Phòng khám có yếu tố nước ngoài: Nhan nhản sai phạm

author 11:42 25/07/2012

(VietQ.vn) - Nhiều cơ sở y tế sử dụng lao động là người Trung Quốc không hợp lý, dùng thuốc kém chất lượng, không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ; “bác sĩ” Trung Quốc không giấy phép hoạt động, không tay nghề, làm chết người… nhưng cơ quan chức năng không dễ dàng xử lý, có phạt cũng chưa đủ sức răn đe.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, đến hết ngày 23/7, số cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố người nước ngoài đang hoạt động thực tế là 14 cơ sở, trong đó có 3 cơ sở là phòng chẩn trị y học cổ truyền (PCTYHCT) và 2 phòng khám đa khoa (PKĐK) có người Trung Quốc tham gia giúp việc. 9 cơ sở khác là bệnh viện, PKĐK và chuyên khoa có các bác sĩ, điều dưỡng người nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Pháp, Đức, Ucraina, Nga, Canada, Nhật Bản tham gia khám chữa và giúp việc.

Nhan nhản sai phạm

Trong 5 cơ sở kể trên có 7 người Trung Quốc là bác sĩ và giúp việc, tham gia làm việc. Nếu trừ đi 2 người “giúp việc” tại PKĐK Maria, địa chỉ tại số 65-67 Thái Thịnh (Hà Nội) là “bác sĩ” Hoàng Đỉnh Lập và Lôi Hồng, sau khi dính líu tới vụ việc làm chết người và bỏ trốn về nước, tổng số người Trung Quốc là bác sĩ và giúp việc còn lại chỉ 5 người.

Bác sỹ gây chết người tại PKĐK Maria vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Ảnh: N. N
Bác sĩ gây chết người tại PKĐK Maria vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Ảnh: N.N

Theo ông Nguyễn Việt Cường - Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, thực tế quản lý các cơ sở y tế có bác sĩ người Trung Quốc nảy sinh nhiều khó khăn. Cụ thể là đến nay đã có đến 9 cơ sở có bác sĩ người Trung Quốc tham gia khám chữa bệnh và làm giúp việc thôi không hành nghề khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, thế nhưng các cơ sở chưa báo cáo cho Sở Y tế biết.

Điển hình, có 5 cơ sở đã ngừng hoạt động khám chữa bệnh nhưng chưa thấy trả lại giấy phép. 4 cơ sở có bác sĩ Trung Quốc thôi không tham gia khám chữa bệnh như tại PKĐK 620 Hoàng Hoa Thám; PCTYHCT ở 604 Trường Chinh, 124 Láng Hạ và 981 Giải Phóng nhưng không báo cáo cơ quan chức năng.

Một đánh giá vừa đưa ra gần đây của Sở Y tế Hà Nội cũng cho thấy, các cơ sở khám chữa bệnh có bác sĩ, người giúp việc Trung Quốc tham gia làm việc thường xuyên có các sai phạm. Các sai phạm đó thường là khám chữa bệnh không đúng với phạm vi chuyên môn đã được cấp phép như ở PCTYHCT 604 Trường Chinh. Người Trung Quốc làm công việc chuyên môn chưa được phép của Sở Y tế như tại PKĐK 59 Khương Trung; Phòng khám thuộc viện Nam Á số 223 Thụy Khuê; PCTYHCT 981 Giải Phóng và 455 Giải Phóng. Quảng cáo giới thiệu phòng khám không đúng với nội dung đăng ký đã được Sở Y tế phê duyệt như tại PKĐK Maria 65- 67 Thái Thịnh. Sử dụng dược phẩm chưa được phép của Bộ Y tế cho bệnh nhân dùng như tại PCTYHCT 604 Trường Chinh. Phòng khám có niêm yết giá dịch vụ khám chữa bệnh như thu tiền cao hơn mức niêm yết và một số dịch vụ không niêm yết giá như tại PKĐK 59 Khương Trung, PKĐK Maria 65-67 Thái Thịnh, PCTYHCT 604 Trường Chinh.

Ngoài những sai phạm trên, các phòng khám còn ghi chép sổ khám bệnh không đầy đủ như trường hợp ở PKĐK Maria; chỉ định điều trị bằng ngôn ngữ khác không phải tiếng Việt như tại PCTYHCT 58 Sơn Tây; tại nhà thuốc của phòng khám kinh doanh thuốc không còn nguyên bao bì xuất xứ như tại PKĐK 709 Giải Phóng…

Ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết, trong quá trình đi thực tế kiểm tra, ông đã tận mắt chứng kiến các nhân viên người Trung Quốc hoạt động chui tại PKĐK 59 Khương Trung
Ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết, trong quá trình đi thực tế kiểm tra, ông đã tận mắt chứng kiến các nhân viên người Trung Quốc hoạt động chui tại PKĐK 59 Khương Trung

Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế, kể: khi trực tiếp đi kiểm tra tại cơ sở khám chữa bệnh PKĐK 59 Khương Trung mới đây, do các nhân viên không biết mặt ông nên tiếp đón như một bệnh nhân bình thường. Sau khi được hướng dẫn vào phòng khám, ông đã tận mục sở thị có người Trung Quốc tham gia khám chữa bệnh mà chưa có giấy phép.

“Sau hai lần phát hiện các sai phạm, Thanh tra Sở Y tế đã xử phạt PKĐK 59 Khương Trung và đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh của bác sĩ quốc tịch Trung Quốc, đình chỉ hoạt động của phòng khám”, ông Hiền nói.

Lẽ nào bất lực trong quản lý?

Mặc dù các cơ sở y tế có người Trung Quốc làm việc thường xuyên diễn ra các sai phạm như trên, nhưng các biện pháp xử phạt của các cơ quan chức năng lại chưa đủ mạnh, không đủ sức răn đe. Việc tái diễn các sai phạm xảy ra nhiều nhưng cơ quan chức năng lại không thể ngay lập tức xử lý các bác sĩ đã gây ra hậu quả và không rút giấy phép hoạt động được vì việc đầu tư và mở phòng khám lại do hoạt động đầu tư quản lý. Ngành Y tế chỉ đơn thuần quản lý về chuyên môn của cơ sở tham gia khám chữa bệnh. Chính cơ chế như vây đã khiến các sai phạm trở nên “thường tình”, như căn bệnh trầm kha, “nhờn thuốc” mà cơ quan chức năng y tế còn bất lực trong xử lý.

PKĐK 59 Khương Trung đã bị ngừng hoạt động vì sử dụng bác sỹ Trung Quốc chui. Ảnh: N. N
PKĐK 59 Khương Trung bị ngừng hoạt động vì sử dụng bác sĩ Trung Quốc "chui". Ảnh: N.N

Minh họa cho thực tế trên là việc: từ khi đi vào hoạt động đến ngày bị Sở Y tế Hà Nội cho tạm ngừng hoạt động, PKĐK Maria đã sai phạm tới 4 lần. Thế nhưng sau mỗi lần sai phạm chỉ phạt hành chính và kết quả là số tiền cơ sở nói trên nộp là bao nhiều. Chỉ đến khi xảy ra chết người, đối tượng bỏ trốn về nước, cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc, cơ sở đó mới bị đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh.

Câu hỏi đặt ra là tại sao có tới 4 lần sai phạm và đến khi xảy ra chết người thì cơ sở khám chữa bệnh nói trên mới bị tạm đình chỉ hoạt động. Làm chết người nhưng những người Trung Quốc có liên quan đã về nước từ lúc nào không ai biết. Đến nay cũng chưa có đơn vị nào đứng ra khẳng định rõ ràng sẽ chịu trách nhiệm về cái chết của bệnh nhân, trong khi sự việc cơ bản đã rõ ràng.

Trong cuộc họp giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức vào chiều 24/7, rất nhiều câu hỏi đặt ra cho lãnh đạo và phòng ban chức năng của Sở Y tế, thế nhưng câu trả lời lại chưa thỏa đáng. Thậm chí không ít lần báo chí đã phải ngắt ngang các trả lời của phía sở vì vòng vo, không đúng trọng tâm câu hỏi. Điều báo chí đặc biệt quan tâm là bài học và trách nhiệm của các bên liên quan khi để dẫn đến cái chết của bệnh nhân thì Sở Y tế Hà Nội lại nại lý do “cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc”.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Hiền chỉ khẳng định: trách nhiệm trước hết thuộc về chủ sử dụng lao động và người được giao nhiệm vụ thực hiện công việc đó. Trong khi đó, trách nhiệm của sở và các đơn vị chuyên môn trực thuộc khi quản lý lỏng lẻo và chưa có biện pháp hợp lý để chấn chỉnh… lại chưa được ông nhắc tới.

Cũng tại cuộc họp trên và trước những bất hợp lý trong quản lý các bác sĩ, người giúp việc quốc tịch nước ngoài; đặc biệt là với những sự việc mà bác sĩ người Trung Quốc đã làm vừa qua, Sở Y tế Hà Nội cho biết đã đưa ra “sáng kiến” yêu cầu các phòng khám phải ký cam kết. Nếu làm trái cam kết sẽ bị xử lý và tùy theo mức độ có thể bị tạm thời hoặc ngừng vĩnh viễn hoạt động. Thế nhưng nhiều người lại tỏ ra băn khoăn, nếu các cơ sở đó không chịu ký vào cam kết, chắc chắn ngành y tế sẽ vẫn bất lực trong hoạt động quản lý đội ngũ khám, chữa bệnh không có trình độ, chuyên môn tại các phòng khám có yếu tố nước ngoài.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang