Cần cơ chế vượt trội để khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

author 06:53 17/12/2019

(VietQ.vn) - Chuyên gia cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần có những chính sách, cơ chế, thể chế mang tính chất vượt trội để hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Theo kết quả xếp hạng Môi trường kinh doanh 2020 do Ngân hàng Thế giới công mới công bố, Việt Nam tăng 1,2 điểm (từ 68,6 lên 69,8) nhưng giảm 01 bậc xếp hạng chung (từ vị trí 69 xuống 70/190 quốc gia, nền kinh tế). Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam giảm bậc (mỗi năm giảm 01 bậc).

Nói về nguyên nhân của việc này, Tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh, việc giảm bậc xếp hạng chung là do chất lượng cải thiện môi trường kinh doanh của chúng ta còn chậm, cải cách chưa thực sự mạnh mẽ, dẫn đến số điểm tăng chưa nhiều, những chỉ số nêu trên vẫn bị giảm bậc, trong khi nhiều nền kinh tế khác cải cách nhanh và mạnh mẽ hơn.

Cụ thể, trong 10 chỉ số thành phần thì có 05 chỉ số tăng điểm, 04 chỉ số giữ nguyên điểm và 01 chỉ số giảm điểm; có 02 chỉ số được ghi nhận cải cách về quy định và thực thi; có 2/5 chỉ số tăng điểm có sự tăng bậc, 3/5 chỉ số còn lại tăng điểm nhẹ (khởi sự kinh doanh, Cấp phép xây dựng và Tiếp cận điện năng: tăng 0,3 điểm) nhưng giữ nguyên hoặc giảm bậc. Có thể thấy rằng, những nỗ lực cải cách của chúng ta trong thời qua là chưa đủ.

Tổ công tác cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đánh giá nguyên nhân giảm bậc và chịu trách nhiệm cải thiện từng chỉ số thành phần. Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Trong đó, lưu ý cải thiện các chỉ số khởi sự kinh doanh, chỉ số cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, bảo vệ nhà đầu tư, giao dịch thương mại qua biên giới, giải quyết tranh chấp.

Ảnh minh họa 

Liên quan tới vấn đề trên, theo bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới giúp Việt Nam nhận diện đâu là những rào cản cần tìm kiếm những giải pháp khắc phục. Về môi trường kinh doanh, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, nếu Việt Nam không tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động đầu tư.

Bên cạnh đó, những yếu tố như thị trường tài chính của chúng ta còn kém, có những khoảng cách so với thế giới, hay những yếu tố về cơ sở hạ tầng  cũng là yếu tố đóng góp trực tiếp, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Vấn đề về hạ tầng cũng đóng góp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và sự tăng trưởng phải được nhận diện để xem đâu là điểm cần tập trung để có những giải pháp khắc phục.

Về giải pháp thời gian tới, bà Thảo cho rằng, Việt Nam phải tiếp tục giám sát chặt chẽ hơn việc thực thi những cải cách về môi trường kinh doanh, cụ thể là tiếp tục cải cách về điều kiện kinh doanh... Bên cạnh đó, những hoạt động quản lý chuyên ngành cũng cần được đầu tư nhiều hơn.

Hiện Chính phủ đặt trọng tâm nhiều, nhưng cải cách về quản lý chuyên ngành mới chỉ diễn ra ở một số ít bộ, ngành trong một số lĩnh vực cụ thể. Những cải cách này cần được tiến hành rộng rãi, sâu rộng hơn và được thực hiện ở hầu hết các bộ, ngành thì chúng ta mới kỳ vọng được sự thay đổi mang tính chất đột phá.

Một trong những điểm quan trọng của môi trường kinh doanh là ứng dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch với cơ quan quản lý nhà nước và các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 cũng cần Chính phủ ưu tiên trong hoạt động về môi trường kinh doanh.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần có những chính sách, cơ chế, thể chế mang tính chất vượt trội hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Ngoài ra, trụ cột về kỹ năng là một trong các yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh. Những giải pháp về nâng cao kỹ năng của người lao động, chất lượng lao động cũng là một trong những yêu cầu cần được chú trọng trong thời gian tới để cải thiện môi trường kinh doanh cũng như đóng góp vào năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang