Phát hiện thêm loại ô nhiễm nhựa mới: Mối đe dọa cho môi trường ven biển

author 14:58 17/06/2022

(VietQ.vn) - Các nhà nghiên cứu tại Tây Ban Nha vừa phát hiện ra một loại ô nhiễm nhựa mới. Đây là mối đe dọa đối với môi trường ven biển.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học La Laguna (Tây Ban Nha) cho biết, đây là sự kết hợp giữa những mảnh nhựa đầy màu sắc và hắc ín cứng ở ven biển. Sự kết hợp giữa hắc ín và vi nhựa không giống bất kỳ chất ô nhiễm nào họ thấy trước đây. Các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho nó là "plastitar".

Thông tin thêm về sự phát hiện này, PGS Javier Hernandez Borges làm việc tại Đại học La Laguna và là người đặt thuật ngữ plastitar, cho biết: "Sự hiện diện của nhựa trong môi trường không còn chỉ giới hạn ở chai lọ hay vi nhựa trôi dạt trên biển. Trong trường hợp này là sự kết hợp của hai chất gây ô nhiễm".

Hơn hai năm trước nhóm nghiên cứu tình cờ phát hiện plastitar. Nghiên cứu mới công bố của nhóm ông Borges đã đề cập đến phát hiện này và mô tả "plastitar" là "mối đe dọa chưa thể giải quyết" đối với môi trường ven biển.

 Phát hiện thêm loại ô nhiễm nhựa mới: Mối đe dọa cho môi trường ven biển

Theo các nhà nghiên cứu, plastitar được hình thành từ cặn dầu tràn trên đại dương bốc hơi và đông đặc, trôi dạt như những quả cầu hắc ín vào các bờ đá của quần đảo Canary, Tây Ban Nha. Sóng biển mang theo vi nhựa hoặc mảnh nhựa dạt vào bờ và dính vào những quả cầu này tạo thành plastitar.

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy plastitar dọc theo nhiều bờ biển của quần đảo Canary, nơi có tuyến đường chính mà các tàu dầu thường đi qua. Tuy nhiên, nhóm cho rằng có khả năng dạng ô nhiễm nhựa này đã có mặt trên khắp thế giới.

Dù cần thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận tác động của plastitar với môi trường, các nhà nghiên cứu tin rằng sự kết hợp giữa vi nhựa và hydrocacbon có trong hắc ín có thể rò rỉ hóa chất độc hại, đe dọa sự sống của các loài sinh vật như tảo.

Liên quan tới vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa tại đại dương, mới đây Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đại dương đang đối mặt với nguy cơ chưa từng có do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các hoạt động khai thác tài nguyên thiếu bền vững, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái biển.

Theo cảnh báo của Liên Hợp Quốc, 90% quần thể cá lớn bị cạn kiệt và 50% rạn san hô bị phá hủy; ô nhiễm rác thải nhựa đã chạm đến nơi sâu nhất trong lòng đại dương và con người đang lấy đi từ đại dương nhiều hơn những gì có thể được bổ sung. 

Từ thực tế trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần thống nhất trong nhận thức và hành động để ứng xử một cách có trách nhiệm với biển và đại dương. Xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền, nhất là rác thải nhựa. Thúc đẩy hoạt động hợp tác, quan hệ với các đối tác, tổ chức quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang