Sửa đổi Luật TC&QCKT - hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật

author 12:17 09/08/2022

(VietQ.vn) - Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT sửa đổi, bổ sung một số quy định về hoạt động xây dựng, công bố và áp dụng tiêu chuẩn; xây dựng, ban hành và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật; đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Trong phạm vi sửa đổi tập trung cụ thể vào những quy định như:

Thứ nhất, hội nhập quốc tế, minh bạch hoá. Sửa đổi, bổ sung Luật TC&QCKT theo hướng bảo đảm tuân thủ các quy định, cam kết trong các FTA thế hệ mới; thể hiện vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam tham gia vào hoạt động tiêu chuẩn quốc tế.

Nội dung liên quan đến minh bạch hóa và hoạt động thông báo, hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Cụ thể, bổ sung điểm đ khoản 4 Điều 6 quy định bảo đảm sự tham gia của các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

Bổ sung Điều 8d về minh bạch hóa và hoạt động thông báo, hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại như sau: Nguyên tắc về minh bạch hóa phù hợp với các cam kết quốc tế; Quy định về chính sách đối với hoạt động thông báo, hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại phù hợp với các cam kết quốc tế; Quy định về vị trí, vai trò của cơ quan đầu mối và mạng lưới về thi hành các nghĩa vụ của Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT) và các cam kết về TBT trong các FTA.

Nội dung liên quan đến hội nhập quốc tế. Cụ thể, bổ sung Khoản 15 Điều 3 về khái niệm “tiêu chuẩn hóa”; Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau: Bổ sung khoản 3 quy định Nhà nước có chính sách thúc đẩy sự tham gia của Việt Nam vào các hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia là thành viên chính thức của các ban kỹ thuật tiêu chuẩn hóa quốc tế; Bổ sung khoản 4 quy định Nhà nước có cơ chế, tạo điều kiện để xây dựng thành tiêu chuẩn quốc tế đối với các sản phẩm trọng điểm, ưu tiên, chủ lực, đặc thù của Việt Nam.

 Ảnh minh họa.

Nội dung liên quan đến nguyên tắc cơ bản của hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau: Sửa đổi điểm a Khoản 4 quy định xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh nghiệm thực tiễn, nhu cầu hiện tại và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội; Sửa đổi điểm d khoản 4 quy định bảo đảm tính thống nhất của hệ thống tiêu chuẩn và hệ thống quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, phù hợp quy định pháp luật vể đo lường, chất lượng, góp phần trực tiếp nâng cao hạ tầng chất lượng quốc gia.

Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau: sửa đổi, bổ sung khoản 2 quy định kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, đổi mới sáng tạo.

Sửa đổi, bổ sung Điều 12 về loại tiêu chuẩn như sau: sửa đổi, bổ sung Khoản 5 quy định “Tiêu chuẩn ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản quy định về ghi nhãn, bao gói, vận chuyển, bảo quản sản phẩm, hàng hoá và yêu cầu về định danh đơn nhất, mã hóa dữ liệu dạng ngôn ngữ máy có thể đọc, nhận dạng và thu thập dữ liệu liên quan đến các đối tượng quản lý trong chuỗi giá trị cung ứng”.

Nội dung liên quan đến “Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia”. Cụ thể, bổ sung khoản 14 Điều 3 về khái niệm “Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia”; Bổ sung Điều 8a quy định về cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia như sau: Quy định vị trí, chức năng chung của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia, quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia được Chính phủ quy định chi tiết.

Nội dung liên quan đến Hạ tầng chất lượng quốc gia. Cụ thể, bổ sung Điều 8c về Hạ tầng chất lượng quốc gia như sau: Quy định về cơ chế chính sách phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia; Quy định về phối hợp xây dựng chỉ số Hạ tầng chất lượng quốc gia.

Thứ hai, về chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, bổ sung Điều 8b quy định về chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia như sau: Quy định về vai trò của chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia; Quy định về nội dung cơ bản và giai đoạn của chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia; Quy định cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia.

Thứ ba, về xã hội hóa hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, sửa đổi, bổ sung Điều 7 theo hướng đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, cụ thể như sau: Bổ sung khoản 4 theo hướng đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, ưu tiên sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội, hội, doanh nghiệp để xây dựng thành tiêu chuẩn quốc gia;

Bổ sung khoản 5 quy định tập trung nguồn lực để xây dựng, phát triển, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia nhằm triển khai hiệu quả các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành, chương trình, đề án trong điểm quốc gia.

Thứ tư, về hoạt động đánh giá sự phù hợp, bổ sung Điều 3 các khái niệm sau: Bổ sung khoản 11 quy định khái niệm về “Thử nghiệm”; Bổ sung khoản 12 quy định khái niệm về “Giám định”; Bổ sung quy định nguyên tắc chung về hoạt động thử nghiệm, giám định, chứng nhận để thống nhất với quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Cụ thể: Bổ sung Điều 43a quy định nguyên tắc chung về thử nghiệm; Bổ sung Điều 43b quy định nguyên tắc chung về giám định; Bổ sung Điều 43c quy định nguyên tắc chung về chứng nhận.

Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 50 quy định “Tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài tại Việt Nam” để phù hợp cam kết của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới. Thay thế từ “tổ chức chứng nhận” bằng từ “tổ chức đánh giá sự phù hợp” tại: tên Mục 4 Chương IV, tên Điều 50.

Sửa đổi Điều 51 như sau: “Điều 51. Điều kiện hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp: Có bộ máy tổ chức và năng lực đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp; Thiết lập và duy trì hệ thống quản lý phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế tương ứng; Đăng ký lĩnh vực hoạt động đánh giá sự phù hợp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Bổ sung Điều 52a quy định quyền của tổ chức đánh giá sự phù hợp; Bổ sung Điều 52b quy định nghĩa vụ của tổ chức đánh giá sự phù hợp; Bổ sung Điều 54 về Tổ chức công nhận như sau: Bổ sung điểm đ quy định “đáp ứng yêu cầu và điều kiện của một trong các tổ chức công nhận khu vực hoặc quốc tế quy định về hoạt động công nhận tương ứng với lĩnh vực đã đăng ký”; Bổ sung điểm e quy định “đăng ký hoạt động công nhận tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền”;

Bổ sung Điều 56a quy định về Hội đồng công nhận quốc gia như sau: Quy định vị trí, chức năng của Hội đồng công nhận quốc gia; Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng công nhận quốc gia.

Ngoài ra, đảm bảo quy định rõ thẩm quyền xây dựng, ban hành QCVN, đối tượng của QCVN: Bổ sung Điều 5 như sau: bổ sung khoản 1a quy định đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật không bao gồm đối tượng thuộc danh mục bí mật nhà nước theo pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, phù hợp với các quy định trong FTA thế hệ mới.

Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành TCVN, QCVN: Sửa đổi, bổ sung Điều 17 như sau: bổ sung quy định về trình tự, thủ tục rút gọn: Trong trường hợp khẩn cấp vì an toàn, thiên tai, dịch bệnh, các trình tự, thủ tục nêu tại các điểm a, b, c, d, đ được xem xét rút ngắn thời gian hoặc lược bỏ;

Sửa đổi, bổ sung Điều 29 như sau: Sửa đổi, bổ sung khoản 2 quy định các bộ, cơ quan ngang bộ phê duyệt kế hoạch xây dựng QCVN thuộc phạm vi quản lý sau khi có ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống;

Sửa đổi, bổ sung Điều 33 về thẩm định QCVN như sau: Sửa đổi khoản 1 quy định: “Sự phù hợp của quy chuẩn kỹ thuật với quy định của pháp luật, cam kết quốc tế về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hạ tầng chất lượng quốc gia”.

 Ảnh minh họa.

Tăng cường tính hiệu quả của công tác xây dựng QCĐP: Sửa đổi, bổ sung Điều 32 như sau: Bổ sung điểm c khoản 2 quy định lập hội đồng đánh giá hồ sơ QCĐP tại bộ liên quan trong trường hợp nội dung QCĐP phức tạp, liên quan nhiều lĩnh vực; Bổ sung Điều 2a quy định về trình tự, thủ tục rút gọn: Trong trường hợp khẩn cấp vì an toàn, thiên tai, dịch bệnh, các trình tự, thủ tục nêu tại các điểm a, b, c, d, đ được xem xét rút ngắn thời gian hoặc lược bỏ.

Nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn cơ sở: Bãi bỏ điểm b khoản khoản 3 Điều 11, không quy định cơ quan nhà nước xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; Sửa đổi, bổ sung Điều 20 như sau: bổ sung khoản 3a quy định tổ chức, cá nhân công bố tiêu chuẩn cơ sở có trách nhiệm thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đồng thời đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ đối với tiêu chuẩn: Sửa đổi, bổ sung Điều 21 như sau: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 quy định Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chi tiết việc quản lý và khai thác tiêu chuẩn tiêu chuẩn quốc gia; Bổ sung khoản 2 quy định bảo hộ bản quyền tiêu chuẩn quốc tế, khu vực, nước ngoài; Bổ sung quy định về tra cứu, tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hệ thống cơ sở dữ liệu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia: Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau: Bổ sung khoản 1 quy định về tiểu ban kỹ thuật, nhóm công tác trong trường hợp cần thiết; Bổ sung khoản 2 quy định thành viên Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia bao gồm cá nhân hoặc đại diện từ các tổ chức nước ngoài; Bổ sung khoản 4 quy định Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để thành viên các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia tham gia các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế và quy định cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu cử đại diện tham gia các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế thông qua đầu mối là các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia tương ứng.

Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật: Sửa đổi, bổ sung Điều 60 như sau: Bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc bố trí nguồn ngân sách bảo đảm các hoạt động hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Bổ sung quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành đối với hoạt động thông báo, hỏi đáp.

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng các điều kiện quy định tại Luật này và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

 Hà My

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang