Triển khai đồng bộ biện pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển công nghệ số

author 07:16 27/02/2022

(VietQ.vn) - Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch số 2078/KH-UBND về phát triển doanh nghiệp công nghệ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Công văn số 1080/BTTTT-CNTT ngày 30/3/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc triển khai Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp công nghệ số; Công văn số 2429/BTTTT-CNTT ngày 08/7/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đôn đốc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số, UBND tỉnh Quảng Bình xây dựng Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 như sau:

Quảng Bình: Triển khai đồng bộ các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Với mục đích quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, qua đó nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển và ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt đời sống, khởi tạo cuộc sống số, tạo ra cơ hội mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tiến trình phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chủ động phối hợp, lồng ghép trong triển khai thực hiện bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo.

Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 05 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó tối thiểu 01 doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin, công nghệ số phục vụ xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và an toàn thông tin mạng được đưa vào ứng dụng thực tế tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Đến năm 2030, toàn tỉnh có ít nhất 08 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó tối thiểu 03 doanh nghiệp làm chủ công nghệ, cung cấp các sản phẩm, giải pháp phần mềm phục vụ chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng được đưa vào ứng dụng thực tế tại tỉnh và các địa phương khác trên cả nước.

Về cơ chế, hoàn thiện các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp công nghệ số; hỗ trợ việc đăng ký và thành lập doanh nghiệp công nghệ số mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số về thủ tục gia nhập thị trường; Xây dựng chính sách, giải pháp tạo lập thị trường cho doanh nghiệp công nghệ số bao gồm doanh nghiệp khởi nghiệp trong xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án về Chính phủ điện tử, đô thị thông minh, công dân thông minh và chuyển đổi số các chuyên ngành quan trọng như du lịch, y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông...

Triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức tiếp cận công nghệ số và áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, trong đó có việc tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, giải pháp công nghệ số do doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh phát triển. Hỗ trợ tạo môi trường thử nghiệm cho các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm ứng dụng công nghệ số trên địa bàn tỉnh.

Về hỗ trợ nguồn lực, có chính sách hỗ trợ về vay vốn đầu tư, ưu đãi về giá thuê đất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ số ban đầu triển khai các dự án sản xuất dựa trên nền tảng công nghệ số. Hỗ trợ về đào tạo, chuyển giao công nghệ để từng bước xây dựng, phát triển các doanh nghiệp ứng dụng chuyển giao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm, nền tảng giải pháp dựa trên công nghệ số. Định hướng hỗ trợ tối thiểu hàng năm từ 01 đến 02 doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh phát triển một số sản phẩm số trọng điểm cho địa phương.

Nghiên cứu thực hiện cơ chế đặt hàng phát triển các nền tảng, ứng dụng công nghệ số dùng chung của tỉnh để các doanh nghiệp công nghệ số bản địa có cơ hội tham gia, qua đó phát triển.

Định hướng phát triển cho doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh đổi mới, chủ động sử dụng giải pháp nền tảng công nghệ số, cung cấp giải pháp công nghệ số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội;

Khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ thông tin - điện tử đã có thương hiệu chuyển chiến lược sản xuất - kinh doanh sang nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động trong sản xuất sản phẩm công nghệ số; Tổ chức diễn đàn về phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại tỉnh Quảng Bình kêu gọi doanh nghiệp số trong và ngoài nước tham gia nhằm mục đích thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh.

An Hạ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang