Quán triệt 5 nguyên tắc trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật TC&QCKT
Khắc phục bất cập, hạn chế trong công tác triển khai thi hành Luật TC&QCKT
Sửa đổi Luật TC&QCKT: Thể hiện tầm nhìn, chiến lược của Việt Nam trong sân chơi quốc tế
Sửa đổi Luật TC&QCKT - hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật
Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học trao đổi, thảo luận về các nội dung trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật (Luật TC&QCKT), TS Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thông tin về đề cương sửa đổi Luật TC&QCKT.
Theo TS Hà Minh Hiệp, mặc dù Luật TC&QCKT đã được triển khai trong thời gian dài nhưng không thể phủ nhận tính mới, tính hiện đại của Luật. Điều này có được là do chúng ta được tiếp cận hướng dẫn của Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) về xây dựng khung tiêu chuẩn. Thứ hai, trong quá trình xây dựng Luật, phía Tổng cục cũng nhận được sự góp ý, ủng hộ của các bộ ngành. Trong quá trình này, Tổng cục luôn thể hiện tinh thần cầu thị, khách quan, đồng hành cùng các bộ, ngành, trao đổi thông tin minh bạch, thẳng thắn.
Trong quá trình Tổng cục cùng các đơn vị có liên quan đề xuất xây dựng Luật, chúng tôi quán triệt 5 nguyên tắc. Thứ nhất là bảo đảm sự tập trung thống nhất và hội nhập. Thứ hai là bảo đảm đáp ứng yêu cầu của tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế. Thứ ba là sửa luật trên tinh thần hoàn thiện, kế thừa ưu điểm, hoàn thiện thể chế pháp luật. Thứ tư là tăng cường hơn nữa vai trò phối hợp với các bộ ngành đặc biệt là địa phương để khai thông nguồn lực. Thứ năm là nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh và năng lực đổi mới sáng tạo.
TS Hà Minh Hiệp cho biết, căn cứ pháp lý sửa Luật TC&QCKT là Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị; Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị.
TS Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Về đề cương sửa đổi Luật TC&QCKT, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ 31 Điều, khoản. Trong đó, sửa đổi 20 Điều, bổ sung 10 Điều, bãi bỏ 01 Khoản (trên tổng số 71 điều của Luật TC&QCKT). Tỷ lệ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ là 42%.
Cụ thể, đối với Chương 1 (quy định chung) sẽ sửa đổi, bổ sung 09 Điều và tập trung vào nội dung chính như: Hoàn thiện các khái niệm về tiêu chuẩn hoá; Nguyên tắc cơ bản hoạt động TC&QCKT; Chính sách nhà nước phát triển hoạt đông TC&QCKT; Thúc đẩy Hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh xã hội hóa công tác tiêu chuẩn; Minh bạch hóa TBT theo cam kết FTA thế hệ mới; Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia (NSB); Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia (NSS); Hạ tầng Chất lượng Quốc gia (NQI).
Đối với Chương 2 (xây dựng, công bố, áp dụng tiêu chuẩn) đề xuất sửa đổi, bổ sung 07 Điều; bãi bỏ Điểm b) Khoản 3 Điều 11: Cơ quan nhà nước công bố TCCS. Trong đó, tập trung vào các nội dung chính gồm: Đẩy mạnh sử dụng các kết quả nghiên cứu KHCN, tiến bộ kỹ thuật, đổi mới sáng tạo vào xây dựng TCVN; Hoàn thiện cơ cấu, tổ chức Ban kỹ thuật TCVN; Trình tự thủ tục rút gọn xây dựng TCVN trong trường hợp khẩn cấp, thiên tai, dịch họa; Quản lý khai thác tiêu chuẩn (XBPH); Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi công bố TCCS.
Đối với Chương 3 (xây dựng, ban hành, áp dụng quy chuẩn kỹ thuật) đề xuất sửa đổi, bổ sung 04 Điều. Trong đó, tập trung vào nội dung chính gồm: Kế hoạch xây dựng QCVN: Thành lập hội đồng đánh giá hồ sơ QCĐP tại Bộ chuyên ngành trong trường hợp nội dung QCĐP phức tạp, liên quan nhiều lĩnh vực; Trình tự thủ tục rút gọn xây dựng QCKT trong trường hợp khẩn cấp, thiên tai, dịch họa.
Đối với Chương 4 (đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật) đề xuất sửa đổi, bổ sung 10 Điều. Trong đó, tập trung vào các nội dung chính gồm: Bổ sung nguyên tắc chung hoạt động thử nghiệm, giám định, chứng nhận; Hoạt động tổ chức ĐGSPH nước ngoài tại Việt Nam; Điều kiện hoạt động của tổ chức ĐGSPH; Hội đồng công nhận quốc gia.
Trước đó, theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Luật TC&QCKT số 68/2006/QH11 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/6/2006 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 (sau đây gọi là “Luật TC&QCKT”) là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Luật được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Việt Nam đàm phán, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), yêu cầu Việt Nam phải hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tăng cường tính minh bạch trong xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại không cần thiết, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại toàn cầu.
Qua 15 năm triển khai thực hiện, Luật TC&QCKT đã tạo chuyển biến tích cực đối với hoạt động liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đáp ứng quy định của Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia, hợp tác quốc tế sâu rộng về thương mại tự do theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP dẫn đến việc thực thi các Hiệp định này cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ngày càng đối mặt nhiều quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại các thị trường nước ngoài.
Bên cạnh đó, với chủ chương của Đảng, Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu đối với sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; nhu cầu đổi mới sáng tạo và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; yêu cầu đổi mới mô hình quản lý khoa học công nghệ, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia; vai trò, tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của các hiệp hội, doanh nghiệp trong xây dựng, phát triển hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho thấy Luật TC&QCKT trải qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng thực tiễn khách quan, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm thi hành các cam kết về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.
Mục đích của việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Quan điểm xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT là thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm sự tương thích giữa quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là các quy định liên quan đến minh bạch hóa, giảm thiểu rào cản kỹ thuật trong thương mại, thuận lợi hóa thương mại;
Bảo đảm hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật phục vụ hiệu quả quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng theo tinh thần Hiến pháp năm 2013;
Khắc phục các chồng chéo, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, toàn diện của hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, bổ sung quy định mới nhằm tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi cho việc thực hiện; Tham khảo, chọn lọc kinh nghiệm các nước có hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoàn chỉnh, tiến bộ, hiệu quả và vận dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Phong Lâm