Phú Yên phát hiện hàng loạt sản phẩm phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu
Quảng Ninh: Tạm giữ 3.730 chiếc vợt, bóng pickleball nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu
Tiền Giang phát hiện cơ sở kinh doanh bán gạo giả mạo nhãn hiệu
Kiên Giang xử phạt 2 cơ sở kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu qua mạng xã hội
Tạm giữ 200 chai LPG giả mạo nhãn hiệu tại Long An
Tiếp nhận đơn yêu cầu xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh. Qua thẩm tra, xác minh, thu thập thông tin, Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường Phú Yên phối hợp với Công an thị xã Đông Hòa tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh Hiệu buôn Bích Tuyền, địa chỉ: Khu phố Thạch Chẩm, phường Hòa Xuân Tây, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang tàng trữ và bày bán 244 sản phẩm phụ tùng xe máy các loại Honda và Yamaha có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ của Công ty HONDA MOTOR CO.,LTD và Công ty YAMAHA MOTOR CO.,. Đội Quản lý thị trường số 3 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trên để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa tại cơ sở kinh doanh. Ảnh: Cục QLTT Phú Yên
Cùng ngày, Đội Quản lý thị trường số 3 – Cục Quản lý thị trường Phú Yên phối hợp với Công an thị xã Đông Hòa tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh Hiệu buôn Nhung Thạch, địa chỉ: Khu phố 2, phường Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 3 phát hiện cơ sở đang bày bán 81 sản phẩm hàng hóa là phụ tùng xe máy (gồm 7 mục hàng Honda và Yamaha) có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ của Công ty HONDA MOTOR CO.,LTD và Công ty YAMAHA MOTOR CO. Đội Quản lý thị trường số 3 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trên để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vi phạm giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, trước đó, Đội Quản lý thị trường số 5 thuộc Cục Quản lý thị trường Phú Yên đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Cửa hàng Đỗ Quỳnh Nga do bà Đỗ Thị Huỳnh Nga làm chủ, địa chỉ: Thôn 2/4, xã EaLy, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên đang bày bán dép mang nhãn hiệu Hermès, với tổng số 120 đôi dép có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng này, trị giá 16,8 triệu đồng. Đội Quản lý thị trường số 5 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên và xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhãn hiệu là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Thuật ngữ này được sử dụng từ lâu và phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), nhãn hiệu là “các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự của cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau”. Theo Luật Sở hữu trí tuệ thì nhãn hiệu là “dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau” (khoản 16 Điều 4). Việc sử dụng nhãn hiệu giả mạo không chỉ xâm phạm quyền lợi của doanh nghiệp sở hữu mà còn gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng và nền kinh tế.
Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ, các cá nhân hoặc tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 1 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tùy theo mức độ vi phạm. Đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng, hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự. Cụ thể, người phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị phạt tù lên đến 15 năm hoặc bị xử lý về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp với mức phạt cao nhất là 3 năm tù.
Duy Trinh