Phát triển công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao: Xu thế tất yếu

author 09:38 08/03/2022

(VietQ.vn) - Công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, là nền tảng, cơ sở để sản xuất công nghiệp phát triển mạnh hơn. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Khó khăn nhất và điểm yếu cố hữu là chính sách cho phép doanh nghiệp lập quỹ phát triển công nghệ trước thuế nhưng quy mô doanh nghiệp nhỏ nên quỹ phát triển công nghệ không tương ứng để nghiên cứu và phát triển.

Còn nhiều khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Ảnh minh họa.

Ngoài ra, doanh nghiệp khá lúng túng trong việc chọn công nghệ, địa chỉ nhà cung ứng nào tin cậy để mua. Thông tin trên mạng xã hội thì nhiều nhưng đâu là chuẩn để hạn chế rủi ro, chế độ bảo hành, huấn luyện, chuyển giao công nghệ… nếu không có sự giới thiệu tin cậy thì không dám đầu tư.

Mặt bằng sản xuất tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao của thành phố cơ bản đã được lấp đầy nên khó kiếm được đất đai để đầu tư các dự án mới. Việc tiếp cận nguồn vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là vấn đề nan giải...

Hiện nay, ở Việt Nam hầu như chưa có các khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, để ngành công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi kiến tạo được thị trường trong và ngoài nước có nhu cầu sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp thì ngành công nghiệp hỗ trợ mới có nền tảng phát triển.

Về chính sách, các cơ quan chức năng nên bổ sung ưu đãi cho doanh nghiệp ứng dụng toàn phần hoặc từng phần công nghệ cao (trang thiết bị công nghệ cao, nguyên vật liệu là sản phẩm công nghệ cao, giải pháp công nghệ cao…) trong sản xuất. Thành phố cần phân công một cơ quan nghiên cứu, cung cấp thông tin chính xác, tin cậy và có trách nhiệm về công nghệ cao cho doanh nghiệp lựa chọn và ứng dụng. Ðồng thời, trợ giá một phần tiền thuê đất cho doanh nghiệp để phát triển ứng dụng công nghệ cao...

TS Trương Thị Chí Bình, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương), đồng thời là Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng: Do chi phí thuê mặt bằng tại thành phố và các tỉnh lân cận ngày càng tăng cao, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn sau đại dịch, cơ hội cho doanh nghiệp chế tạo thuần Việt tham gia vào khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao ngày càng hạn chế. Bởi vậy, thành phố cần cân nhắc các điểm ưu tiên chính, trong đó có thể kể đến như giá thuê đất, đối tượng thu hút đầu tư và các dịch vụ cần cung ứng của khu công nghiệp hỗ trợ... là những điểm cần được quan tâm hơn cả nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận, tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang