Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình: Cải cách hành chính cần đồng bộ, quyết liệt và toàn diện hơn nữa

author 05:54 07/08/2020

(VietQ.vn) - Bộ Công Thương là một trong những Bộ đi đầu trong cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, tạo điều thuận lợi cho doanh nghiệp. Công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 của Bộ được tiến hành đồng bộ và có những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Trên đây là nhận định của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình- Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Hội nghị tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, định hướng giai đoạn 2021 - 2030 của Bộ Công Thương ngày 6/8/2020.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình: Bộ Công Thương cần tiếp tục triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt và toàn diện các nội dung CCHC.

Đi đầu trong cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, điều kiện đầu tư kinh doanh

Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, công tác cải cách hành chính (CCHC) Bộ Công Thương giai đoạn 2011 – 2020 được tiến hành đồng bộ và có những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Về cải cách tổ chức bộ máy đến thời điểm hiện nay, Bộ đã tham mưu Chính phủ cắt giảm 5 đầu mối thuộc Bộ, giảm từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị; đặc biệt đã sắp xếp giảm được 74 Phòng thuộc Vụ/Cục.

Là Bộ quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, tạo ra 60-70% GDP của cả nước, Bộ Công Thương là một trong những bộ ngành có những chính sách ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh nên số lượng các thủ tục, điều kiện kinh doanh còn tương đối lớn.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Anh Sơn cho biết, Bộ Công Thương đã tiên phong thực hiện việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Trong năm 2017 và năm 2018, Bộ Công Thương đã cắt giảm, đơn giản hóa 675 điều kiện kinh doanh trên tổng số 1.216 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, chiếm tỷ lệ 55,5%.

Trong năm 2019, 2020, Bộ Công Thương tiếp tục là Bộ tiên phong hoàn thành việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cho giai đoạn này với việc đã cắt giảm, đơn giản hóa 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Như vậy, sau 2 lần thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa tổng cộng là 880 điều kiện trên tổng số 1.216 điều kiện (chiếm 70%).

Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, thực hiện nhiệm vụ để thuận lợi hoá cho doanh nghiệp.

Đáng chú ý, việc tiên phong đi đầu của Bộ Công Thương đã lan toả được tinh thần cải cách tới các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước; đồng thời thay đổi và hình thành được hệ tư tưởng cho toàn thể cán bộ, công chức trong ngành “vì dân phục vụ”; thay đổi phong cách, tác phong làm việc thay vì cơ chế xin cho, nhũng nhiễu trước đây của một số cán bộ công chức Nhà nước.

Cải cách thực chất, mang lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp

Trên thực tế, sau khi các điều kiện kinh doanh được cắt giảm, thủ tục hành chính được đơn giản hoá đã tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế tại Việt Nam.

Theo cộng đồng doanh nghiệp và người dân, sự cải cách của Bộ Công Thương nói riêng và các Bộ ngành khác nói chung đã mang lại những lợi ích thiết thực cho họ. Cụ thể, điều kiện kinh doanh thông thoáng hơn, thủ tục hành chính đỡ phức tạp, rườm rà; thời gian làm thủ tục nhanh hơn qua đó tiết giảm được chi phí, tăng cơ hội, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, thái độ phục vụ doanh nghiệp của cán bộ công chức đã có chuyển biến tích cực.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương thông tin, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 28/12/2018, thay mặt Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác của Chính phủ đã nêu rõ: Việc cắt giảm, đơn giản hoá 3.015 điều kiện kinh doanh của 9 Bộ: Công Thương; Y tế; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Lao động – Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải, Tài Chính; Giáo dục và Đào tạo đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân khoảng 5.911.650 ngày công/năm, tương đương 889,5 tỷ đồng/năm, chưa kể khoản chi phí tiết kiệm được do không phải duy trì, đáp ứng các điều kiện kinh doanh.

Đánh giá công tác cải cách hành chính của các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương, Tổ Công tác của Chính phủ cho hay, công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và cung cấp dịch vụ công quốc gia đã giúp tổng chi phí xã hội tiết kiệm ước tính khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Trong số các điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa trong thời gian vừa qua, nhiều điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương được cắt giảm có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, được các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao như trong lĩnh vực điện, ô tô, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh gas, an toàn thực phẩm…

Nhờ đó, trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức cao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 vượt mốc 500 tỷ USD. 7 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh rất khó khăn do dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng 0,2% so với cùng kỳ năm, trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu tăng 13,5%.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020

 

Tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt và toàn diện cải cách hành chính

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, giai đoạn 2011 – 2020, công tác CCHC của Bộ đã hoàn thành đảm bảo chất lượng, tiến độ; nhiều TTHC, điều kiện đầu tư, kinh doanh không cần thiết đã được xem xét bãi bỏ hoặc đơn giản hóa tối đa; công tác chỉ đạo điều hành, cải cách tổ chức bộ máy; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính của Bộ Công Thương luôn nằm trong Top đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương sẽ nỗ lực tiếp tục giữ vững vị trí, thành quả đạt được trong công tác CCHC của Bộ Công Thương trong những năm vừa qua- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Đánh giá cao những kết quả Bộ Công Thương đã đạt được trong công tác cắt giảm, đơn giản hóa, thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh và cải cách kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị, thời gian tới, Bộ Công Thương cần tiếp tục triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt và toàn diện các nội dung CCHC.

Phó Thủ tướng chi đạo, giai đoạn 10 năm tới, công tác CCHC của Bộ Công Thương phải thực sự đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. Tiếp tục tập trung công tác xây dựng thể chế, bảo đảm hệ thống thể chế đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong các lĩnh vực mà Bộ, ngành Công Thương được phân công, nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp pháp, đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống văn bản.

Triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số gắn kết chặt chẽ với CCHC, TTHC nhằm tăng cường tính hiệu quả, bền vững, Bộ Công Thương cần tái cấu trúc quy trình, cung cấp trên môi trường điện tử các TTHC có nhu cầu lớn, liên quan đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp, kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; tập trung vào các nhiệm vụ phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng, sản xuất công nghiệp- Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang