Phát triển nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý: Khẳng định chất lượng nông sản đặc thù của Đồng Tháp
Nghêu Bến Tre được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Mác mật Lạng Sơn được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Na Lạng Sơn
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại Trung Quốc
Đẩy mạnh tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm nông sản chủ lực. Ảnh minh họa
Tăng cường quản lý và phát triển nhãn hiệu
Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đồng Tháp, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm nông sản đặc thù. Trong đó, huyện Cao Lãnh đã trở thành địa phương có số lượng nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể được cấp nhiều nhất, với 6 nhãn hiệu. Tỉnh Đồng Tháp hiện đã xác lập quyền thành công cho 1 chỉ dẫn địa lý (cho sản phẩm xoài Cao Lãnh), 37 nhãn hiệu chứng nhận và 4 nhãn hiệu tập thể phục vụ sản xuất kinh doanh và quảng bá hình ảnh địa phương.
Ngoài ra, tỉnh còn đang tiến hành đăng ký xác lập quyền cho một số sản phẩm nông sản đặc thù khác như chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen, nhãn hiệu chứng nhận “Làng bột Sa Đéc”, sầu riêng “Cao Lãnh”, và “Xoài Cù Lao Tây”. Những nỗ lực này nhằm bảo vệ và nâng cao giá trị thương hiệu của nông sản Đồng Tháp, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.
Các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều kế hoạch quản lý và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Họ tập trung xây dựng các công cụ quản lý như quy chế sử dụng nhãn hiệu, quy chế kiểm soát chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc (TXNG), đồng thời áp dụng các mô hình quản lý hiệu quả. Việc cấp phép sử dụng nhãn hiệu và ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cũng được quan tâm thực hiện. Điển hình là nhãn hiệu chứng nhận “Sen Tháp Mười” và chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài.
Để quảng bá thương hiệu và thúc đẩy thương mại, các chủ sở hữu tại Đồng Tháp đã tích cực tham gia trưng bày gian hàng tại các hội chợ do tỉnh tổ chức và các sự kiện xúc tiến thương mại nông sản. Các ngày hội nông sản, hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm, và các chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng được tổ chức nhằm giới thiệu sản phẩm mang nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của địa phương.
Ứng dụng truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chất lượng
Theo ông Bùi Bá Chính - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia), hiện nay, Trung tâm thực hiện việc cấp khoảng 70 ngàn đầu mã doanh nghiệp cả nước. Sau khi được cấp đầu mã này, các doanh nghiệp chủ động sinh ra các mã thương phẩm của sản phẩm kinh doanh.
Tỉnh Đồng Tháp đặc biệt chú trọng đến việc áp dụng hệ thống TXNG cho các sản phẩm nông sản. Sở KH&CN đã phối hợp với các ngành và địa phương để triển khai hệ thống TXNG cho các tổ chức, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc thù.
Bà Trần Thị Thế Hòa - Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Đồng Tháp khẳng định, TXNG không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn đem lại uy tín cho doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại, giúp nông sản Đồng Tháp ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Huỳnh Hoàng Hưng - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Nha Mân chia sẻ, việc áp dụng TXNG đã giúp đơn vị của ông không còn lo lắng trước những thắc mắc của khách hàng về an toàn thực phẩm. Nhờ TXNG, sản phẩm gạo của HTX đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng, với số lượng tiêu thụ tăng gấp ba lần.
Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất Tinh dầu Hương Đồng Tháp cũng đã áp dụng TXNG cho hơn 20 sản phẩm tinh dầu. Chị Đoàn Ngọc Minh Thùy - Giám đốc công ty, nhận định rằng TXNG không chỉ giúp đảm bảo sự minh bạch mà còn là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, mở rộng cơ hội xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong việc áp dụng hệ thống TXNG và mã số vùng trồng để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời, tỉnh sẽ hỗ trợ các cơ sở đổi mới công nghệ, cải tiến bao bì, nhãn mác và tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại để phát triển thị trường cho các sản phẩm nông sản chủ lực.
Duy Trinh (t/h)