Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành công nghiệp hỗ trợ

author 18:21 18/09/2021

(VietQ.vn) - Hiện nay, sự xuất hiện của các tập đoàn lớn trên thế giới tại Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, sự xuất hiện của các tập đoàn lớn trên thế giới tại Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, tận dụng được cơ hội này hay không lại là bài toán không hề đơn giản đối với các DNNVV.

Sản xuất công nghiệp tại Cụm công nghiệp Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. 

Đại diện một DNNVV có trụ sở tại quận Nam Từ Liêm – TP. Hà Nội - cho biết: Không dễ dàng để doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các DNNVV tham gia vào chuỗi cung ứng linh, phụ kiện cho các tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chứ chưa nói gì đến các tập đoàn lớn như SamSung, LG hay Canon, Honda...

Lý do được đưa ra là vì các tập đoàn này đòi hỏi rất cao về chất lượng, chủng loại và cả tiến độ sản xuất, thời gian giao hàng. Đặc biệt, do đòi hỏi của thị trường, sản phẩm công nghiệp nói chung và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nói riêng cũng liên tục thay đổi mẫu mã để đáp ứng nhu cầu đổi mới. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước với số vốn nhỏ, công nghệ lạc hậu khó mà đáp ứng yêu cầu đổi mới liên tục được để chen chân được vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn.

Trong một diễn biến khác, theo ông An Kyong Jin – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn công nghệ và giải pháp Việt Nam – Hàn Quốc (VITASK): Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, nhiều doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc mong muốn tìm được các nhà cung cấp tại chỗ tham gia vào chuỗi cung ứng, nhằm nội địa hóa cao nhất các sản phẩm. Nhưng đến nay, khá ít doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu, do gặp phải khá nhiều hạn chế, đặc biệt là về vấn đề kỹ thuật.

Các chuyên gia cho rằng, để tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với chuỗi cung ứng toàn cầu cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp ở mọi ngành nghề, lĩnh vực; trong đó, doanh nghiệp đầu chuỗi sẽ giữ vai trò dẫn dắt, định hướng và tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường, ngành nghề, lĩnh vực đang có tiềm năng phát triển.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng cho biết, để phát triển công nghiệp hỗ trợ thời gian tới, rất cần những khung khổ chính sách và cơ chế cụ thể của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được với thị trường công nghiệp hỗ trợ.

Theo đó, với Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ là cú huých tạo tiền đề cho các bộ, ngành nghiên cứu đưa ra các chính sách cụ thể để giải quyết các vấn đề nội tại, nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%.

Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Qua đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được tạo điều kiện áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm, độ tin cậy và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.

Mai Phương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang