Philippines áp thuế tự vệ tạm thời 400 pesos/tấn xi măng nhập khẩu

author 19:14 04/03/2025

(VietQ.vn) - Philippines là thị trường xuất khẩu xi măng lớn của Việt Nam, vừa ban hành Lệnh số 25-01 áp thuế tự vệ tạm thời 400 pesos/tấn đối với xi măng pooc lăng và xi măng hỗn hợp nhập khẩu.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, Bộ trưởng Công Thương Philippines đã ban hành Lệnh số 25-01, áp thuế tự vệ tạm thời 400 pesos/tấn (tương đương 6,9 USD) đối với hai loại xi măng nhập khẩu để bảo vệ ngành sản xuất xi măng trong nước.

Như nội dung đề cập tại Lệnh số 25-01, Bộ Công Thương Philippines đã khởi xướng điều tra biện pháp tự vệ đối với xi măng pooc lăng (Portland cement) mã AHNT Code 2523.29.90 và xi măng hỗn hợp (blended cement) mã AHNT Code 2523.90.00 theo Danh mục Biểu thuế quan hài hòa ASEAN (AHNT - ASEAN Harmonized Tariff Nomenclature). Cuộc điều tra được tiến hành trong giai đoạn 2019 – 2024, bao quát hai loại xi măng nhập khẩu từ một số quốc gia.

Philippines áp thuế tự vệ tạm thời đối với xi măng nhập khẩu. Ảnh minh họa

Căn cứ Điều 7 Đạo luật số 8800, “Luật về phòng vệ thương mại”, dựa trên chứng cứ thu thập được và thông tin từ các bên liên quan, Bộ Công Thương Philippines sau quá trình điều tra sơ bộ đã xác định có mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa sự gia tăng khối lượng xi măng nhập khẩu với thiệt hại thực tế của ngành sản xuất xi măng nội địa.

Do đó, cơ quan này quyết định áp thuế tự vệ tạm thời 400 pesos/tấn (tương đương 16 pesos/túi 40kg) đối với các loại xi măng mã AHNT Code 2523.29.90 và 2523.90.00 trong thời gian Ủy ban Thuế Philippines tiến hành điều tra chính thức. Thuế tự vệ tạm thời sẽ kéo dài 200 ngày kể từ khi Cục Hải quan Philippines ban hành lệnh áp thuế. Bộ Công Thương Philippines cũng liệt kê danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ được miễn thuế tự vệ tạm thời, nhưng Việt Nam không nằm trong số đó.

Theo Báo cáo điều tra sơ bộ do Bộ Công Thương Philippines công bố, xi măng Việt Nam liên tục giữ vị trí dẫn đầu về thị phần trong tổng lượng xi măng nhập khẩu vào nước này. Cụ thể, trong các năm 2019, 2020, 2021, 2022, 2023 và 2024, lượng xi măng Việt Nam xuất sang Philippines lần lượt đạt 4,23 triệu tấn, 5,37 triệu tấn, 6,38 triệu tấn, 6,34 triệu tấn, 6,87 triệu tấn và 7,20 triệu tấn, chiếm tỷ lệ tương ứng 79,41%, 91,41%, 92,59%, 94,76%, 98,09% và 94,40%.

Với số liệu trên, việc áp thuế tự vệ tạm thời của Philippines sẽ tác động đáng kể đến xuất khẩu xi măng của Việt Nam, đặc biệt khi xi măng pooc lăng và xi măng hỗn hợp Việt Nam xuất sang thị trường này hiện cũng đang chịu thuế chống bán phá giá. Theo quy định pháp luật về tự vệ của Philippines, Bộ Công Thương nước này có thẩm quyền điều tra sơ bộ dựa trên khiếu nại từ doanh nghiệp hoặc hiệp hội doanh nghiệp, hoặc tự khởi xướng dựa trên thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được.

Sau khi có kết quả điều tra sơ bộ, Bộ Công Thương ban hành lệnh áp thuế tự vệ tạm thời và chuyển hồ sơ cho Ủy ban Thuế điều tra chính thức. Ủy ban Thuế sẽ đề xuất tiếp tục, dỡ bỏ hay điều chỉnh mức thuế tự vệ chính thức, và Bộ Công Thương Philippines sẽ đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên đề xuất này.

Philippines hiện là thị trường xuất khẩu lớn của ngành xi măng Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, xuất khẩu sang thị trường này đã giảm mạnh, cộng thêm khó khăn tại các thị trường lớn như Trung Quốc và Bangladesh, khiến tổng lượng xuất khẩu xi măng trong 3 năm gần đây chỉ đạt từ 29 - 32 triệu tấn. Năm 2024, ngành xi măng xuất khẩu gần 30 triệu tấn xi măng và clinker, đạt giá trị 1,15 tỷ USD, giảm hơn 4% về lượng và gần 14% về kim ngạch so với năm 2023.

Sang tháng 1/2025, xuất khẩu tiếp tục lao dốc, chỉ đạt hơn 2 triệu tấn, thu về 76 triệu USD, giảm lần lượt 36,7% về lượng và 36% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Hiện tại, một số doanh nghiệp không thể xuất khẩu hoặc chỉ xuất được với sản lượng rất thấp do vướng các biện pháp phòng vệ thương mại tại các thị trường truyền thống như Philippines và Đài Loan (Trung Quốc).

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang