Phụ nữ vùng cao vươn lên phát triển kinh tế từ những mô hình sinh kế hiệu quả
Xây dựng dự án hỗ trợ phát triển sinh kế do phụ nữ làm chủ
Nhằm hỗ trợ phát triển sinh kế do phụ nữ làm chủ, qua đó nâng cao phúc lợi kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam, dự án "Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam (Dự án AWEEV) do chính phủ Canada tài trợ, đang hợp tác với Hội Liên hiệp phụ nữ hai tỉnh Lai Châu và Hà Giang để tiến hành các hoạt động thay đổi chuẩn mực (bao gồm phân công lao động, ra quyết định, công việc chăm sóc không được trả công, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, sự tham gia của nam giới...).
Bằng những hỗ trợ tư liệu sản xuất thiết thực, phù hợp với nhu cầu và cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số, dự án đã mang lại những tác động không nhỏ, góp phần giải quyết các vấn đề chính: hỗ trợ phát triển sinh kế, giảm gánh nặng công việc chăm sóc, nâng cao khả năng ra quyết định của phụ nữ trong gia đình, thúc đẩy tiếp cận dịch vụ tài chính, và nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số.
Đàn dê đang được chị em xã Tiên Nguyên, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang nhân rộng
Dự án “Nâng quyền kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam - AWEEV” được Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) tài trợ thông qua Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam. AWEEV hướng tới hỗ trợ trực tiếp cho hơn 2.600 phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số (DTTS) ở 12 xã thuộc 3 huyện Quang Bình, Tam Đường và Sìn Hồ của tỉnh Hà Giang và Lai Châu.
Dự án được thực hiện trong 4 năm, tại 3 xã của tỉnh Lai Châu và 6 xã của tỉnh Hà Giang, với nguồn kinh phí gần 4,6 triệu đô-la Canada, triển khai từ tháng 9/2021. Đây cũng là dự án hỗ trợ trực tiếp Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội ở vùng miền núi và DTTS giai đoạn 2021-2030; trực tiếp góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Từ nguồn kinh phí 4,5 triệu USD từ Canada cho dự án, Care đã hỗ trợ được 6 tổ nhóm và 32 nhóm sinh kế, tín dụng tiết kiệm tự quản với 732 thành viên. 150 phụ nữ dân tộc thiểu số tại huyện Quang Bình đã thực hiện các nhóm sinh kế nuôi gà, lợn, dê.
Đáng chú ý, dự án AWEEV lấy phụ nữ làm trung tâm, xây dựng các mô hình kinh tế do chính chị em thảo luận, quyết định và lựa chọn đầu tư; phù hợp với điều kiện của từng địa bàn. Tính đến nay, dự án đã thành lập được 35 nhóm phát triển sinh kế với hơn 900 thành viên, hơn 90% là phụ nữ. Hiện nay, các nhóm sinh kế do dự án tài trợ vẫn đang được triển khai và phát triển tốt. Qua đó, giúp nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin phát triển kinh tế, khẳng định được vị thế của mình trong gia đình và xã hội.
Nâng cao vị thế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Gia đình chị Trương Thị Nhầu (tại xã Tiên Nguyên, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) là một trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của địa phương. Năm 2023, chị Nhầu được giới thiệu tham gia nhóm sinh kế nuôi dê, nằm trong dự án “Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Việt Nam” (Dự án AWEEV) do Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam triển khai.
Chị Nhầu chia sẻ, khi tham gia nhóm, gia đình chị được hỗ trợ vay ngay 5 triệu đồng không tính lãi để mua hai con dê giống về chăn nuôi. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những chị em tham gia trước đó, việc chăn nuôi dê của chị Nhầu khá thuận lợi. Chưa đầy 9 tháng sau, từ hai con giống ban đầu, đàn dê của chị đã nảy nở thêm 5 dê con.
Ngoài chị Nhầu, trong nhóm sinh kế dê thôn Hồng Sơn đã có nhiều thành viên khác được vay vốn. Dự án của tổ chức CARE hỗ trợ 40 triệu đồng, mỗi chị em được vay tối đa 5 triệu đồng, vay quay vòng. Các hộ được vay trong thời hạn 18 tháng, chia làm hai lần trả gốc để dành cho các chị em khác vay. Số dê giống mua về đều sinh trưởng rất tốt và tăng đàn nhanh.
Chị Đặng Xà Trắm- Trưởng nhóm sinh kế nuôi dê thôn Hồng Sơn cho biết: Nhóm sinh kế nuôi dê của thôn hiện có 16 hộ tham gia. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình kinh tế của các hội viên khác, nhiều chị em muốn tham gia vào nhóm. Chị em không chỉ được hỗ trợ vốn vay ưu đãi mà còn được hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế.
Thôn Thượng Bình, xã Yên Thành, huyện Quang Bình là một trong những vùng trồng chè nổi tiếng. Được tham gia dự án hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp, chị Hủng Thị Dạng đã được hướng dẫn, tập huấn, có thể tự vạch ra kế hoạch kinh doanh. Sau nhiều vòng tranh luận và thuyết phục trong cuộc thi hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp do dự án tổ chức, chị đã được hỗ trợ một phần chi phí và thiết bị chế biến cũng như đào tạo kỹ thuật để chế biến trà.
Hiện sản phẩm Thượng Trà của chị Hủng Thị Dạng được bán ra với giá cao hơn trước 15% do đạt chất lượng tốt hơn. Chị Dạng đang tiếp tục kế hoạch hoàn thiện các hoạt động tiếp thị và xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở đường cho Thượng Trà gia nhập thị trường đồ uống đầy cạnh tranh tại Việt Nam.
Chị Hoàng Thị Hiền tại tổ 1, thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình cho biết, chị có ý tưởng trồng nấm từ năm 2008, nhưng chỉ khi dự án AWEEV hỗ trợ cho vay không lãi suất hơn 110 triệu đồng và tài trợ cho xưởng nấm một máy đóng bầu hơn 30 triệu đồng, chị mới tự tin để bắt tay vào sản xuất. Hiện xưởng nấm của chị Hiền có quy mô sản xuất 20 ngàn bầu nấm và cho ra thị trường những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng.
Xưởng nấm của chị Hoàng Thị Hiền có quy mô sản xuất 20 ngàn bầu nấm
Sau 3 năm triển khai, dự án AWEEV không chỉ góp phần phát triển kinh tế bền vững mà còn giảm các rào cản về định kiến giới trong việc phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế. Dự án đã hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền để giải quyết bất bình đẳng trong gánh nặng chăm sóc không lương và thúc đẩy quyền kinh tế của phụ nữ DTTS.
Đánh giá về hiệu quả của dự án AWEEV, bà Nguyễn Thị Quyên- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang- cho biết, 6 xã nằm trong vùng dự án của Care đều khó khăn, có những thôn, bản còn chưa có điện lưới.
Sau khi dự án AWEEV triển khai đã tác động rất lớn đến việc phát triển phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện, nhất là góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 15%, đến cuối 2023 giảm còn 9,2%. Tỷ lệ hộ cận nghèo năm 2022 là 11,3% nay còn 7,8%.
“Dự án AWEEV đã giúp chị em DTTS nơi đây thay đổi từ nhút nhát, rụt rè sang mạnh dạn, tự tin làm kinh tế. Chị em đã biết cách phát triển kinh tế hộ gia đình, biết thành lập các mô hình chăn nuôi gà, lợn, dê. Từ đó, thoát được nghèo”- bà Nguyễn Thị Quyên chia sẻ.
Lê Kim Liên