Phát triển điện hạt nhân cần sự đồng thuận của xã hội

author 11:28 03/01/2015

(VietQ.vn) - Tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, ngành công nghiệp sản xuất điện bằng phương tiện lò hạt nhân luôn vấp phải thách thức từ những lo âu của công chúng đối với các vấn đề về an toàn và hậu quả tác động đến môi trường.

Sự kiện: Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Điện hạt nhân là một ngành kinh tế kỹ thuật với công nghệ cao, phức tạp và nhạy cảm về mặt an toàn. Mặc dù vậy, các nhà chiến lược năng lượng gần như thống nhất rằng, điện hạt nhân vẫn đóng vai trò quan trọng trong nhiều thập kỷ tới vì đến nay chưa nhìn thấy nguồn năng lượng mới nào khác khả dĩ thay thế được nó.

Trong nhiều năm qua, ngành năng lượng hạt nhân đã có những bước tiến đáng kể nhưng đến nay, đại đa số công chúng vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về ngành năng lượng này. Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển điện hạt nhân trên thế giới đã chỉ ra rằng, một trong những thách thức lớn nhất của việc phát triển điện hạt nhân thành công chính là sự nhận thức đầy đủ và sự ủng hộ của công chúng đối với điện hạt nhân.

Sự chấp thuận của công chúng là điều kiện cốt yếu và tiên quyết để phát triển điện hạt nhân và ứng dụng năng lượng hạt nhân ở mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.

Phải có sự chấp thuận của công chúng

Theo Tiến sỹ Phạm Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ), tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, ngành công nghiệp sản xuất điện bằng phương tiện lò hạt nhân luôn vấp phải thách thức từ những lo âu của công chúng đối với các vấn đề về an toàn và hậu quả tác động đến môi trường.

Người dân các quốc gia này thường có nỗi sợ hãi về những tai nạn nghiêm trọng có khả năng xảy ra tại lò phản ứng dẫn đến việc họ phải nhận những liều bức xạ có hại. Đồng thời, một lượng lớn đất đai sẽ bị nhiễm phóng xạ và không sử dụng được nữa.

Phát triển điện hạt nhân cần sự đồng thuận của xã hội

Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam rất cần sự đồng thuận của xã hội. Ảnh minh họa

Họ lo ngại trong tình huống xấu nhất, lò phản ứng hạy nhân sẽ có những hậu quả tương tự như một vụ nổ của quả bom nguyên tử và liên hệ đến những tai nạn ở lò phản ứng hạt nhân trên thế giới như: Chernobyl (Nga), Three – Mile Island (Mỹ) và đặc biệt là Fukushima (Nhật Bản).

Trong tư tưởng của công chúng, những rủi ro nhận thức được từ sự vận hành của các nhà máy điện hạt nhân và từ các chất thải phóng xạ là rất cao. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng đại đa số công chúng đánh giá về những rủi ro không phải bằng sự tính toán khoa học tiêu chuẩn mà bằng một loạt những ý nghĩ đơn giản như: Công nghệ điện hạt nhân là một công nghệ phức tạp đòi hỏi những chuyên gia giỏi cho quá trình vận hành của nhà máy điện hạt nhân; các dự án hay các công nghệ thường dưới sự kiểm soát của cơ quan trung ương hơn là địa phương, và những nơi mà người dân có khả năng chịu tác động thì không thể được ra các quyết định về hoạt động…

Nhà máy điện hạt nhân Rivne của Ukraina. 

Những mối quan tâm lo lắng của người dân về điện hạt nhân hầu hết đều có trên tất cả các quốc gia, đặc biệt là trong các cộng đồng không có kinh nghiệm trước đó về năng lượng hạt nhân nhưng lại có khả năng trở thành nơi tạo ra điện hạt nhân trong tương lai hoặc là nơi tạo ra các cơ sở chôn cất chất thải phóng xạ.

Sự chấp thuận và thấu hiểu của công chúng về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quan trọng đến mức ông Brian Molloy chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế - IAEA đã phát biểu rằng: “Với những cảm nhận đầy đủ, đúng đắn của công chúng, không gì có thể thất bại, nhưng nếu không có nó thì không gì có thể thành công. Do đó, quốc gia nào xây dựng được sự tin tưởng của công chúng một cách chân thành, khoa học sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn so với những quốc gia chỉ ban hành quy chế hoặc công bố các quyết định”.

Bài học từ một số quốc gia có điện hạt nhân phát triển như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… cho thấy: Các quốc gia này rất quan tâm đến việc nghiên cứu các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội liên quan đến sự chấp thuận của công chúng đối với điện hạt nhân, từ đó có chiến lược, mục tiêu, giải pháp cụ thể và phù hợp cho hoạt động thông tin tuyên truyền nhằm đạt được sự chia sẻ, đồng thuận cao nhất cho Chương trình phát triển điện hạt nhân.

Tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội

Việt Nam có chủ trương xây dựng một chương trình điện hạt nhân dài hạn để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội. Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được coi là một quyết sách khởi đầu quan trọng, là tiền đề cho các dự án điện hạt nhân tiếp theo của Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia mới phát triển lĩnh vực điện hạt nhân, ngoài các yếu tố về nhân lực, pháp quy an toàn, tài chính…, yếu tố đồng thuận trong xã hội là rất quan trọng. Theo Tiến sỹ Phạm Quang Trung, việc làm sao để các bên liên quan có trách nhiệm cao nhất, có hiểu biết đầy đủ, đúng đắn nhất về điện hạt nhân, từ đó tạo ra sự chấp thuận trong các tầng lớp nhân dân, hình thành văn hóa an toàn trong cộng đồng người có trách nhiệm xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân, cũng như tạo sự đồng thuận chung trong toàn xã hội là một việc có ý nghĩa cần thiết, góp phần tạo nên sự thành công của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Trong thời gian qua, Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về điện hạt nhân cho các tầng lớp nhân dân đặc biệt là các em học sinh ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là tại tỉnh Ninh Thuận, khu vực được chọn là nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ ) cũng phối hợp Ban quản lý dự án điện hạt nhân tổ chức tặng sách “Năng lượng và Năng lượng hạt nhân” cho một số trường học ở Hà Nội và Ninh Thuận trong tháng 5 và tháng 8/2014.

Hai lò phản ứng hạt nhân của nhà máy Sendai

Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử cho biết: Cuốn sách dày 28 trang, nội dung gồm hai phần. Phần 1 “Năng lượng và cuộc sống” giới thiệu về lịch sử khám phá năng lượng và các dạng năng lượng hiện nay; phần 2 “Năng lượng hạt nhân” gồm các nội dung về tìm hiểu năng lượng hạt nhân, sử dụng hạt nhân trong nhà máy điện hạt nhân, chu trình nhiên liệu hạt nhân và vấn đề an toàn bức xạ.

Theo Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, việc biên soạn và phát hành cuốn sách này là một trong những hoạt động quan trọng phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân của Cục. Đây là cuốn sách đầu tiên cung cấp những hiểu biết cơ bản về các dạng năng lượng nói chung và năng lượng hạt nhân nói riêng dành cho đối tượng độc giả thanh thiếu niên, học sinh phổ thông, sinh viên ở Việt Nam.

Phương Thu

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang