Phát triển kinh tế xanh đòi hỏi doanh nghiệp phải có tinh thần chủ động

author 07:01 11/05/2023

(VietQ.vn) - Phát triển kinh tế xanh là áp lực đặt ra từ thực tiễn, không chỉ cần quyết tâm của các nhà chính trị, nhà môi trường để giảm thải, mà còn là yêu cầu đối với doanh nghiệp. Do đó, để đáp ứng được yếu tố phát triển theo hướng “xanh hoá” trong hoạt động của mình, doanh nghiệp phải có tinh thần chủ động để thay đổi công nghệ và phát triển xanh.

Bối cảnh thế giới nhiều biến động đã có những ảnh hưởng đến nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 3/2023, có 4.147 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng đến 39,3% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó là 3.452 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 39,5%), 1.412 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 31,1%).

Tính chung quý I/2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 42.900 doanh nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Gần 12.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 13,1%); 4.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 6,5%). Như vậy, bình quân một tháng trong quý I có gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tương đương mỗi ngày có khoảng 670 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường).

Trước tình hình khó khăn này, nhiều chuyên gia đánh giá rằng phát triển bền vững là yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp cho biết, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kinh tế xanh và hội nhập là những yếu tố để phát triển bền vững mà cộng đồng doanh nghiệp cần phải xem là mục tiêu hướng tới.

Phát triển kinh tế xanh là áp lực đặt ra từ thực tiễn, đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động thay đổi. Ảnh minh họa. 

Ông Long nhấn mạnh, chuyển đổi số và chuyển đổi kinh tế xanh, hội nhập là một trong những yếu tố để phát triển bền vững. Nhiều quan điểm bây giờ đang khó khăn chưa nghĩ đến chuyện chuyển đổi kinh tế xanh, tuy nhiên, nếu như chúng ta không nhìn trước, chỉ nhìn cái trước mắt, đến lúc phục hồi thì cả thế giới phát triển kinh tế xanh, mình không quan tâm, chú trọng chuyển đổi kinh tế xanh thì làm sao có thể hội nhập toàn cầu.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Huân, Uỷ viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, nếu không phát triển xanh thì xả thải càng ảnh hưởng đến tỷ trọng nền kinh tế, đến một lúc nào đó, sản phẩm sản xuất ra sẽ không được ưa chuộng trên thế giới. Đây là áp lực rất cụ thể, không chỉ cần quyết tâm của các nhà chính trị, nhà môi trường để giảm thải, mà còn là yêu cầu đối với doanh nghiệp. Do đó để đáp ứng yếu tố phát triển theo hướng “xanh hoá” trong hoạt động của mình, doanh nghiệp phải có tinh thần chủ động để thay đổi công nghệ và phát triển xanh.

“Để phát triển xanh, việc này trước hết là sự nỗ lực, chủ động của doanh nghiệp Việt Nam. Thứ hai nữa là kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, không phải chỉ là đồng vốn mà cần cả công nghệ để phát triển xanh. Doanh nghiệp phải tự cứu mình, cùng với sự trông chờ thay đổi chính sách của Đảng và Nhà nước, chúng ta sẽ đạt được sự nghiệp thay đổi công nghệ phát triển xanh”, ông Nguyễn Quang Huân nói.

Tại nước ta, những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường như Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Quyết định số 1474/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2020 nhằm hiện thực hóa các nhiệm vụ của Chiến lược; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020...

Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương “phát triển nhanh và bền vững” và phát triển kinh tế xanh: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang