Phú Yên đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa

(VietQ.vn) - Để giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, thời gian qua tỉnh Phú yên đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ từ máy móc, thiết bị cho tới việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, áp dụng tiêu chuẩn vào sản xuất.
Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG
Phân tích tác động và hình thức sai lỗi (FMEA) để cải tiến năng suất
Doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, cải thiện môi trường với tiêu chuẩn ISO 14001
Áp dụng Lean nâng cao năng suất chất lượng ngành gỗ
Thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng giai đoạn 2021–2030, tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu nâng số doanh nghiệp tham gia từ 10–15%. Các doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động đầu tư công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế và công cụ cải tiến hiện đại để tăng sức cạnh tranh.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ từ cấp máy móc sản xuất, thiết kế bao bì, phát triển thương hiệu đến xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm địa phương. Trong năm 2024, Sở đã hỗ trợ 5 cơ sở ứng dụng thiết bị công nghệ với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng và hỗ trợ thiết kế bao bì cho 2 cơ sở. Đồng thời, các chương trình khuyến công đã giúp doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất gạo, bánh tráng, bún tươi, nâng cao giá trị cho cây ăn trái đạt chuẩn VietGAP.

Theo ông Lâm Vũ Hạnh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên, mục tiêu nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa không chỉ dừng lại ở việc cải thiện quy trình sản xuất mà còn giúp doanh nghiệp tạo sức cạnh tranh bền vững trên thị trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong tỉnh đã chú trọng xây dựng thương hiệu và gia tăng giá trị cho sản phẩm; nhiều doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Yến sào Khang Châu, cà phê Huy Tùng, khóm Đồng Din, nước mắm Gành Đỏ…
Đặc biệt có rất nhiều doanh nghiệp thành công trong áp dụng các công cụ cải tiến, tiêu chuẩn quốc gia cũng như quốc tế mang lại nhiều giá trị to lớn trong sản xuất cũng như tạo được uy tín trên thị trường.
Điển hình, Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên chuyên trồng rừng, chế biến lâm sản và sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu. Không chỉ đầu tư nhà máy chế biến lâm sản đạt tiêu chuẩn châu Âu, Công ty Bảo Châu Phú Yên còn xây dựng vùng nguyên liệu rừng phát triển bền vững.
Khởi nguồn là một doanh nghiệp tư nhân (tháng 4/2003), trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến nay, Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên đã khẳng định thương hiệu trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm dăm gỗ, viên nén gỗ xuất khẩu, trồng rừng, chăm sóc và khai khác rừng. Công ty Bảo Châu Phú Yên đã tiên phong trong việc thực hiện và xây dựng chiến lược xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững theo chiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) để trở thành tập đoàn vững mạnh trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp.
Ông Trần Đăng Khoa, Tổng giám đốc Công ty Bảo Châu Phú Yên cho biết, trước đây, nhà máy làm theo công nghệ cũ, máy móc và quy trình sản xuất không đồng bộ, dẫn đến sản phẩm không chất lượng. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe hơn về chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, an toàn trong sản xuất, đảm bảo môi trường và công tác phòng cháy - chữa cháy theo quy định, Công ty đã đầu tư nhà máy chế biến lâm sản hiện đại theo tiêu chuẩn của châu Âu.

Hay Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phi Hùng có địa chỉ tại khu phố 4, thị trấn Hòa Vinh, Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, chuyên sản xuất phân bón N.P.K đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý, công nghệ tiên tiến theo Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001.
Ngay từ khi thành lập, công ty liên tục nghiên cứu, cải thiện công nghệ thiết bị, phát triển sản phẩm cũng như mở rộng thị trường từ một công ty nhỏ cho đến năng suất vài trăm ngàn tấn mỗi năm. Nhờ đó công ty đã sở hữu dây chuyền sản xuất tiên tiến được thiết kế với năng suất 350,000 MT.
Thường xuyên tổ chức và đào tạo nguồn nhân lực để tạo ra những sản phẩm với chất lượng cao hơn, dần dần mở rộng phân phối sản phẩm của mình trên rộng khắp cả nước và các nước láng giềng như Lào và Campuchia với vài chục tấn mỗi năm được đưa tới tay người tiêu dùng.
Dù đạt nhiều thành tựu trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhưng theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên, hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn như đội ngũ tư vấn về năng suất chất lượng còn thiếu, kinh phí hạn chế, doanh nghiệp phần lớn là nhỏ và vừa, khó triển khai sâu các giải pháp nâng cao chất lượng.
Để khắc phục, UBND tỉnh đã giao Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo nâng cao năng lực doanh nghiệp đồng thời kêu gọi hỗ trợ từ các chương trình trung ương. Tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền qua các kênh báo, đài, nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của năng suất và chất lượng trong phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo Sở Khoa học và Công nghệ, ngoài chính sách hỗ trợ, mỗi doanh nghiệp cần chủ động cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh và phát triển lâu dài.
An Dương