WHO và các nước cùng quan điểm cần quản lý chặt thuốc lá làm nóng

author 16:04 24/05/2024

(VietQ.vn) - Trước tác hại của thuốc lá làm nóng, WHO, FDA và nhiều quốc gia trên giới đều cùng quan điểm rằng cần phải quản lý chặt sản phẩm này.

Đầu năm 2024, tại cuộc họp toàn cầu giữa các quốc gia về kiểm soát thuốc lá (COP) lần thứ 10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố Báo cáo toàn diện về nghiên cứu và bằng chứng về các sản phẩm thuốc lá mới và mới nổi, cụ thể là thuốc lá làm nóng.

Theo Báo cáo, trong 195 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 69 quốc gia quy định cụ thể về thuốc lá làm nóng dưới dạng cụ thể (thuốc lá thông thường, thuốc lá mới, thuốc lá không khói) hay các dạng khác. Có 86 quốc gia khác ngầm quản lý thuốc lá làm nóng theo quy định về thuốc lá điếu.

Theo Báo cáo của WHO, có đến 175 quốc gia và vùng lãnh thổ không cấm kinh doanh thuốc lá làm nóng, mà quản lý thuốc lá làm nóng bằng nhiều hình thức như: Cấm hút thuốc lá làm nóng tại những nơi không được phép hút thuốc, yêu cầu ghi nhãn đối với điếu thuốc lá làm nóng, và áp dụng các yêu cầu về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ tương tự như các thuốc lá điếu.

Trong số các quốc gia trong khu vực châu Á, Philippines cho phép hợp pháp hóa thuốc lá làm nóng. Tại quốc gia này, thuốc lá làm nóng luôn được phép sử dụng. Đến tháng 7/2022, Philippines ban hành Đạo luật Cộng hòa số 11900 (Đạo luật quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới) nhằm quy định hành lang pháp lý cho việc nhập khẩu, kinh doanh, phân phối, sử dụng và truyền thông cho các sản phẩm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử. Theo đó, Đạo luật này công nhận giảm thiểu tác hại thuốc lá (thông qua các sản phẩm mới như thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử) là một chiến lược nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Thuốc lá làm nóng để lại nhiều hệ lụy cho người sử dụng. Ảnh minh họa

Tại Malaysia, thuốc lá làm nóng đã được hợp pháp hóa từ năm 2018 theo luật kiểm soát thuốc lá hiện hành. Đến năm 2023, sản phẩm này tiếp tục được phân loại khác biệt so với thuốc lá điếu truyền thống theo quy định Kiểm soát sản phẩm thuốc lá hút tại Dự luật Y tế Công cộng năm 2023.

Trước đó, thuốc lá làm nóng đã ra mắt tại Nhật Bản từ năm 2014, được quy định là sản phẩm thuốc lá theo Đạo luật Kinh doanh thuốc lá 1984. Tuy nhiên các điều khoản quản lý đối với thuốc lá làm nóng ít nghiêm ngặt hơn so với thuốc lá điếu, gồm mức thuế thấp hơn, chỉ quy định nội dung cảnh báo sức khỏe bằng chữ, không sử dụng hình ảnh các bệnh do hút thuốc lá điếu, và cho phép sử dụng tại một số khu vực cấm thuốc lá điếu (như nhà hàng, quán bar, taxi…).

Ở góc độ khoa học, Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã tiến hành thẩm định trên 2 triệu trang hồ sơ bằng chứng về sản phẩm thuốc lá làm nóng và khẳng định rằng sản phẩm này "giảm đáng kể sự hình thành các chất hóa học gây hại hoặc có tiềm năng gây hại", "các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng chuyển hoàn toàn từ thuốc lá điếu sang thuốc lá làm nóng làm giảm đáng kể sự phơi nhiễm của cơ thể đối với các chất độc hại" và "thích hợp cho mục tiêu cải thiện sức khỏe cộng đồng".

Tại Việt Nam, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ PCTH của thuốc lá, cho biết thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng là các sản phẩm mới xuất hiện trôi nổi tại Việt Nam trong gần 10 năm trở lại đây. Hệ lụy của nó gây ra đang đe dọa những thành quả của công cuộc phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam.

Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và các sản phẩm thuốc mới mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ, Quốc hội để xem xét sửa đổi, bổ sung Luật phòng chống tác hại của thuốc lá để bổ sung quy định này vào Luật để bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện.

PGS Lương Ngọc Khuê cho biết, theo báo cáo tổng hợp gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử. Thực tế cho thấy thuốc lá điện tử và kể cả một số loại thuốc lá làm nóng mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỉ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.

Thống kê cho thấy tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỉ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023. Ở nữ giới tuổi 11-18, cũng theo kết quả sơ bộ của điều tra 11 tỉnh thì tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% năm 2023.

Theo PGS Khuê, tháng 10/2023, Bộ Y tế nhận được tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm này ở Việt Nam.

An Dương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang