Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở địa phương: Luồng gió mới từ doanh nghiệp tư nhân

author 12:46 19/12/2019

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, doanh nghiệp tư nhân chính là nơi cung cấp nguồn tri thức, kinh nghiệm, nguồn lực tài chính, thị trường để góp phần giúp các startup thúc đẩy năng lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Sự kiện: Khởi nghiệp

Startup địa phương đang loay hay tìm kiếm người hỗ trợ

Theo chuyên gia về khởi nghiệp, hệ thống chuyên gia cố vấn chính là đầu mối giúp khởi nghiệp địa phương nói chung và startup địa phương nói riêng có thể tiếp cận nhà đầu tư, vườn ươm dễ dàng hơn. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh và quy mô doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay đang diễn ra một thực trạng đáng lo là các doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương thường chọn xu hướng startup trong lĩnh vực như đồ mỹ nghệ, sản phẩm văn hóa truyền thống, tận dụng nguồn sản phẩm sẵn có của địa phương. Có hơn 90% trong số này vận hành theo mô hình kinh doanh truyền thống, phát triển tuần tự, chưa có yếu tố đổi mới sáng tạo trọng sản phẩm và ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong khâu sản xuất. Nguyên nhân là do thiếu sự tham gia và hỗ trợ tư vấn từ các chuyên gia trong ngành hoặc các doanh nghiệp lớn, dẫn đến startup không đủ năng lực để duy trì mô hình kinh doanh. 

Liên quan tới vấn đề này, ông Trần Trí Dũng, đại diện chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ SwissEP tại Việt Nam cho biết, việc chú trọng xây dựng hệ sinh thái cho khởi nghiệp tại Việt Nam trong các năm qua giúp nhiều vườn ươm và quỹ đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh, trong khi các startup địa phương vẫn đang loay hoay tìm kiếm và tiếp cận mentor, chuyên gia từ các để tìm ra giải pháp đổi mới sáng tạo. 

Để nhận được giúp đỡ, ông Phạm Ngọc Huy, giám đốc chương trình Accelerator, Vietnam Silicon Valley (VSVA) gợi ý, startup địa phương cần tìm đến những chuyên gia cố vấn phù hợp với lĩnh vực mà doanh nghiệp khởi nghiệp từ quỹ đầu tư, hiểu rõ sản phẩm địa phương, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và giải quyết những khó khăn từ ý tưởng đến mô hình kinh doanh.

Vai trò lớn từ các doanh nghiệp tư nhân

Theo ông Lý Đình Quân, Giám đốc Công ty Cổ phần Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp sông Hàn, phát triển kinh tế địa phương bằng con đường hỗ trợ khởi nghiệp với sự trợ giúp của doanh nghiệp sẽ là hướng đi bền vững giúp giải quyết việc làm và tăng ngân sách trong giai đoạn ODA ngày càng giảm, nguồn lực hỗ trợ ngân sách không còn lớn, áp lực hội nhập và cạnh tranh ngày càng tăng.

Ông Lý Đình Quân, Giám đốc Công ty Cổ phần Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp sông Hàn. Ảnh: Hán Hiển 

Nói về vai trò của tư nhân trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Lý Đình Quân cho rằng, doanh nghiệp là nơi cung cấp nguồn tri thức, kinh nghiệm doanh nhân để góp phần giúp các startup thúc đẩy năng lực cho khởi nghiệp. Doanh nghiệp cũng là nơi cung cấp nguồn lực tài chính, con người, quan hệ, thị trường thúc đẩy nguồn lực cho khởi nghiệp

Đồng thời, tạo chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm dịch vụ, đổi mới sáng tạo, công nghệ tăng năng lực cạnh tranh; hình thành hợp tác liên kết nhiều thế doanh nhân và đa nguồn lực tăng năng lực cạnh tranh, hội nhập

Về kinh nghiệm xây dựng và phát triển tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, ông Lý Đình Quân cho rằng, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp phải là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố như tầm nhìn; xu hướng và giá trị nhân văn; nguồn nhân lực (nền tảng tri thức, văn hóa tích cực, nhiệt huyết); nguồn lực khác (tài chính, quan hệ và công nghệ). Điều quan trọng hơn là cần có hiểu biết về khởi nghiệp và kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp.

“Để hệ sinh thái khởi nghiệp tốt thì cần chung tay hình thành kết cấu nguồn lực, kết nối mạng lưới chức năng có nhiều chuyên gia tư vấn để hỗ trợ startup giải quyết vấn đề. Tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp phải có tầm nhìn, xu hướng và giá trị nhân văn, xác định việc đầu tư và hỗ trợ cho startup là lâu dài. Tổ chức đó cũng cần có sự hiểu biết nhất định về đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp, có văn hóa khởi nghiệp lành mạnh, trí tuệ. Đồng thời, cần có khả năng kết nối, hội tụ các nguồn lực tài chính, công nghệ (cả trong và ngoài nước) cũng như có khả năng nhận thức, thấu hiểu các chính sách của nhà nước về khởi nghiệp”, ông Lý Đình Quân nhấn mạnh.

Chia sẻ về thành công của mô hình lấy doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Lý Đình Quân cho biết, Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator- SHi) là một trong những vườn ươm doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được thành lập tại Đà Nẵng vào đầu năm 2017 nhằm góp phần thúc đẩy Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và ươm tạo các tài năng doanh nhân trên toàn quốc. SHi thực hiện hai nhiệm vụ chính là tư vấn hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho địa phương và các tổ chức; đồng thời triển khai chương trình tăng tốc khởi nghiệp du lịch Việt Nam.

Tính đến năm 2019, Songhan Incubator đã thành công với nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động và liên kết các tổ chức thúc đẩy kinh doanh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Công ty còn tổ chức các khoá đào tạo, talkshows cho sinh viên và các doanh nghiệp khởi nghiệp trong địa bàn tỉnh Đà Nẵng, khuyến khích phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương này.

Năm 2018, SHi đã đào tạo cho 100 dự án khởi nghiệp du lịch sáng tạo, đào tạo 15 giảng viên nguồn (ToT) và tổ chức chương trình ươm tạo “SHi Incubator Journey”; Tổ chức chương trình tăng tốc khởi nghiệp du lịch sáng tạo “SHi AcceleratorJourney”; Hỗ trợ nâng cao năng lực khởi nghiệp du lịch đổi mới sáng tạo thông qua hội thảo khởi nghiệp du lịch đổi mới sáng tạo cho các địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... Năm 2019, SHi đã tuyển chọn được 12/60 dự án miền Trung chính thức bước vào giai đoạn ươm tạo tại Đà Nẵng. Các dự án được tài trợ chi phí ươm tạo trong vòng 3 tháng, 6 bootcamp bao gồm các buổi training, workshop, pitching cùng với các huấn luyện viên cấp cao về khởi nghiệp du lịch trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ cho việc hoàn thiện ý tưởng, nâng cao kỹ năng, kiến thức, để đủ lực bước vào vòng cuối “Tăng tốc” kêu gọi vốn đầu tư, vươn ra thị trường.

Nhiều Dự án do SHi hỗ trợ đã tạo được tiếng vang trong cộng đồng khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực du lịch như Dự án phát triển Làng bích họa Ánh Dương, Liberzy... Đặc biệt, Chương trình Khởi nghiệp Du lịch Việt Nam (Vietnam Tourism Startup – VTS) do SHi xây dựng, tổ chức và vận hành từ năm 2017, với tầm nhìn dài hạn là xây dựng một hệ sinh thái ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngành du lịch quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam, tạo ra các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với sản phẩm mới, dịch vụ mới, thị trường mới và động lực phát triển mới cho ngành du lịch Việt Nam.

Trong năm 2018, 15 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã được thụ hưởng những chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ với tổng kinh phí hỗ trợ gần 2,4 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 5 doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ với kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng; hỗ trợ 10 doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn và chứng nhận hợp chuẩn sản phẩm, từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa với tổng kinh phí hơn 510 triệu đồng.

“Câu chuyện hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại Đà Nẵng là một ví dụ điênt hình cho thấy tầm quan trọng và vai trò của tư nhân đối với startup. Thời gian tới, chúng ta cần nhiều hơn nữa sự tham gia của khối tư nhân, doanh nghiệp để cùng chung tay kết nối một mạng lưới thuận lợi để khởi nghiệp có điều kiện phát triển, đặc biệt là khi lãnh đạo tỉnh và chính quyền địa phương đang ngày càng có những dấu hiệu ủng hộ cho lĩnh vực này phát triển”, ông Lý Đình Quân cho hay.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang