Vụ ngộ độc thực phẩm tại Hà Giang: Phát hiện vi khuẩn, nấm mốc gây hại vượt ngưỡng trong mẫu thức ăn
VietinBank (CTG) lần thứ 2 liên tiếp nhận danh hiệu 'Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động quan hệ nhà đầu tư được yêu thích nhất'
Phân Bón Cà Mau tài trợ 5 tỷ xây dựng môi trường học tập cho trẻ mầm non tỉnh Ninh Bình
VinFast VF 7 lăn bánh chỉ từ hơn 700 triệu đồng: Không có đối thủ trong phân khúc C-SUV
Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Hà Giang, đơn vị vừa có báo cáo liên quan đến vụ nghi ngộ độc thực phẩm tại Trường PTDT Nội trú THCS&THPT huyện Xín Mần (Hà Giang) xảy ra vào ngày 15/9 vừa qua. Theo kết quả kiểm nghiệm, có 3/12 mẫu thực phẩm có các chỉ tiêu lý hóa và vi sinh vật vượt ngưỡng giới hạn cho phép.
Cụ thể, mẫu trứng rán phát hiện Enterobacteriaceae: 2,1 x 104. Mẫu bánh gạo Hàn Quốc JIN TU phát hiện tổng số nấm men và nấm mốc: 9,0 x 101; tổng số vi sinh vật hiếu khí: 2,6 x 103; Sàng lọc đường hóa học (Aspartame): 81,7%. Mẫu nước trà chanh phát hiện Coliforms: 1,3 x 105; tổng số nấm men và nấm mốc: 3,7 x 106; tổng số vi sinh vật hiếu khí: 2,4 x 105.
Mẫu trà chanh do Công an huyện Xín Mần trực tiếp lấy mẫu và niêm phong (mẫu trà đã qua sử dụng còn thừa lại, không được bảo quản trong tủ lạnh) do vậy Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia không đánh giá kết quả áp dụng theo Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn Việt Nam đối với mẫu không đạt.
Qua đối chiếu kết quả kiểm nghiệm phát hiện vi khuẩn Enterobacteriaceae, tổng số nấm men và nấm mốc, tổng số vi sinh vật hiếu khí, Coliforms, đường hóa học (Aspartame) có thể cảnh báo gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người như đau đầu, hoa mắt chóng mặt, rối loạn tiêu hóa.
Lãnh đạo huyện Xín Mần thăm hỏi học sinh vụ ngộ độc.
Trong trường hợp nặng có thể gây nhiễm trùng nhiễm độc, tiêu chảy cấp và gây bệnh ở một số cơ quan như hô hấp, tiết niệu và nhiễm khuẩn huyết dẫn đến tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
Sở Y tế tỉnh Hà Giang chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục phối hợp các đơn vị y tế chủ động triển khai kiểm tra, giám sát bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo kế hoạch đã được Sở Y tế phê duyệt, đặc biệt quan tâm tại các bếp ăn tập thể, trường học… Phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Trong 72 học sinh được đưa đến khám có 29 cháu có các biểu hiện triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm, đau đầu hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng đi ngoài, không sốt. Có 5 học sinh có chỉ số xét nghiệm bạch cầu tăng nhẹ, 24 trường hợp kết quả cận lâm sàng với các chỉ số sinh tồn trong giới hạn bình thường. Sau 9 ngày theo dõi, chăm sóc và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện, 29 bệnh nhân sức khỏe đã hoàn toàn ổn định và được cho ra viện.
Enterobacteriaceae là một họ vi khuẩn gram âm, kỵ khí dễ hình thành, không sinh bào tử hình que. Họ vi khuẩn này bao gồm hơn 50 chi và khoảng 240 loài. Họ Enterobacteriaceae có mặt ở khắp nơi trong tự nhiên. Nhiều loài sống tự do trong các ngóc ngách sinh thái khác nhau ở cả môi trường trên cạn và dưới nước, trong khi một số loài chỉ liên quan đến động vật, thực vật hoặc côn trùng.
Điều nguy hiểm nhất là vi khuẩn mang gen đề kháng kháng sinh trên plasmid có thể làm đề kháng lan rộng giữa các giống vi khuẩn khác nhau, đặt ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ cộng đồng. Trên thực tế, họ vi khuẩn này chiếm 25-50% trường hợp nhiễm trùng máu, thường gây nhiễm trùng nặng, sốc nhiễm trùng (có tỷ lệ tử vong tới 12-38%). Những trường hợp người bệnh dễ mắc nhiễm khuẩn gây ra bởi họ vi khuẩn này bao gồm người bệnh ghép tuỷ, suy gan, ghép tạng, đái tháo đường, bệnh phổi, thận nhân tạo chu kỳ, nhiễm HIV, đang điều trị thuốc corticoid… Các mầm bệnh gây lây nhiễm có thể có trong dịch truyền, ống thông (catheter) và các dụng cụ y tế khác.
Chẩn đoán nhiễm khuẩn do Enterobacteriaceae dựa trên nuôi cấy máu, các dịch cơ thể (màng tim, màng phổi….) và các bệnh phẩm đờm, dịch phết vết thương. Cần chỉ định đúng, lấy mẫu bệnh phẩm, nuôi cấy và giám sát đúng quy trình để có thể phân lập, xác định được đúng vi khuẩn và mức độ kháng kháng sinh, từ đó có thể lựa chọn loại kháng sinh phù hợp, tránh lạm dụng.
Về điều trị, cần chủ động phát hiện tình huống nghi nhiễm khuẩn do Enterobacteriaceae, thường xuyên theo dõi tình trạng kháng thuốc tại bệnh viện và cộng đồng, đánh giá nguy cơ vi khuẩn sinh ESBL, phối hợp kháng sinh khi có nhiễm khuẩn nặng.
Thanh Hiền (t/h)