PTT Vũ Đức Đam nói về cách mạng công nghiệp 4.0 và tương lai việc làm

author 17:32 13/09/2018

(VietQ.vn) - Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có những chia sẻ hết sức ý nghĩa về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tương lai việc làm tại khu vực ASEAN.

Giới trẻ lạc quan về tương lai CMCN 4.0

Tại phiên thảo luận “Tương lai việc làm ở ASEAN” (diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN) sáng 13/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, các khảo sát cho thấy người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ rất lạc quan về tương lai của CMCN 4.0 nhưng đi cùng với nó là không ít những thách thức đặt ra đối với các nhà hoạch định chính sách. Bởi CMCN 4.0 mang đến nhiều nghề mới nhưng cũng rất nhiều nghề sẽ bị thay thế, trong đó có những nghề đang sử dụng rất nhiều lao động như dệt may, da giày, xây dựng…

Thực tế này đặt ra yêu cầu phải đào tạo lại để lao động chuyển sang nghề mới hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng có trình độ cao hơn để đáp ứng các kỹ thuật mới. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chia sẻ bên cạnh lực lượng lao động công nghiệp-dịch vụ, Việt Nam còn phải tiếp tục chuyển dịch 38% lao động là nông dân sang khu vực công nghiệp-dịch vụ. 

“Bài toán đặt ra là làm sao để nông dân và lao động công nghiệp-dịch vụ học được các kỹ năng để làm nghề mới, có khả năng tự tạo việc làm cho bản thân. Ví dụ 38% số lao động nông nghiệp hiện nay vừa tiếp tục canh tác nhưng bằng công nghệ mới có thể tiếp cận khách hàng ở Việt Nam, nước ngoài để bán hàng và cung cấp những dịch vụ liên quan”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề và nhấn mạnh yêu cầu phát triển hệ thống học tập suốt đời không chỉ cho người lớn ở độ tuổi 25-40 mà đặc biệt là người già 60-65 tuổi.

“Với hơn 11.000 trung tâm học tập cộng đồng tại tất cả các xã, phường cùng với Hội Khuyến học, Hội người cao tuổi, việc học tập suốt đời dành cho người lớn có sự hỗ trợ của chính quyền, hướng dẫn của các bộ ngành liên quan. Mục tiêu là giúp mọi người nắm bắt được kiến thức, thị trường, tự tạo việc làm cho mình”, Phó Thủ tướng thông tin.

Đối với giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh đổi mới, giúp học sinh ý thức được thế giới tương lai rất khó đoán định để thay đổi từ cách học một cách thụ động, vâng lời sang học chủ động, khuyến khích sáng tạo, dám nghĩ khác, dám đặt câu hỏi với giáo viên.

Cùng với đó, giáo dục Việt Nam đang triển khai nhiều dự án khác nhau để đổi mới giáo dục phổ thông, đại học trên tinh thần tương thích với khung trình độ của ASEAN và thế giới, tiến tới hợp tác công nhận bằng cấp của nhau, chia sẻ học liệu, kinh nghiệm, cùng phát huy những cái tốt nhất của mình.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các công nghệ khác, Phó Thủ tướng tin tưởng việc học tập của mỗi cá nhân, học tập suốt đời ngày càng tốt hơn. Người học không cần phải đến lớp thậm chí không cần có thầy mà có thể học trên mạng. Việt Nam đã có những dự án được khởi động để tạo ra những kho tri thức giúp mọi người, đặc biệt là người cao tuổi có thể qua điện thoại thông minh, truyền hình để học nâng cao kiến thức của mình thích ứng với yêu cầu mới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi thảo luận. Ảnh: VGP 

“Việt Nam đã triển khai chương trình xây dựng môi trường tri thức Việt số hoá, thu thập tất cả kiến thức ở Việt Nam và của các nước, biên tập lại thành dạng câu hỏi và câu trả lời đơn giản cho mọi lứa tuổi, mọi người, mọi ngành nghề. Trên cơ sở dữ liệu này, các Start-up trẻ được khuyến khích ‘đào’ kho dữ liệu lớn làm ra thật nhiều ứng dụng học tập thông minh. Đơn cử như một số ứng dụng dựa trên công nghệ nhận dạng lời nói dùng để hỏi đường, hỏi thời tiết… Cùng với đó cần mở rộng diện bao phủ internet băng rộng và tăng tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh. Sau một số năm chúng tôi hy vọng trình độ hiểu biết chung của mọi người sẽ được nâng lên và tìm ra cơ hội của mình”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Việc làm linh hoạt từ CMCN 4.0

Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự linh hoạt trong quá trình chuyển đổi việc làm, bà Francesca Chia, đồng sáng lập và điều hành Trung tâm đào tạo Goget (Malaysia) khẳng định, trang bị kỹ năng số cho người trẻ cũng như những người lớn tuổi để cập nhật các kỹ năng tốt, kiến thức mới là một trong những phương thức giúp sự chuyển đổi việc làm trở nên hợp lý với nhu cầu thị trường lao động.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng chưa tính đến CMCN 4.0 thì những nền kinh tế như Việt Nam buộc phải cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút các DN, nhà đầu tư.

Những năm gần đây Chính phủ Việt Nam liên tục có những biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng để làm sao mọi người tự tạo ra việc làm của mình và rất linh hoạt thì những quốc gia như Việt Nam cần phải nỗ lực hơn những quốc gia như Singapore, Malaysia vốn là những nước đã sẵn sàng cho CMCN 4.0 trong giáo dục cũng như tạo môi trường phát huy “những nghề phụ”.

Cụ thể, trong giáo dục, cùng với việc dạy các kỹ năng cứng thì rất cần chú trọng các kỹ năng mềm, những phẩm chất, năng lực yêu thương, quý trọng con người để phù hợp với các nghề nghiệp mới liên quan đến chăm sóc con người, chú ý đến cảm xúc con người. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam sẽ ban hành những chính sách để người lao động có thể phát huy được các “nghề phụ”, vốn là công việc của riêng mỗi cá nhân, tạo thu nhập ngày càng tốt hơn

“Ngoài câu chuyện Việt Nam, chúng ta nói đến nghề linh hoạt, thu hút nhân lực chất lượng cao nhưng với sự phát triển của công nghệ thì lao động có thể làm việc ở bất cứ đâu nên nếu không có chính sách tốt thì thậm chí lao động ở Việt Nam nhưng làm việc cho công ty Mỹ, Nhật Bản và ngược lại. Hơn nữa công nghệ xử lý giọng nói trong tương lai gần sẽ xoá nhoà ngôn ngữ giữa các quốc gia nên vấn đề dịch chuyển lao động, các rào cản thương mại qua biên giới trước hết ở ASEAN và trên toàn cầu cần phải được xem xét trên góc độ công nghệ phát triển mạnh mẽ và có mặt ở mọi lĩnh vực. Các nhà hoạch định chính sách phải có tầm nhìn toàn cầu đang đến ngày càng nhanh hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Bảo Lâm

CMCN 4.0 sẽ tạo sự đột phá về năng suất trên 5 ngành công nghiệp lớn(VietQ.vn) - Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho các nước ASEAN là vô cùng lớn, trước tiên là tạo sự đột phá về năng suất trên 5 ngành công nghiệp lớn là: Điện tử, hóa chất và dầu khí, hàng tiêu dùng, thực phẩm và dược phẩm.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang