Thuận lợi, khó khăn và triển vọng phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam - Phần Lan

author 16:55 08/11/2022

(VietQ.vn) - Trong khuôn khổ bài viết, tác giả phân tích thực trạng, thuận lợi, khó khăn và triển vọng phát triển của quan hệ kinh tế Việt Nam – Phần Lan trong bối cảnh triển khai EVFTA.

Tóm tắt: Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) giữa Việt Nam và 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) là hiệp định có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng, bao trùm rất nhiều lĩnh vực. Hiệp định đều đặt tất cả các nước thành viên EU trên một vạch xuất phát giống nhau, nghĩa là nếu cộng đồng EU có lợi thì mọi thành viên của EU sẽ cùng có lợi. Là nước thành viên của EU nên Phần Lan xác định, những chương trình nghị sự của EU cũng nằm trong kế hoạch đẩy mạnh hợp tác thương mại với Việt Nam. Phần Lan là một trong những thị trường quan trọng và có mức tăng trưởng thương mại vượt bậc với Việt Nam kể từ sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Trong khuôn khổ bài viết, tác giả phân tích thực trạng, thuận lợi, khó khăn và triển vọng phát triển của quan hệ kinh tế Việt Nam – Phần Lan trong bối cảnh triển khai EVFTA.

1. Quan hệ kinh tế Việt Nam - Phần Lan

Quan hệ thương mại Việt Nam - Phần Lan phát triển liên tục, bền vững trong những năm qua. Điều này mở ra cơ hội cho cả hai nước để có thể hưởng lợi rất lớn từ những quan hệ đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Đặc biệt, nhờ khung khổ pháp lý thuận lợi của EVFTA, với nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp hai nước, thương mại và đầu tư song phương Việt Nam - Phần Lan sẽ tiếp tục được phát triển mạnh mẽ.

 EVFTA thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Phần Lan. Ảnh minh họa.

Về thương mại

Trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Phần Lan tăng trưởng khá tích cực với kim ngạch hai chiều năm 2016 đạt 328 triệu USD và riêng 10 tháng đầu năm 2017 đã đạt 389 triệu USD (tăng 40% so với cùng kỳ 2016).

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước tăng liên tục qua các năm mặc dù giá trị tuyệt đối không thật lớn do quy mô dân số của Phần Lan chỉ ở mức hơn 5,5 triệu dân. Năm 2020, kim ngạch hai chiều đạt 337,4 triệu USD, trong đó Việt Nam nhập khẩu 196,6 triệu USD và xuất khẩu 140,8 triệu USD.

Với lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), thương mại giữa hai nước thời gian qua đã chứng kiến sự tăng trưởng tích cực bất chấp những khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19. Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai nước năm 2021 đạt 511,2 triệu USD, tăng trưởng 54,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Phần Lan đạt 266,1 triệu USD, 97,2% so với năm trước. Xuất khẩu của Phần Lan sang Việt Nam đạt 245,1 triệu USD, tăng 24,7%.

Về xuất khẩu

Quý 3/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Phần Lan giảm mạnh so với quý trước đó do dịch Covid-19 trong nước bùng phát. Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong quý 3/2021 đạt 50,9 triệu USD, giảm 37,3% so với quý 2/2021.

So với cùng kỳ năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Phần Lan trong quý 3/2021 tăng trưởng khả quan khi xuất khẩu hầu hết mặt hàng chủ lực tăng, trừ xuất khẩu giày dép các loại, hàng dệt may, nguyên phụ liệu dệt may, cà phê và sản phẩm gỗ giảm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hầu hết mặt hàng chủ lực như: sản phẩm từ sắt thép; giày dép các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; hàng dệt may và nguyên phụ liệu dệt may... giảm mạnh so với quý trước đó. Trong khi xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, cao su, cà phê tăng.

Trong quý 4/2021, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Phần Lan tăng trưởng khả quan khi dịch Covid-19 trong nước cơ bản đã được kiểm soát. Các doanh nghiệp đang dần hồi phục sản xuất và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Phần Lan cho dịp nghỉ lễ cuối năm ở mức cao.

Theo thống kê của Eurostat, thị phần hàng hóa Việt Nam trên tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường ngoài khối của Phần Lan tăng từ 0,7% trong 7 tháng đầu năm 2020, lên 1,2% trong 7 tháng năm 2021, đạt 73,5 triệu Euro. Trong đó, thị phần mặt hàng sản phẩm từ sắt thép tăng từ 16,1% trong 7 tháng đầu năm 2020, lên 25,2% trong 7 tháng đầu năm 2021; thị phần giày dép các loại tăng từ 15,4% lên 19,1%; thị phần hàng may mặc tăng từ 1,7% lên 1,9%.

Sự phục hồi của kinh tế Phần Lan và ưu đãi về thuế quan theo cam kết của Hiệp định EVFTA sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới. Mặc dù đã tăng lên, nhưng thị phần hàng Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Phần Lan vẫn ở mức rất thấp. Do đó, lộ trình giảm thuế theo cam kết trong Hiệp định EVFTA là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác tốt hơn nữa cơ hội tại thị trường này.

Đặc biệt là cơ hội với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như giày dép các loại, hàng dệt may, sản phẩm từ chất dẻo... Hiện nay, ngành công nghiệp dệt may của Phần Lan tương đối hạn chế do hầu hết quá trình sản xuất đã được chuyển đến các nước có chi phí thấp ở Đông Âu và Châu Á. Do đó, Phần Lan chủ yếu nhập khẩu quần áo cho tiêu dùng.

Về nhập khẩu

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 trong nước không có tác động nhiều đến hoạt động nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Phần Lan trong quý 3/2021 đạt 90,4 triệu USD, tăng 39,4% so với quý 2/2021 và tăng 69,1% so với quý 3/2020.

So với quý 2/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Phần Lan chủ yếu do nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; sản phẩm hóa chất và hàng hóa khác tăng, trong khi nhập khẩu giấy các loại, gỗ và sản phẩm gỗ; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại giảm. Tính chung 9 tháng năm 2021, nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại giảm, trong khi nhập khẩu các mặt hàng khác tăng.

Kim ngạch nhập khẩu từ Phần Lan của Việt Nam trong 11 tháng năm 2021 đạt 231,4 triệu USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Phần Lan trong quý 3/2021 đạt 90,4 triệu USD, tăng 39,4% so với quý 2/2021 và tăng 69,1% so với quý 3/2020.

Về đầu tư

Năm 2018, đầu tư của Phần Lan vào Việt Nam vẫn còn thấp với 20 dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 22,6 triệu USD, xếp thứ 69/129 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

Từ năm 2019, tài trợ của Phần Lan dành cho Việt Nam chủ yếu dưới hình thức tín dụng ưu đãi. Đầu năm nay, hai bên đã ký Thỏa thuận khung về việc triển khai công cụ hỗ trợ đầu tư công (PIF) của Phần Lan tại Việt Nam. Chính phủ Phần Lan cấp vốn vay cho các dự án tại Việt Nam trong các lĩnh vực như môi trường, năng lượng sạch, đô thị thông minh, xã hội (y tế, đào tạo), khoa học công nghệ...

Ngày 22/1/2021, Hiệp định khung về triển khai công cụ hỗ trợ đầu tư công của Phần Lan tại Việt Nam có hiệu lực, theo đó Chính phủ Phần Lan sẽ hỗ trợ lên tới 100 triệu euro cho các doanh nghiệp Phần Lan có hợp tác với Việt Nam ở các lĩnh vực mà Phần Lan có thể mạnh. Mục đích của nguồn vốn hỗ trợ đầu tư công Phần Lan (PIF) là cung cấp hỗ trợ tài chính đối với dự án đầu tư công của các nước đang phát triển phù hợp với Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đồng thời áp dụng công nghệ tiên tiến của Phần Lan như công nghệ môi trường (xử lý rác thải thành điện, năng lượng sạch...), đô thị thông minh, các giải pháp chuyển đổi số, y tế, đào tạo, công nghệ mới....

Tính đến tháng 6/2021, Phần Lan có 29 dự án có hiệu lực với số vốn đăng ký 23,632 triệu USD, đứng thứ 70/140 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Trong đó có hai tỉnh là Hà Nội và Đồng Nai được các doanh nghiệp Phần Lan chú ý đầu tư. Hà Nội hiện có 4 dự án FDI với Phần Lan trị giá 570.000 USD với kim ngạch hàng hóa thành phố, xuất khẩu sang Phần Lan tương đương 5,6 triệu USD và nhập khẩu 2,8 triệu USD.

Thế mạnh của các doanh nghiệp Phần Lan rất phù hợp với trọng tâm phát triển chung trong kế hoạch 5 năm của Thủ đô, bao gồm đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường phát triển công nghệ, chỉnh trang đô thị, giải quyết các vấn đề của siêu đô thị. Đồng Nai hiện thu hút 1.533 dự án FDI đến từ 45 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký còn hiệu lực khoảng 31,8 tỷ USD. Trong đó, doanh nghiệp Phần Lan có 3 dự án với tổng vốn đầu tư 3,5 triệu USD, trong đó gồm dự án của Công ty TNHH UPM Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (Thành phố Biên Hòa) và dự án Công ty TNHH Kemira Việt Nam tại Khu công nghiệp Long Thành (Huyện Long Thành).

Về hợp tác phát triển

Phần Lan liên tục dành viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với tổng số tiền viện trợ khoảng 340 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực cấp thoát nước, xóa đói giảm nghèo, thích ứng với biến đổi khí hậu, lâm nghiệp... Theo chính sách phát triển của Phần Lan, những năm gần đây và do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, Phần Lan sẽ không cung cấp thêm viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam nói riêng và các nước khác trên toàn thế giới nói chung, chỉ tiếp tục cung cấp viện trợ để hoàn thành hết các chương trình đang thực hiện.

2. Ưu đãi của Phần Lan dành cho hàng hóa Việt Nam

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết ngày 30/06/2019 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/08/2020, theo đó, các nước thành viên EU, trong đó có Phần Lan, dành những ưu đãi thuế quan quan trọng cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Ngoài ra, từ nhiều năm nay, EU trong đó có Phần Lan duy trì cơ chế Ưu đãi Thuế quan phổ cập (GSP - Generalized System of Preferences) dành cho các nước đang và kém phát triển, trong đó có Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ 01/08/2020 đến 31/07/2022 (trong vòng 2 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực), doanh nghiệp được hưởng song song hai chế độ ưu đãi thuế quan theo EVFTA và GSP và được quyền chọn ưu đãi nào phù hợp hơn.

Trường hợp chọn sưu đãi GSP thì sản phẩm phải đáp ứng quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ của GSP; trường hợp chọn ưu đãi thuế quan theo EVFTA thì sản phẩm phải đáp ứng quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ EVFTA. Từ 01/08/2022, cơ chế ưu đãi thuế quan GSP tự động chấm dứt, doanh nghiệp áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Tuy nhiên, EVFTA cho phép trong trường hợp thuế EVFTA cao hơn thuế GSP thì vẫn được hưởng thuế GSP. Dù chọn mức thuế ưu đãi nào, sản phẩm phải đáp ứng quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ EVFTA.

Xóa bỏ hàng rào thuế xuất nhập khẩu

Đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU trong đó có Phần Lan: Khoảng 85,6% dòng thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ ngay sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực (tương ứng 70,3% kim ngạch xuất khẩu). Sau 07 năm hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, phía EU sẽ xóa bỏ 99,2% dòng thuế nhập khẩu (tương ứng 99,7% kim ngạch xuất khẩu). Phía EU cũng cam kết trong 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, sẽ dành hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0% cho Việt Nam.

Đây là mức cam kết cao nhất trong các FTA mà Việt Nam từng đạt được với đối tác. Gần như 100% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ hoàn toàn thuế quan chỉ sau lộ trình 07 năm. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với sự phát triển của các ngành xuất nhập khẩu Việt Nam, bởi vì EU vốn là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta.

Đối với hàng hóa EU (trong đó có Phần Lan) nhập khẩu vào Việt Nam: Khoảng 48,5% dòng thuế nhập khẩu sẽ được Việt Nam cam kết xóa bỏ ngay khi hiệp định EVFTA có hiệu lực (tương ứng 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Bảy năm tiếp đó, mức xóa bỏ thuế quan của Việt Nam sẽ nâng lên thành 91,8% (tương ứng 97,1% kim ngạch nhập khẩu).

Và sau 10 năm, 98,3% số dòng thuế nhập khẩu từ EU sang Việt Nam sẽ được xóa bỏ hoàn toàn (tương ứng 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Với 1,7% số dòng thuế còn lại với hàng nhập khẩu từ EU, nước ta sẽ áp dụng lộ trình xóa thuế quan hơn 10 năm hoặc tuân thủ theo cam kết WTO để tính hạn ngạch thuế.

3. Những thuận lợi, khó khăn về quan hệ kinh tế giữa Việt Nam - Phần Lan

Thuận lợi

Việt Nam và Phần Lan là hai quốc gia có nhiều nét tương đồng, sau khi thoát khỏi chiến tranh đều là nước nghèo. Tài nguyên của Phần Lan chủ yếu là nước và rừng. Phần Lan thoát khỏi khó khăn và vươn lên trở thành nước phát triển nhờ tập trung nghiên cứu về công nghệ cao để ứng dụng vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 đến nay, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Phần Lan được duy trì và phát triển tốt đẹp. Hai nước trải qua giai đoạn chuyển đổi nhanh chóng từ hợp tác phát triển sang quan hệ đối tác bình đẳng dựa trên thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân ngày càng sâu rộng.

Tận dụng Hiệp định EVFTA, các công ty Phần Lan không chỉ tiếp cận thị trường Việt Nam tốt hơn mà còn có thể tiếp cận với thị trường lớn hơn là ASEAN, cũng như đẩy mạnh hợp tác thương mại với các nước thành viên ASEAN. Về phía Việt Nam, Hiệp định EVFTA sẽ giúp nâng cao hình ảnh của Việt Nam tại thị trường châu Âu và quốc tế vì trong thương mại, yếu tố hình ảnh và thương hiệu đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Với EVFTA và EVIPA, quan hệ thương mại đã trở thành trụ cột trong phát triển quan hệ giữa hai bên. Việc triển khai hai hiệp định này sẽ mở rộng thị trường cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (dệt may, giầy dép, hàng nông sản...), cũng là cơ hội tiếp cận với các thiết bị, công nghệ, kỹ thuật cao của EU nói chung và Phần Lan nói riêng. Việt Nam hiện đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 của ASEAN, với quy mô GDP gần 360 tỷ USD. Việt Nam có gần 100 triệu dân với đa số dân số trẻ, đang trong thời kỳ dân số vàng, tạo ra thời cơ lớn cho Việt Nam để cơ cấu lại nền kinh tế, ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm... Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó có những hiệp định thế hệ mới, có thị trường rộng lớn và tiềm năng phát triển rất lớn...

Nhờ khung khổ pháp lý thuận lợi của EVFTA, với nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp hai nước, thương mại và đầu tư song phương sẽ tiếp tục được phát triển mạnh mẽ. Việt Nam mong muốn xuất khẩu sang Phần Lan những mặt hàng là thế mạnh của mình và thị trường Phần Lan có nhu cầu như sắt thép, giày dép, máy móc thiết bị, hàng dệt may... Trong khi đó, Việt Nam cũng mong muốn nhập khẩu từ Phần Lan các loại máy móc thiết bị, gỗ, sản phẩm hóa chất, đồ điện tử, dịch vụ tiên tiến trong các lĩnh vực năng lượng, y tế, giáo dục...

Đối với Phần Lan, Việt Nam là cửa ngõ để phát triển quan hệ trong khu vực Đông Nam Á. Hai bên chia sẻ quan điểm trong nhiều vấn đề quốc tế. Phần Lan ủng hộ chính sách đối ngoại của Việt Nam, góp phần vì hòa bình và ổn định, hỗ trợ thương mại tự do trong khu vực. Bên cạnh đó, vai trò của Việt Nam trong ASEAN, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hiện nay cũng rất quan trọng đối với Phần Lan. Kinh tế - thương mại - đầu tư là những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của Phần Lan trong quan hệ với Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước liên tục tăng: Năm 2020 đạt 337.4 triệu USD; đến hết tháng 7/2021 đạt 348.8 triệu USD.

Khi EVFTA có hiệu lực, sẽ giúp nông sản Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan. Các mặt hàng chủ lực khác của Việt Nam như cà phê, hạt tiêu, hạt điều đều có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Đối với sản phẩm chăn nuôi, thuế bằng 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực với động vật sống, thịt lợn, thịt trâu bò đông lạnh và lộ trình sau 5-7 năm đối với thịt gia cầm và thịt gia súc qua chế biến. Xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 17 dòng thuế rau quả và chế phẩm rau quả (tương đương 5,94%); xóa bỏ tất cả dòng thuế thuộc nhóm sản phẩm này trong vòng từ 6-8 năm; không duy trì bất kỳ biện pháp hạn ngạch nào với nhóm sản phẩm này.

Khó khăn

Tuy nhiên, nhìn chung, quan hệ hợp tác trên lĩnh vực kinh tế giữa Việt Nam và Phần Lan vẫn còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Thương mại giữa hai nước vẫn còn dư địa rất lớn, khi xuất khẩu của cả Phần Lan và Việt Nam chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của mỗi nước.

Sự khắt khe của thị trường EU nói chung và Phần Lan nói riêng với nhiều tiêu chuẩn mới, đòi hỏi cao hơn về kỹ thuật, môi trường, vệ sinh an toàn, bảo vệ quyền người lao động,... cùng chính sách bảo hộ nông nghiệp... Sức ép cạnh tranh trên thị trường nội địa, những quy định liên quan vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, lao động và quy trình công nghệ sản xuất, chế biến,... Cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế nên Phần Lan sẽ rất chú trọng tới các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại.

Hiệp định EVFTA hướng tới mức độ xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới 99,2% số dòng thuế. Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi này, hàng xuất khẩu sang EU, trong đó có Phần Lan cần thỏa mãn quy tắc xuất xứ, đây có thể là cản trở đối với hàng xuất khẩu Việt Nam bởi nguồn nguyên liệu cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN. Nếu không đảm bảo quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc (MFN) chứ không phải là mức thuế suất 0% như trong EVFTA.

EVFTA có ưu đãi với những quy định SPS (Hiệp định áp dụng biện pháp kiểm định động thực vật) linh hoạt nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả... vẫn nhỏ lẻ, tự phát, trong khi ở một số nơi, nông dân chưa được hướng dẫn về sản xuất sạch, an toàn, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu cho nông sản.

Tuy hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức khác nếu muốn có được thị phần tại thị trường quốc tế, bao gồm hàng rào phi thuế quan như hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, tự vệ...

Đặc biệt, các thị trường trong khối FTA thế hệ mới của Việt Nam như Canada, Mexico và các nước EU trong đó có Phần Lan... đều là thị trường khó tính, có đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng và có truyền thống sử dụng các biện pháp phi thuế quan và phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường trong nước. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời trang bị kiến thức liên quan.

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa trong nước do hàng hóa chất lượng cao từ Âu được mở rộng vào thị trường Việt Nam. Hàng hóa của EU sẽ giảm giá mạnh do không phải chịu thuế nhập khẩu, dẫn đến những cạnh tranh về giá sản phẩm ngay trên thị trường nước nhà. Về chất lượng sản phẩm, sản phẩm của EU tuân thủ những nguyên tắc xuất khẩu khắt khe và hơn nữa, nên chất lượng sẽ đảm bảo tới tay người tiêu dùng nội địa.

4. Triển vọng phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam - Phần Lan

Năm 2020, nhập khẩu hàng may mặc của Phần Lan đạt 1,26 tỷ Euro, trong đó nhập khẩu từ thị trường nội khối đạt 922,7 triệu USD và nhập khẩu từ thị trường ngoại khối đạt 337,86 triệu Euro. Trong ngắn hạn, mặt hàng may mặc của Việt Nam chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào Phần Lan. Tuy nhiên, với lộ trình giảm thuế theo cam kết của Hiệp định EVFTA, về dài hạn, mặt hàng may mặc của Việt Nam sẽ tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường này.

Với mặt hàng giày dép, theo Statista, doanh thu trên thị trường giày dép Phần Lan năm 2021 đạt 866 triệu USD và sẽ tăng trưởng bình quân 5,42%/năm trong giai đoạn 2021-2025. Trung bình mỗi người tiêu dùng Phần Lan mua 2,25 đôi giày dép trong năm 2021 và 90% doanh thu là mặt hàng không xa xỉ. Năm 2022, thị trường giày dép Phần Lan dự kiến sẽ tăng trưởng về sản lượng là 7,2%. Với khả năng cạnh tranh sẵn có, xuất khẩu mặt hàng giày dép của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước có thể kết nối giao thương và thúc đẩy đầu tư từ Phần Lan vào Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Phần Lan chia sẻ, họ mong muốn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn nữa và mong tìm được đối tác kinh doanh tin cậy tại Việt Nam. Việc kim ngạch thương mại song phương có tăng trưởng trong thời gian tới hay không hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.

EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, đã đem lại nhiều thuận lợi cho Việt Nam trong thu hút dòng vốn nước ngoài chất lượng cao vào một số lĩnh vực, đồng thời giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh trong mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước thuộc Liên minh châu Âu, vì nhiều dòng thuế suất đã, đang giảm dần về 0%.

Riêng Việt Nam và Phần Lan khai thác khá tốt những cơ hội từ EVFTA đem lại và đã thúc đẩy giao thương giữa 2 nước tăng gần 60%. Trong những năm tới, giao thương giữa hai quốc gia sẽ tiếp tục gia tăng và ngày càng có nhiều doanh nghiệp Phần Lan đến Việt Nam tìm cơ hội để hợp tác đầu tư.

Phần Lan là đất nước có chỉ số sáng tạo đứng hàng đầu châu Âu với các công nghệ mới, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thế giới. Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, có khả năng chế tác chế tạo, có mạng lưới các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) phủ rộng khắp toàn cầu, có mối quan hệ đối ngoại hòa bình với tất cả các nước trên thế giới. Những yếu tố này sẽ giúp hàng hóa sản xuất ở Việt Nam bằng công nghệ Phần Lan có thể đến khắp nơi trên thế giới.

Phần Lan đã thông qua kế hoạch hỗ trợ các khoản vay ưu đãi cho dự án đầu tư vào Việt Nam hơn bất kỳ quốc gia nào. Đây là ưu tiên rất lớn của Phần Lan. Hy vọng, các doanh nghiệp Phần Lan tham gia đầu tư tại Việt Nam có thể tận dụng nguồn vốn này để đem lại những lợi ích cho cả hai bên.

Năm 1993 Việt Nam là quốc gia nghèo đói với tỷ lệ nghèo lên đến 58% thì đến nay đã giảm xuống chỉ còn 2,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Hiện nay, Quốc hội Việt Nam cũng đã ban hành nhiều luật, nghị quyết tạo khung khổ pháp lý cho việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Mục tiêu của Việt Nam trong 5 năm tới là đạt mức tăng trưởng bình quân từ 6,5 - 7%, đến năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Phần Lan là quốc gia có nền kinh tế phát triển dựa trên nền tảng công nghệ cao, có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoàn thiện bậc nhất trên thế giới, có phong trào khởi nghiệp rất mạnh mẽ, đồng thời là quốc gia phát triển nhanh và bền vững, không chỉ có thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm cao nhất thế giới mà còn đứng đầu về chỉ số hạnh phúc, chỉ số phát triển con người... Việt Nam cũng đang phát triển theo hướng này. Việt Nam hết sức coi trọng phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái chế, tái sử dụng, sử dụng các công nghệ ít cacbon, cắt giảm khí nhà kính và đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người dân... Đây là những lĩnh vực hợp tác rất tiềm năng của mà doanh nghiệp Phần Lan có thể đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.

ThS. Lê Thị Kim Oanh - Viện Nghiên cứu Châu Âu

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:Việt Nam, Phần Lan, EVFTA

tin liên quan

video hot

Về đầu trang