Phát triển công nghệ cao hướng tới tăng năng suất ở Đường Lam Sơn

author 15:49 27/12/2015

(VietQ.vn) - Công ty CP mía đường Lam Sơn thực hiện một loạt biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Trong những năm qua, Công ty CP mía đường Lam Sơn tập trung tái cơ cấu sản xuất vùng mía theo hướng công nghệ cao, gắn với tăng trưởng xanh và bền vững. Theo đó, Công ty thực hiện một loạt biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và thu nhập cho người trồng mía.

Công ty CP mía đường Lam sơn cũng đã tập trung đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất mía tại Công ty TNHH Lam Sơn - Sao vàng với quy mô hơn 100 ha. Toàn bộ diện tích này được trồng, chăm sóc, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật đến khi thu hoạch bằng máy móc hiện đại. Tại mô hình này, cây mía sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất bình quân từ 90 tấn/ha, giá thành sản xuất giảm 20 đến 25% so với phương thức canh tác truyền thống bằng thủ công. Đặc biệt là vụ thu hoạch 2014 - 2015, Công ty đã đầu tư một bộ máy thu hoạch cắt khúc của Hãng Jonder (Hoa Kỳ) góp phần tăng năng suất lao động, giảm thất thoát sau thu hoạch. Vụ trồng mới 2015-2016, Công ty tiếp tục đầu tư đồng bộ các loại máy trồng, bạt gốc, băm lá, chăm sóc, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật cho mía để tăng sản lượng và chữ đường của mía.

Đường Lam Sơn hướng tới công nghệ cao

Đường Lam Sơn hướng tới công nghệ cao

Cùng với việc “dồn điền, đổi thửa”, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, trước đó, từ năm 2005, Công ty đã triển khai dự án tưới nước nhỏ giọt công nghệ cao cho mía. Sau bốn năm triển khai (từ năm 2009 đến 2013), tổng diện tích mía tưới nước nhỏ giọt vụ cao nhất đạt hơn 500 ha (trong đó tưới nhỏ giọt đặt ống ngầm là 345 ha và đặt ống nổi hơn 200 ha).

Do mía được tưới nước, bón phân hiệu quả, đầy đủ theo nhu cầu, cho nên sinh trưởng, phát triển tốt, nhất là vụ mía tơ. Nếu so với năng suất trước khi áp dụng tưới nước nhỏ giọt, bình quân mới đạt 45 đến 50 tấn/ha, khi được tưới nước nhỏ giọt năng suất tăng lên 80 đến 95 tấn/ha. Đặc biệt một số hộ năng suất bình quân vụ mía tơ đạt hơn 150 tấn/ha. Năng suất bình quân của toàn bộ diện tích đạt 90 đến 100 tấn/ha. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư đã được phân bổ cho các năm sau thì lãi thu được từ 20 đến 30 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, để hoàn thành đề án tái cơ cấu sản xuất vùng mía đường Lam Sơn gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, vừa qua, Cty CP mía đường Lam Sơn (Lasuco) và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), đã ký kết hợp tác khoa học công nghệ nghiên cứu và phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo quy mô công nghiệp.

Đây được đánh giá là một bước đi quan trọng, góp phần xây dựng Lasuco thành “người khổng lồ”. Hơn 5 năm lại nay, khi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa đang loay hoay tìm hướng đi sau khi được tỉnh Thanh Hóa “trải thảm đỏ” kêu gọi đầu tư thì Lasuco đã tiên phong đi tắt, đón đầu thực hiện đề án tái cơ cấu sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao (CNC).

Sự nhạy bén, quyết liệt của Lasuco đã mang đến “làn gió mới” cho ngành sản xuất mía đường xứ Thanh nói riêng, cả nước nói chung, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân trên chính đồng đất của mình.

Nguyễn Hương (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang