu ở nước ngoài. Đoạn mồi là một sợi axit nucleic dùng để làm đoạn khởi đầu cho quá trình nhân đôi của ADN. Đoạn dò là một sợi axit nucleic có trình tự xác định và được đánh dấu bằng các phương pháp khác nhau dùng để nhận diện các đoạn nucleic acid khác có trình tự bổ sung với nó. Quá trình này giúp phát triển bộ kit phát hiện phản ứng tổng hợp chuỗi thời gian thực (RT-PCR) với độ nhạy cao hơn, theo tiến sĩ Lee Mi-hye, viện trưởng viện KRICT.

Cũng trong nỗ lực nhằm tiêu diệt virus corona, theo Sci Tech Daily, nhóm nghiên cứu quốc tế đứng đầu là tiến sĩ Linlin Zhang ở Viện Hóa sinh, Trung tâm Sinh học cấu trúc và Phân tử thuộc Đại học Lubeck và tiến sĩ Hong Liu ở Viện Materia Medica Thượng Hải đã phát triển các hợp chất có thể ngăn chặn sự nhân lên của nhiều virus trong họ corona, trong đó có nCoV.

nCoV có họ gần với virus gây hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2003 và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) năm 2012. Cả ba loại virus đều gây triệu chứng giống cảm cúm và viêm phổi. Tuy nhiên, các công ty dược chưa tìm ra phương pháp điều trị đặc hiệu.

Chất ức chế phổ rộng chất ức chế α-ketoamide có tác dụng với nhiều chủng virus corona 

Nhóm của Zhang và Liu hướng đến tìm ra phương pháp khả thi dựa trên thuốc kháng virus phổ rộng nhằm vào mọi loại virus corona và họ virus entero (gây bệnh cảm lạnh thường, tay chân miệng và cúm mùa hè. Tất cả những virus trên đều có enzyme phân cắt protein tương tự nhau, gọi là "protease chính" ở virus corona và "3C protease" ở virus entero, đóng vai trò thiết yếu giúp virus nhân lên.

Các nhà nghiên cứu kiểm tra cấu trúc của protease bằng phương pháp tinh thể học tia X, sau đó tạo ra hàng loạt hợp chất α-ketoamide có thể chen vào vị trí hoạt động của enzyme và can thiệp vào chức năng của chúng. Thông qua kiểm tra các phân tử trong ống nghiệm và ở tế bào người trong đĩa cạn, nhóm nghiên cứu tìm thấy chất ức chế linh hoạt có khả năng ngăn chặn sự nhân lên của nhiều virus corona và entero, bao gồm SARS-CoV-1. Một chất ức chế khác tác động mạnh tới MERS-CoV và cho hiệu quả trung bình với nhiều virus.

Do protease chính của nCoV, SARS-CoV-1 và MERS-CoV rất giống nhau, nhóm chất ức chế α-ketoamide nhiều khả năng cho hiệu quả kháng virus tốt đối với Covid-19. Bước tiếp theo của nghiên cứu là kiểm tra các chất ức chế trên mô hình động vật nhiễm bệnh.

Bảo Lâm (Theo Korea Biomedical Review, Sci Tech Daily)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang