Quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU sau 2 năm thực thi EVFTA

author 11:02 10/08/2022

(VietQ.vn) - Bài viết này phân tích đánh giá tác động của hiệp định EVFTA đến thương mại và đầu tư ở Việt Nam. Sử dụng số liệu về xuất nhập khẩu và đầu tư giữa Việt Nam và EU, kết quả phân tích cho thấy xuất nhập khẩu có dấu hiệu tăng sau khi thực hiện EVFTA, tuy nhiên do tác động của đại dịch Covid-19 nên ảnh hưởng của EVFTA đến Việt Nam chưa được rõ ràng. Vốn đầu tư từ châu Âu sang Việt Nam giảm sau khi thực hiện EVFTA, điều này chủ yếu là do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tác động của đại dịch Covid-19 làm cho đánh giá về hiệu quả của EVFTA trở nên khó khăn hơn.

Theo nghiên cứu đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi EVFTA có hiệu lực, hiệp định này sẽ có tác động tích cực ở nhiều khía cạnh đối với kinh tế Việt Nam và quan hệ kinh tế Việt Nam - EU. Trên thực tế, sau hơn một năm rưỡi thực hiện EVFTA, tính đến hết quý I/2022, thương mại hai chiều và đầu tư của EU vào Việt Nam vẫn tiếp tục đà tăng trưởng, tuy nhiên, tốc độ tăng có phần chậm lại so với giai đoạn trước, chủ yếu do tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam và EU.

Mặc dù các nội dung của EVFTA bao gồm: đối xử quốc gia và mở cửa thị trường hàng hóa, hải quan và tạo thuận lợi thương mại, mua sắm công, minh bạch, bảo vệ sở hữu trí tuệ và các nội dung khác đã góp phần quan trọng thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU, đồng thời cũng tạo môi trường kinh doanh lành mạnh ở Việt Nam nhằm tăng cường thu hút đầu tư của EU vào Việt Nam, song đại dịch Covid-19 với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và việc vận chuyển khó khăn thực sự đã trở thành lực cản lớn đối với quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và các nước EU.

Thương mại hai chiều và đầu tư của EU vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ cao hơn đáng kể trong bối cảnh bình thường mới. Triển vọng này sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam, tăng thu ngân sách. Phần này sẽ phân tích tác động của EVFTA đối với quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam – EU sau hơn một năm thực thi.

Thực trạng xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU trước khi thực hiện EVFTA

Hình 1 cho thấy Hà Lan là nước đứng đầu về nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, chiếm 17% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2019. Tiếp đến là Đức, chiếm 16% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Anh cũng là nước mà tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 14%. Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp là 9%, Italia là 8%, Áo là 8%.

 Hình 1: Cơ cấu xuất khẩu sang các nước EU năm 2019 (Ngun: Tổng cục Thống kê)

Hình 2 minh họa cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam từ EU trước khi ký hiệp định thương mại EVFTA. Kết quả cho thấy Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ các nước: Đức, Ai-len, Italia, Pháp, Anh, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha. Cụ thể, tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam từ Đức chiếm 25% trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ EU năm 2019, từ Ai-len là 17%, từ Italia là 13%, từ Pháp là 11%, từ Anh là 6%. Tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam từ Bỉ, Hà Lan và Tây Ban Nha đều chiếm khoảng 4%.

Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang Ai-len chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng xuất khẩu lại chiếm tỷ trọng lớn. Điều này là do Ai-len có chính sách ưu đãi thuế, chỉ 12,5% đối với thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó mức thuế này là 35% tại Mỹ. Các doanh nghiệp có doanh thu liên quan tới bằng sáng chế hoặc sở hữu trí tuệ thì mức thuế phải nộp chỉ còn 6,25%. Do mức thuế doanh nghiệp thấp nên Ai-len đã thu hút nhiều doanh nghiệp ở các nước trên thế giới đến đầu tư.

Hình 2. Cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam từ EU năm 2019 (NgunTổng cục Thống kê)

Hình 3 phân tích cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang EU năm 2019. Kết quả cho thấy ngành điện thoại các loại và linh kiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU, chiếm 29%. Đây có thể là ngành có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Giầy dép, máy vi tính và linh kiện, hàng dệt may, máy móc thiết bị, hải sản cũng là những ngày chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn sang EU. Ví dụ, tỷ trọng xuất khẩu của giầy dép trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU là 12%, ngành máy vi tính và linh kiện là 11%, hàng dệt may là 10%, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm 6%, hải sản và cà-phê đều chiếm khoảng 3%.

Hình 3. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang EU năm 2019 Nguồn: Tổng cục Thống kê

Xét về cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam sang EU năm 2019 cho thấy máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm tỷ trọng lớn nhất 26%. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 - 17%. Tiếp đến là dược phẩm, chiếm 11%.

 Hình 4. Cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam sang EU năm 2019 (Ngun: Tổng cục Thống kê)

Tác động đối với thương mại

Quan hệ thương mại được coi là tiền đề quan trọng thúc đẩy hợp tác chính trị và các hoạt động hợp tác giữa EU và Việt Nam trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Trước khi Hiệp định EVFTA được ký kết, quan hệ Việt Nam - EU vẫn đang trên đà phát triển, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU có xu hướng ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê của Eurostat, năm 2020, Việt Nam là đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 30 và là đối tác nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 10 của EU2.

Việc ký kết EVFTA là một bước đi nhằm khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hệ thống thương mại quốc tế, hiệp định này không chỉ thể hiện nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ với EU mà còn thể hiện nỗ lực thúc đẩy quá trình đàm phán các FTA của Việt Nam với các đối tác kinh tế quan trọng trên thế giới. Hiệp định này đã góp phần tăng cường quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và EU không chỉ về chiều rộng mà cả về chiều sâu, phù hợp với chủ trương, chính sách hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Về cơ cấu xuất nhập khẩu, các quốc gia thành viên EU và Việt Nam có cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu về cơ bản là mang tính bổ sung cho nhau chứ không cạnh tranh trực tiếp, trong đó mỗi quốc gia lại có những thế mạnh về hàng hóa xuất khẩu khác nhau và bổ trợ cho nhau. Chẳng hạn, các quốc gia EU có lợi thế về xuất khẩu máy móc, thiết bị, dược phẩm, sữa, thịt,…; trong khi đó Việt Nam lại có ưu thế về xuất khẩu các sản phẩm dệt may, giày dép, các mặt hàng nông sản nhiệt đới, thủy hải sản, công cụ và thiết bị cơ khí.

Về dịch vụ, EU xuất khẩu các dịch vụ tài chính, logistics, trong khi đó Việt Nam có thế mạnh về cung ứng các dịch vụ đóng tàu, vận tải nội địa. Đặc biệt, Việt Nam rất cần nhập khẩu các công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn, máy móc thiết bị hiện đại từ EU và các nước phát triển nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh đối với các sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là hàng công nghiệp.

Thực tế đã cho thấy rằng, EU là một thị trường rộng lớn đầy tiềm năng, có sự thống nhất trong đa dạng, có nhiều dư địa tăng trưởng. EVFTA có tác động tích cực tới quan hệ thương mại Việt Nam- EU còn bởi vì cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU mang tính bổ trợ hơn là đối đầu cạnh tranh.

Thông qua việc cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế sau lộ trình nhất định, EVFTA tạo động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tới thị trường EU, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng trọng điểm như dệt may, da giày, nông sản, thủy sản.

EVFTA cũng góp phần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường EU đầy tiềm năng. Các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày, nông sản, thủy sản tận dụng được ưu đãi về thuế thông qua EVFTA có thêm cơ hội thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường các nước EU.

Trong thời gian đầu thực thi EVFTA, do tác động của đại dịch Covid-19 cùng với các biện pháp phong tỏa, đóng cửa nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất, kinh doanh trên toàn thế giới khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn và việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Tính trong cả năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU đã giảm 2,7% so với năm 2019.

Sau hơn một năm thực thi, Hiệp định EVFTA được đánh giá là đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời góp phần cải thiện cả về pháp luật và thể chế của Việt Nam. Trong thời gian qua, thương mại song phương giữa Việt Nam và EU đã có những tăng trưởng tích cực.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 27,67 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng 18,3% (đạt 19,4 tỷ USD), nhập khẩu từ EU vào Việt Nam tăng hơn 19,1% (đạt 8,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 20203. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tính cả quý III/2021 khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tình hình dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt khoảng 41,3 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính trong 9 tháng năm 2021, Việt Nam xuất siêu sang thị trường EU 16,41 tỷ USD, con số này tăng 7,68% so với cùng kỳ năm 20204. Trong quý III/2021, cùng với sự bùng phát của làn sóng dịch Covid-19 tại Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU chịu tác động của sự gián đoạn chuỗi cung ứng và các hoạt động sản xuất ở Việt Nam bị đình trệ do thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam buộc phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Trên thực tế, đánh giá sau một năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, tốc độ tăng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam từ thị trường EU còn nhanh hơn so với tốc độ tăng xuất khẩu. Nhập khẩu hàng hóa từ EU vào Việt Nam tăng mạnh khiến thặng dư thương mại của Việt Nam với EU có xu hướng thu hẹp lại.

Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU từ 37,5 tỷ USD trong 12 tháng trước khi EVFTA có hiệu lực (từ 1/8/2019-1/8/2020 tăng lên 39,8 tỷ USD trong 12 tháng sau khi EVFTA có hiệu lực (chỉ tăng 6,1%). Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng từ 13,31 tỷ USD lên 16,51 tỷ USD tương ứng, tức là tăng 24%, cho thấy hàng hóa và châu Âu đang bắt đầu thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam.

Hình 5. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trước và sau 12 tháng khi EVFTA có hiệu lực (Đơn v: tỷ USD).

NgunTổng hợp từ số liệu các tháng của Tổng cục Hải quan năm 2019-2021  

Điều này cũng không hẳn mang ý nghĩa tiêu cực mà có thể phản ánh xu hướng gia tăng nhập khẩu các hàng hóa có chất lượng cao của các doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam. Các doanh nghiệp có thể nhập khẩu được ngày càng nhiều nguyên vật liệu đầu vào, máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến phục vụ cho sản xuất công nghiệp hiện đại. Người tiêu dùng có thể tiếp cận nhiều hàng hóa có chất lượng cao do giá bán sản phẩm cạnh tranh hơn khi được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu. Đa phần các hàng hóa nhập khẩu tăng thêm của Việt Nam là các sản phẩm trung gian được sử dụng cho sản xuất công nghiệp trong nước như máy móc thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào, dược phẩm.

Ở một góc độ nào đó, điều này cũng mang lại lợi ích cho các ngành sản xuất trong nước, nhờ đó các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận được các sản phẩm hàng hóa có hàm lượng công nghệ và có chất lượng cao để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người Việt, tận dụng được những cơ hội mà EVFTA mang lại.

Xét về dài hạn, nếu không tính đến tác động của đại dịch Covid-19, sự gia tăng thương mại hai chiều nói chung sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách nhà nước trung và dài hạn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra dự báo, EVFTA sẽ góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với trường hợp không có EVFTA.

Kim ngạch nhập khẩu từ EU vào Việt Nam được dự báo tăng với thêm 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Cũng theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ góp phần làm GDP của Việt Nam tăng khoảng 2,18%-2,5% trong giai đoạn 2019-2023; 4,57%-5,3% trong giai đoạn 2024-2028 và 7,07%-7,72% trong giai đoạn 2029-20335.

Nhìn vào đồ thị Hình 6, có thể thấy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU từ năm 2017 có xu hướng chậm lại. Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU không tăng so với năm 2019 và nhập khẩu của Việt Nam từ EU giảm 2,3 tỷ Euro (tương đương 20,7%).

Tuy nhiên, năm 2021, với việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa chống dịch và dưới tác động của EVFTA, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU có xu hướng tăng trở lại, từ 34,5 tỷ Euro năm 2020 lên 38,5 tỷ Euro năm 2021 (tăng 4 tỷ Euro hay 11,6%), đồng thời nhập khẩu cũng tăng nhưng với giá trị ít hơn (1,8 tỷ Euro) khiến thặng dư thương mại tăng từ 25,7 tỷ Euro năm 2020 lên 27,9 tỷ Euro năm 2021.

Hình 6. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU, nhập khẩu của Việt Nam từ EU và cán cân thương mại Việt Nam- EU giai đoạn 2011-2021 (Đơn v: tỷ EURO) NgunEurostat (2022) 

Xem xét kỹ các mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang EU theo thời gian, Hình 5 cũng cho thấy các mặt hàng đều có xu hướng giảm trong năm 2020 và có xu hướng tăng nhẹ trong năm 2021 khi các biện pháp nới lỏng phong tỏa được thực hiện. Chỉ có duy nhất sản phẩm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác là có xu hướng tăng theo thời gian, và tăng mạnh vào năm 2021.

Hình 5. Xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu sang EU theo thời gian (NgunTổng cục Thống kê) 

Hình 6 cũng cho thấy các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ EU giảm vào năm 2020 và tăng trở lại vào năm 2021, ngoại trừ máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là có xu hướng tăng cả trong năm 2020 và 2021.

 Hình 6. Nhập khẩu các mặt hàng chủ yếu của Việt Nam từ EU theo thời gian (NgunTổng cục Thống kê)

Tác động đối với đầu tư

Thông qua những cam kết về quản trị minh bạch theo các nội dung của EVFTA và những cam kết về tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư của cả Việt Nam và các nước EU, Việt Nam tiếp tục nhận được các nguồn vốn đầu tư có chất lượng, hấp thụ khoa học và công nghệ tiên tiến từ các nước EU, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Việc thực thi EVFTA có thể tạo nền tảng để Việt Nam phát triển bền vững trong dài hạn thông qua tăng cường những quy định về môi trường. Đối với các ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành sản xuất ô tô, việc đáp ứng các tiêu chuẩn của EU từ EVFTA cũng tương đương với những tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc. Các tiêu chuẩn về khí thải theo Euro3, Euro4, Euro5 chính là cơ sở, tiền đề để các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất công nghiệp, cần thiết cho sự phát triển dài hạn.

Tính đến tháng 11/2021, Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã sửa đổi, ban hành tám văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với EVFTA. Thêm vào đó, các bộ, ban, ngành có liên quan cũng rà soát kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật để có thể đưa ra những điều chỉnh kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo thực hiện các cam kết của EVFTA.

Trước đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/05/2020 về ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doan giai đoạn 2020-2025, góp phần đảm bảo việc tuân thủ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, trong đó có EVFTA.

Luật Đầu tư mới, được Quốc hội thông qua vào tháng 6 năm 2020, có hiệu lực thực thi vào ngày 1/1/2021, với mục tiêu nới lỏng các quy định về kinh doanh ở Việt Nam nhằm tạo điều kiện thu hút FDI và cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Luật này được ban hành đúng vào thời điểm triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do có sự tham gia của Việt Nam như RCEP, CPTPP và EVFTA, trong đó hiệp định thương mại tiên tiến và hiện đại nhất là EVFTA.

Luật đầu tư 2020 sửa đổi những quy định chồng chéo liên quan đến đầu tư, làm rõ các điều kiện và nguyên tắc để lựa chọn các nhà đầu tư cho các dự án sử dụng đất đai, bao gồm đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thông qua các nhà đầu tư và các thủ tục đầu tư.

Với EVFTA, Luật Đầu tư 2020 cho phép tiếp cận thị trường lớn nhất thế giới của các quốc gia có nền kinh tế phát triển. Trước những thách thức về kinh tế và xã hội do đại dịch Covid-19, Việt Nam có thể tận dụng các thị trường EU làm động lực để phục hồi kinh tế, hưởng những lợi ích từ chuyển giao công nghệ và tiếp nhận công nghệ hiện đại từ EU. Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại và công nghệ quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam có thể đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và đa dạng hóa nguồn FDI, trong đó EU có thể được coi là bên trung gian (Andreas Stoffers, 2021).

Chính sách thu hút FDI mới của Việt Nam có xu hướng tập trung có chọn lọc vào các dự án có chất lượng, loại bỏ các dự án đầu tư có quy mô nhỏ và ít giá trị gia tăng. Tỷ lệ FDI đầu tư vào các lĩnh vực có nguy cơ ô nhiễm cao và sử dụng công nghệ lạc hậu như dệt nhuộm có xu hướng giảm dần, thay vào đó là sự gia tăng các dự án chất lượng cao với xu hướng xanh hóa, sử dụng nguyên liệu tái tạo.

EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến thu hút đầu tư từ EU, tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp EU tiếp cận với thị trường của Việt Nam, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp sử dụng công nghệ cao của Việt Nam như: điện tử, ô tô, công nghiệp chế biến và chế tạo, công nghệ thông tin và các lĩnh vực khác như nông sản thực phẩm chế biến, dịch vụ, tài chính.

Tuy nhiên, trong thời gian đầu thực thi EVFTA, hầu hết các quốc gia và khu vực trên thế giới đều phải đối mặt với những tác động tiêu cực về mặt kinh tế và xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra, khiến dòng chảy FDI toàn cầu giảm 35% từ 1500 tỷ USD năm 2019 xuống còn 1000 tỷ USD năm 2020. FDI của EU vào Việt Nam năm 2020 cũng giảm, song mức giảm tương đối ít.

 Hình 7. FDI của EU vào Việt Nam trong 12 tháng trước khi EVFTA có hiệu lực và 12 tháng sau khi EVFTA có hiệu lực (NgunTổng hợp từ số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư các năm 2019-2021)

Trên thực tế khó có thể đánh giá ảnh hưởng của EVFTA đối với quan hệ đầu tư Việt Nam – EU trong năm đầu tiên thực thi hiệp định khi số liệu về đầu tư bị ảnh hưởng rất nhiều bởi hậu quả của đại dịch Covid-19, khi các biện pháp phong tỏa, cách ly và hạn chế đi lại giữa các nước khiến hoạt động đầu tư bị gián đoạn.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, do tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đối với các nền kinh tế EU và Việt Nam, tổng vốn FDI đăng ký của các quốc gia EU vào Việt Nam năm 2020 giảm nhẹ so với năm 2019 bất chấp những triển vọng tích cực mà EVFTA mang lại.

Trong số các đối tác EU, Hà Lan là quốc gia có vốn FDI đổ vào Việt Nam nhiều nhất với 382 dự án có tổng giá trị FDI là 10,4 tỷ USD, chiếm 46,5% tổng FDI của EU vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021. Đứng thứ hai trong danh sách này là Cộng hòa Pháp với tổng giá trị FDI đạt 3,62 tỷ USD và đứng thứ ba là Cộng hòa Liên bang Đức với 2,25 tỷ USD (Sputnik Việt Nam, 2021).

Các tập đoàn lớn của EU ở Việt Nam có thể kể đến như Shell Group của Hà Lan, Total Elf Fina của Pháp và Bỉ, Daimlr Chryser của Đức. Lĩnh vực FDI mà EU đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là các ngành công nghiệp dựa trên công nghệ cao. Một số tập đoàn hiện nay đang có xu hướng chuyển đầu tư sang các ngành dịch vụ, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm và năng lượng sạch. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư EU đang có xu hướng quan tâm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch ở Việt Nam, trong đó đáng chú ý là năng lượng điện gió ngoài khơi.

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội năm 2021 cho biết, từ sau khi EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp FDI của EU ngày càng tiếp cận gần hơn với cộng đồng kinh doanh Việt Nam. Tính lũy kế đến hết tháng 9 năm 2021, các nước thành viên EU đã có 2.242 dự án FDI vào Việt Nam, chiếm 6,57% tổng số dự án đầu tư vào Việt Nam, tăng 164 dự án so với một năm trước. Tổng số vốn đăng ký lũy kế của các dự án này là 22,24 tỷ USD, chiếm 5,58% tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 483 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020 (Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2021).

Với EVFTA là chất xúc tác, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫp dẫn thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Sau một thời gian thực hiện EVFTA, theo bảng xếp hạng GII năm 2021 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Việt Nam xếp thứ 44 trong tổng số 132 quốc gia, thấp hơn so với thứ hạng 42 của năm 2019 và năm 2020, song vẫn đứng đầu trong nhóm các quốc gia có cùng mức thu nhập.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) được công bố vào tháng 2 năm 2022, Việt Nam đang dần vươn lên trở thành trung tâm công nghệ mới ở khu vực Đông Nam Á. Mặc dù tổng giá trị sản lượng hàng hóa của nền kinh tế Internet còn tụt hậu so với một số quốc gia trong khu vực, chỉ đạt khoảng 21 tỷ USD trong năm 2021, song con số này có thể tăng lên 150 tỷ USD- 220 tỷ USD vào năm 2030 (Center for Strategic and International Studies, 2022).

Báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) được Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCharm) công bố vào đầu tháng 5 năm 2022 cho thấy, niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu đối với môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã dần tăng trở lại và đạt mức cao nhất kể từ đợt bùng phát của đại dịch Covid-19 vào tháng 4 năm 2021.

Nhiều doanh nghiệp cũng khẳng định EVFTA có tác động tích cực nhất định đối với hoạt động kinh doanh của họ. Trong quý I/2022, chỉ số BCI đã tăng lên 73, đây là mức cao nhất kể từ sau làn song dịch thứ tư của đại dịch Covid-19 vào năm 2021. Các doanh nghiệp ở châu Âu cũng tỏ ra lạc quan hơn sau khi chính phủ Việt Nam nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch và tiếp tục thúc đẩy các biện pháp phát triển kinh tế.

Biến thể Omicron lây lan mạnh vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 được coi là ít nghiêm trọng hơn, ít gây ra gánh nặng đối với hệ thống y tế hơn và có thể kiểm soát được. Điều này tạo cơ sở cho triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan của Việt Nam. Hơn 2/3 số doanh nghiệp cho biết họ tin tưởng vào khả năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong quý II và quý III/2022. Gần 50% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam tin rằng EVFTA này có tác động tích cực đến các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó khoảng 6% các lãnh đạo doanh nghiệp của châu Âu ở Việt Nam khẳng định niềm tin rằng EVFTA đã mang lại hiệu quả rõ nét cho các hoạt động kinh doanh của công ty họ. Với các cải tổ của Việt Nam để phù hợp với EVFTA, thương mại và đầu tư sẽ tiếp tục phát triển mạnh, giúp Việt Nam hội nhập sau hơn vào nền kinh tế quốc tế.

Những áp lực về cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh mà EVFTA đặt ra chính là động lực giúp Việt Nam thực hiện các chương trình phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, EVFTA cũng giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, từ đó có thể tăng cường khả năng ứng phó với các cú sốc bên ngoài và thúc đẩy phục hồi nền kinh tế.

FDI vào Việt Nam tăng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, một phần nhờ các dự án của các quốc gia EU. Các nhà đầu tư tham gia vào hầu hết các lĩnh vực kinh tế quan trọng của Việt Nam, trong đó các dự án đầu tư của FDI thường có hàm lượng và tỷ lệ chuyển giao công nghệ tương đối cao, với phương pháp quản lý kinh doanh tiên tiến, đóng góp một phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Một số hạn chế

Đại dịch Covid-19 kéo dài suốt từ đầu năm 2020 với những diễn biến phức tạp và việc thực hiện các biện pháp phong tỏa phòng chống dịch đã làm giảm đáng kể sức mua ở hai thị trường Việt Nam và EU, làm gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất. Nhiều người lao động về quê tránh dịch và sự lo ngại về sức khỏe đã gây ra tình trạng thiếu hụt lao động và việc các nước đóng cửa biên giới, hoạt động vận chuyển khó khăn ảnh hưởng rất lớn tới nguồn cung nguyên vật liệu cho sản xuất.

Ngoài ra, các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống dịch dẫn đến việc đi lại hạn chế, ảnh hưởng lớn tới việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài, gây ra những vấn đề khó khăn đối với cả các doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp của các nước EU, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực tận dụng các cơ chế sẵn có.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu các cam kết và các quy định của EVFTA, đồng thời họ cũng còn nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ khi tiếp cận thị trường EU. Một số lĩnh vực xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam như dệt may, nông sản, thực phẩm gặp trở ngại không nhỏ trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ, thiếu cơ sở chiếu xạ và kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa theo yêu cầu của EU khi tiếp cận thị trường các nước này.

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu sản xuất từ EU và các nước. Các ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam sử dụng giá trị gia tăng từ nước ngoài cao hơn là giá trị gia tăng được tạo ra từ trong nước, đặc biệt là các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao như hàng điện tử, ô tô.

Trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, thủy sản, nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, làm giảm uy tín của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa vào thị trường quốc tế. Sau khi EVFTA có hiệu lực, vẫn có nhiều vụ việc vi phạm quy định về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật (SPS) bao gồm:

Tháng 8 năm 2021, mì Hảo Hảo của Việt Nam bị thu hồi tại EU vì dư lượng chất ethylene oxide. Tháng 10 năm 2021, EU đã thu hồi và cảnh báo đối với sản phẩm đùi ếch đông lạnh và bưởi của Việt Nam có chứa các chất nitrofurans (furazonidone) và chất propargite, fenobucarb vượt dư lượng cho phép.

Tiếp đó, cũng trong tháng 10 năm 2021, Văn phòng SPS của Bộ Công Thương nhận được hai công văn về việc nông sản, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có chứa dư lượng hóa chất vượt quá mức quy định, trong đó có 01 lô gạo thơm ST25 hiệu Nữ hoàng của Vinamex Group xuất khẩu vào thị trường Bỉ có mức dư lượng BVTV tricyclazole lên tới 0,017 mg/kg, vượt quá mức tối đa cho phép theo tiêu chuẩn của EU là 0,01 mg/kg; lô hàng mướp đắng của công ty TNHH Saka Saka xuất khẩu vào thị trường Hà Lan có chứa hóa chất chlorpyrifos ethyl; lô hàng động vật giáp xác và hải sản của Công ty TNHH chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Minh Châu xuất khẩu vào thị trường Tây Ban Nha có chứa chất cấm profenofos ngoài chất chlorpyrifos ethyl của công ty TNHH Saka Saka7.

Có thể thấy, các tiêu chuẩn SPS và quy định về an toàn thực phẩm của EU được đặt ra cao hơn so với nhiều quốc gia và khu vực khác. Bên cạnh đó, ngoài các biện pháp SPS được EU ban hành thì các doanh nghiệp nhập khẩu và người tiêu dùng của EU cũng có những yêu cầu khắt khe hơn.

Với EVFTA, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải điều chỉnh và nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể đáp ứng cả những tiêu chuẩn của chính phủ cũng như người tiêu dùng EU, đây cũng là một trong những thách thức lớn của doanh nghiệp Việt khi tiếp cận thị trường EU.

Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước EU cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh của các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là sự cạnh tranh của các quốc gia trong khối ASEAN. Thời gian qua, EU đã ký FTA với Việt Nam và Singapore, đồng thời đang đàm phán FTA với Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Phillipines. Các nước này cũng có lợi thế về xuất khẩu nông sản, hàng dệt may, linh kiện và thiết bị điện tử, do đó có thể trở thành đối thủ cạnh tranh của Việt Nam khi tiếp cận thị trường EU.

Nhìn chung, EVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại từ các quốc gia EU. Việc tăng cường nhập khẩu thiết bị, máy móc và công nghệ hiện đại góp phần giúp cho hàng hóa sản xuất trong nước đạt được tiêu chuẩn cao hơn, giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng khả năng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng được điều đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực để có thể tiếp nhận công nghệ tiên tiến, cải thiện chất lượng sản phẩm, tránh để mất lợi thế ở ngay cả các lĩnh vực có tính cạnh tranh của Việt Nam.

TS. Hoàng Xuân Trung - Viện Nghiên cứu Châu Âu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang