Quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Thụy Điển trong EVFTA và triển vọng hợp tác thời gian tới

author 08:59 25/08/2022

(VietQ.vn) - Trong nhiều năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam - Thụy Điển phát triển tương đối ổn định cả về tốc độ tăng trưởng lẫn chủng loại hàng hóa. Với việc Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được kí kết vào ngày 30/6/2019, có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Điển hiện nay trong thương mại - đầu tư là rất lớn.

1. Cam kết của Việt Nam và Thụy Điển về nhập khẩu hàng hóa trong EVFTA

Thụy Điển là thành viên của liên minh châu Âu, do đó, các cam kết giữa Việt Nam với EU cũng sẽ áp dụng đối với Thụy Điển. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, Việt Nam và một số nước thành viên kí thỏa thuận riêng, phù hợp với quy định và mục tiêu riêng của từng nước.

Theo đó, trong EVFTA, EU (trong đó có Thụy Điển) cam kết sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu cho phần lớn hàng hóa Việt Nam ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực (01/08/2020), số còn lại sẽ loại bỏ thuế quan theo lộ trình hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan.

Cụ thể, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết.

Những năm qua, Việt Nam và Thụy Điển đã đạt được nhiều thành tựu trong quan hệ thương mại và đầu tư. Ảnh minh họa.

Trong khi đó, với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

Về thương mại dịch vụ và đầu tư, cam kết của Việt Nam và EU về thương mại dịch vụ đầu tư nhằm tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp hai bên. Cam kết của Việt Nam có đi xa hơn cam kết trong WTO. Cam kết của EU cao hơn trong cam kết trong WTO và tương đương với mức cam kết cao nhất của EU trong những Hiệp định FTA gần đây của EU.

Về chỉ dẫn địa lý, Việt Nam cam kết bảo hộ trên 160 chỉ dẫn địa lý của EU (bao gồm 28 thành viên) và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm, tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.

Riêng với Thụy Điển có một số quy định riêng về nhập khẩu hàng hóa mà Việt Nam cần phải tuân thủ. Theo đó, vũ khí, chất gây nổ, chất độc hại hạn chế nhập khẩu và chỉ được phép nhập khẩu bởi các tổ chức và cá nhân có thẩm quyền. Ngoài ra, một số mặt hàng cần phải xin giấy phép nhập khẩu của Thụy Điển, bao gồm: hải sản, động vật sống, trái cây và rau quả, dược phẩm, sắt, thép, nhôm vũ khí, đạn dược...

Việt Nam và Thụy Điển cam kết tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực mà Thụy Điển có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, thực hiện các cam kết tại COP 26, nhằm tận dụng lợi thế mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) mang lại để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nước.

2. Quan hệ thương mại - đầu tư Việt Nam - Thụy Điển sau khi kí hiệp định EVFTA

2.1.Về thương mại

Trong những năm qua, Việt Nam và Thụy Điển đã đạt được nhiều thành tựu trong quan hệ thương mại và đầu tư. Sau khi Hiệp định EVFTA được kí kết, hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển càng có thêm cơ hội mở rộng. Điều này được minh chứng thông qua việc trong suốt 2 năm dịch bệnh, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Thụy Điển vẫn liên tục tăng trưởng.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021, kim ngạch hai chiều đạt khoảng 1,52 tỷ USD, tăng 2,8% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Điển đạt 1,2 tỷ USD, tăng 6%; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Thụy Điển đạt 321, 59 triệu USD, giảm 9% so với năm 2020. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Thụy Điển đạt trên 397 triệu USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Thụy Điển đạt trên 302 triệu USD và nhập khẩu đạt 95 triệu USD từ thị trường này.

Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Thụy Điển bao gồm: Điện thoại và các loại linh kiện, hàng dệt may, máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác, giày dép, túi xách, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, thủy sản. Mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Thụy Điển bao gồm: thiết bị viễn thông, máy móc các loại và dược phẩm.

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Thụy Điển có tính bổ trợ lẫn nhau, không cạnh tranh trực tiếp, nhất là với các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới và nông sản chế biến mà thị trường EU nói chung và Thụy Điển nói riêng có nhu cầu cao.

Bảng 1: Xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Điển trong năm 2020 - 2021

Bảng 2: Nhập khẩu của Việt Nam từ Thụy Điển năm 2021

2.2.Về đầu tư

Thụy Điển đứng thứ 31 trong số 140 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 83 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư lên tới 467,3 triệu USD. Hiện đã có hơn 60 công ty Thụy Điển có mặt tại Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: sản xuất, bán lẻ, cơ khí, công nghệ thông tin, viễn thông, cơ sở hạ tầng giao thông, điện tử, gia dụng, thiết bị công nghiệp chế biến thực phẩm, giáo dục đào tạo...

Những thương hiệu Thụy Điển được biết đến nhiều, gồm có: ABB, Astra Zeneca, Atlas Copco, Electrolux, Ericsson, H&M, Hestra Gloves, IKEA, Oriflame, SKF, Tetra Pak, Volvo Buses, Volvo Cars... Các doanh nghiệp này đang hợp tác chặt chẽ với nhà cung cấp và đối tác Việt Nam cùng hiện thực mục tiêu đổi mới sáng tạo; ứng dụng các giải pháp, công nghệ và sản phẩm mang tính bền vững, phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững...

Ở thời điểm hiện tại, có 4 lĩnh vực mà các nhà đầu tư Thụy Điển đang quan tâm và muốn đầu tư vào Việt Nam. Thứ nhất là chế tạo, chế xuất các sản phẩm và hàng hóa có hàm lượng kỹ thuật cao. Thứ hai là đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ, do các sản phẩm của Thụy Điển nổi tiếng về chất lượng và giá cả phải chăng, không quá rẻ nhưng cũng không quá đắt đỏ. Thứ ba, nhiều doanh nghiệp mong muốn đầu tư vào các quỹ đầu tư và mô hình trường học nơi mà họ có thể chia sẻ các mô hình quản lý và giá trị của Thụy Điển như đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Thứ tư là đầu tư vào du lịch.

Một số dự án đầu tư điển hình của Thụy Điển vào Việt Nam bao gồm:

Tập đoàn AstraZeneca sẽ đầu tư 2000 tỷ đồng (khoảng 90 triệu USD) cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm. Thỏa thuận này được kí kết ngày 2/11/2021 với các đối tác Việt Nam dưới sự có mặt của Thủ tướng Phạm Minh Chính bên lề hội nghị Cop 26. Khoản đầu tư mới này là sự tiếp nối dự án đầu tư trị giá 5000 tỷ đồng (khoảng 220 triệu USD) trong giai đoạn 2022-2024 của AstraZeneca vào Việt Nam.

Tập đoàn IKEA có kế hoạch đầu tư 450 triệu euro để xây dựng kho hàng, phát triển hệ thống bán lẻ tại Hà Nội và kết nối cùng với IKEA Thái Lan để cung cấp hàng cho toàn bộ thị trường Đông Nam Á. Một khi dự án này được triển khai, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trong việc hợp tác sản xuất và cung ứng mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ nội thất.

Tetra Park - một doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm đã khánh thành nhà máy sản xuất vật liệu bao bì carton đầu tiên của Việt Nam với tổng vốn đầu tư 120 triệu euro tại Bình Dương.

H&M - tập đoàn thời trang lớn nhất tại Thụy Điển đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2017. Cho tới nay, tập đoàn này đã mở 12 cửa hàng tại Việt Nam, trong đó, 5 cửa hàng ở Hà Nội, 4 cửa hàng ở TP.Hồ Chí Minh, 3 cửa hàng còn lại ở Cần Thơ, Đà Nẵng, Hạ Long (Quảng Ninh).

Hestra - nhà sản xuất găng tay của Thụy Điển đã mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam vào tháng 9 năm 2018 và đang có dự định xây dựng nhà máy thứ hai.

Công ty Oriflame - một công ty bán hàng đa cấp lớn đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2002 và hiện có hơn 300.000 cộng tác viên đang làm việc.

Về phía Việt Nam, công ty NutiFood Việt Nam đang có thỏa thuận hợp tác với tập đoàn BackaHill về việc vận hành nhà máy sữa mang tên NutiFood Sweden AB - một trong những dự án đầu tư có quy mô lớn nhất của Việt Nam tại Thụy Điển. Nhà máy này ở giai đoạn 1 có giá trị đầu tư gần 20 triệu USD, tổng công suất 15.000 tấn/năm bao gồm 5.000 tấn sữa bột công thức cho trẻ sơ sinh và 10.000 tấn bột dinh dưỡng cho trẻ em, được điều hành bởi các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm từ các tập đoàn sữa - thực phẩm nổi tiếng trên thế giới.

3. Triển vọng hợp tác thương mại - đầu tư Việt Nam và Thụy Điển trong thời gian tới

Việt Nam và Thụy Điển có quan hệ hợp tác lâu dài và phát triển. Với việc Hiệp định EVFTA được kí kết, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thương mại và đầu tư là rất lớn.

Cụ thể, EVFTA sẽ từng bước xoá bỏ các rào cản, mở rộng cánh cửa cho hàng hoá Việt Nam thâm nhập vào thị trường Thụy Điển. Hiện, quy mô xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Bắc Âu chiếm tỷ lệ khá nhỏ, chỉ khoảng 2,5 tỷ USD (chiếm 0,6% thị phần), cho nên Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vào khu vực này, đặc biệt là Thụy Điển.

Ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng tận dụng lợi thế ưu đãi thuế quan để xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp sang EU và Thuỵ Điển. Theo các cam kết trong EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (thuế 0%) đối với gạo xay xát và gạo thơm, đồng thời xoá bỏ thuế đối với tấm trong thời hạn 5 năm, tạo ra cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU trong thời gian tới. Từ chỗ vắng bóng trên thị trường Thuỵ Điển, gạo Việt Nam đã xuất hiện và đang từng bước chiếm lĩnh thị trường này với kim ngạch xuất khẩu tăng gần 10 lần, từ mức khoảng một trăm nghìn USD các năm trước đây lên hơn một triệu USD.

Trong bối cảnh các nước EU nói chung và Thuỵ Điển nói riêng đang tích cực triển khai tiêm phòng vắc-xin Covid-19, tình hình dịch bệnh kỳ vọng sẽ được kiểm soát, các biện pháp hạn chế dần được nới lỏng và kinh tế có bước hồi phục, giao thương trở lại bình thường sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho việc tăng cường xuất khẩu hàng hoá Việt Nam vào thị trường này.

Theo các cuộc điều tra thị trường, người dân Thụy Điển chi một số tiền lớn cho các sản phẩm dệt may như quần áo, chăn, ga, rèm cửa. Ngoài ra, họ cũng có nhu cầu lớn đối với sản phẩm nông nghiệp như gạo, chè, cà phê, ca cao, trái cây và rau quả. Xu hướng gần đây của người Thụy Điển là thích thưởng thức các thực phẩm với hương vị mới nên đã làm tăng nhu cầu các sản phẩm đặc trưng của các nước trên thế giới. Việt Nam có thể nhân cơ hội này để xuất khẩu các sản phẩm mang đặc trưng của Việt Nam.

Không chỉ với Việt Nam, EVFTA còn đem lại nhiều cơ hội về thương mại - đầu tư cho các doanh nghiệp Thụy Điển. Là một thành viên của EU, EVFTA sẽ tạo việc làm và thúc đẩy xuất khẩu từ Thụy Điển sang Việt Nam; đồng thời giúp các công ty Thụy Điển muốn kinh doanh tại Việt Nam dễ dàng hơn và có chi phí rẻ hơn.

Mặt khác, Việt Nam hiện là thị trường kết nối với khu vực rất mạnh, qua nhiều hiệp định thương mại tự do như CPTPP, các FTA với ASEAN, với đối tác khu vực. Việt Nam cũng là cánh cửa để hàng hóa Thụy Điển tiếp tục xâm nhập vào thị trường ASEAN cũng như thị trường của các nước có kết nối với nền kinh tế của Việt Nam qua hệ thông các FTA. Với việc EVFTA được thực thi, hoạt động đầu tư của Thụy Điển tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ thuận lợi hơn do các rào cản về quy định và thuế quan đã bị phá bỏ.

ThS.Hồ Thị Thu Huyền - Viện Nghiên cứu Châu Âu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang