Phát triển sản phẩm OCOP, mở rộng cơ hội xuất khẩu hàng hóa

author 06:07 27/01/2023

(VietQ.vn) - Nếu người nông dân khu vực nông thôn hiểu rõ yêu cầu của các thị trường và đưa vào tiêu chí sản xuất sản phẩm OCOP thì cơ hội xuất khẩu của các sản phẩm OCOP sẽ rất lớn.

Thời gian qua, việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội nước ta. Trong bối cảnh đó, từ tháng 5/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) nhằm phát huy dư địa, tiềm năng, lợi thế của các sản phẩm ngành nghề nông thôn, đặc biệt là sản phẩm đặc sản, truyền thống địa phương.

Cụ thể, trọng tâm của Chương trình OCOP là hướng đến khuyến khích, hỗ trợ các đối tượng sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ và vừa ở nông thôn khai thác tiềm năng về đất đai, lợi thế so sánh, phát huy vai trò của cộng đồng, giá trị truyền thống để thúc đẩy tổ chức sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị cho sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế nông thôn.

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP. Ảnh: internet.

Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hình thành các diễn đàn kết nối cung - cầu, nâng cao giá trị văn hóa của các miền quê Việt Nam. Bên cạnh đó, Chương trình OCOP còn có ý nghĩa giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở khu vực nông thôn như: giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo của người dân và hình thành các tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững.

Hay nói cách khác, khi nông dân tiếp cận Chương trình OCOP, đồng nghĩa với tự thay đổi tư duy sản xuất để có được một thành quả khác trong sản xuất cả về chất lượng sản phẩm lẫn cách thức quản lý quy trình sản xuất, tư duy bán hàng và chịu trách nhiệm xuất xứ hàng hóa. 

Theo số liệu thống kê, tính đến nay, tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã có 8.565 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; trong đó, 65,4% sản phẩm 3 sao; 33,4% sản phẩm 4 sao; 0,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao. Đồng thời, đã có hơn 4.392 chủ thể OCOP; trong đó, có 38,3% là hợp tác xã, 25,8% là doanh nghiệp, 33% là cơ sở sản xuất, kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Chia sẻ với báo chí, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, nhu cầu thị trường của Mỹ rất lớn và đa dạng, chi tiêu tiêu dùng chiếm 70% GDP. Thị trường Mỹ có các yêu cầu, quy định rất chặt chẽ trong thủ tục xuất nhập khẩu, đặc biệt chú trọng yêu cầu về lao động và bảo vệ môi trường, các chi phí về vận tài lớn, dịch vụ, có tính cạnh tranh cao... Nếu nông dân khu vực nông thôn hiểu rõ yêu cầu này và đưa vào tiêu chí sản xuất các sản phẩm OCOP thì cơ hội xuất khẩu sản phẩm OCOP sẽ rất lớn, kinh tế nông thôn ngày càng cải thiện từ việc bán được sản phẩm theo đúng yêu cầu của thị trường.

Được biết, Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 đã đặt ra các mục tiêu rất cụ thể. Theo đó, đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất có khoảng 400 - 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao.

Ngoài ra, nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại và đạt được các mục tiêu đề ra, chương trình OCOP sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các diễn đàn, triển lãm, sự kiện tôn vinh,… Đặc biệt, tập trung xây dựng để hình thành các “điểm đến” về sản phẩm OCOP gắn với các trung tâm du lịch, hoạt động văn hóa; nâng cao năng lực hệ thống logistic về nông sản và OCOP nhằm thúc đẩy thương mại, thị trường sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang