Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

author 18:12 20/08/2021

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam càng đặc biệt coi trọng việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam càng đặc biệt coi trọng việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, hiện ở nước ta, lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm chủ yếu; lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, mới đạt 24,5% năm 2020, cơ cấu lao động đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Kỹ năng lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103 trên thế giới), kém rất xa so với nhóm ASEAN-4, chỉ cao hơn Indonesia và Lào.

Thực trạng nguồn nhân lực hiện nay khó cho phép tận dụng tốt nhất vận hội, thời cơ đang đến với đất nước. Nếu không nhanh chóng khắc phục được yếu kém này, thì sẽ phải đối diện với những nguy cơ, thách thức mới, kéo theo sự tụt hậu của đất nước.

Nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Đăng Minh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Viện Quản trị Tinh gọn GKM nhận định, Việt Nam đang nỗ lực để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, để giải được bài toán này, nguồn nhân lực bắt buộc phải làm được những việc khó hơn, kiến tạo các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị cầu, xuất khẩu nhiều hơn.

“Cần phải thay đổi lại các chiến lược đào tạo, cũng như dẫn dắt con người trong thực tiễn. Năng lực cuối cùng con người là tạo sản phẩm cuối cùng, không phải năng lực trung gian, thể hiện qua điểm, bằng cấp… Năng lực cuối cùng là bao nhiêu sản phẩm Made in Vietnam; Made by Việt Nam, thay thuế nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu được và năng lực đó mới chứng minh được năng lực phải hướng đến” - ông Nguyễn Đăng Minh cho biết.

Bên cạnh đó, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cũng cho rằng, đơn vị đào tạo nên tăng cường tỉ trọng thực hành, đào tạo kỹ năng để nâng cao khả năng linh hoạt xử lý công việc cho người lao động. Do đó trong quá trình học tập cần phải triển khai song song quá trình thực hành tại các doanh nghiệp.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện Bộ đang xây dựng chiến lược “Phát triển giáo dục nghề nghiệp” theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông hiện đại gắn với nhu cầu thị trường lao động và việc làm bền vững. Cùng với đó sẽ phát triển nhiều hình thức và trình độ đào tạo, chú trọng đào tạo chất lượng cao, đào tạo thường xuyên, đào tạo cập nhật, đào tạo trong doanh nghiệp.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang