Quảng cáo mỹ phẩm, TPCN như thuốc, thương hiệu GUARDIAN đang lừa dối người tiêu dùng?

author 15:52 17/05/2023

(VietQ.vn) - Nhiều sản phẩm mỹ phẩm, TPCN thương hiệu GUARDIAN do Công Ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Liên Á Châu phân phối quảng cáo giống thuốc chữa bệnh, có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.

Nhiều độc giả phản ánh đến đường dây nóng của Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) về hệ thống chuỗi cửa hàng GUARDIAN “thổi phồng” công dụng một số sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN) như thuốc chữa bệnh nhằm đánh vào tâm lý người dùng.

Được biết, hệ thống chuỗi cửa hàng GUARDIAN thuộc Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Liên Á Châu có trụ sở chính tại L2-VP-01, 346 Bến Vân Đồn, P1, Q4, TP Hồ Chí Minh với hệ thống cửa hàng tại nhiều tỉnh, thành phố lớn trên cả nước.

Với phương châm GUARDIAN “không ngừng hoàn thiện từng ngày để truyền cảm hứng sống khỏe đẹp cho hàng triệu khách hàng, đem đến cho quý khách hàng trải nghiệm mua sắm: đáng tin cậy, chất lượng cao, giá tốt và dịch vụ tuyệt vời”, thế nhưng, thương hiệu GUARDIAN lại quảng cáo mỹ phẩm, TPCN công dụng như thuốc trị bệnh nhằm mục đích lừa dối người tiêu dùng nhẹ dạ cả tin mua sản phẩm?

Quảng cáo mỹ phẩm, TPCN như thuốc, thương hiệu GUADIAN đang lừa dối người tiêu dùng, vi phạm pháp luật?

Hệ thống cửa hàng GUADIAN có mặt ở hầu hết thành phố lớn. 

Có thể thấy rõ ngay điều này trên website bán hàng ở địa chỉ www.guardian.com.vn khi thương hiệu này liên tục quảng cáo những miếng dán có xuất xứ từ Hàn Quốc với công năng trị mụn. Trong khi đây chỉ là những miếng dán hỗ trợ tái tạo da, giúp lành vết thương.

Hay thương hiệu này cũng thổi phồng công dụng của sản phẩm mặt nạ với công năng trị mụn. Theo đó, trên trang thương mại điện tử bán hàng kể trên đã giới thiệu một sản phẩm có xuất xứ từ Hàn Quốc với công dụng: “Mặt nạ trị mụn Some By Mi Tea Tree Calming Sheet Mask 25Gr là giải pháp êm dịu cho làn da với thành phần từ lá tràm trà và chiết xuất rau má. Sử dụng mặt nạ tràm trà trị mụn Some By Mi giảm mụn hiệu quả, an toàn”.

Quảng cáo mỹ phẩm, TPCN như thuốc, thương hiệu GUADIAN đang lừa dối người tiêu dùng, vi phạm pháp luật?

 Những miếng dán được quảng cáo công năng trị mụn.

Không chỉ quảng cáo mỹ phẩm như thuốc trị mụn, thương hiệu này cũng quảng cáo thực phẩm chức năng với công dụng giảm cân. Chẳng hạn sản phẩm Slim Line L-Carnitine Dr. Frei có nguồn gốc xuất xứ từ Đức được quảng cáo trên website này là chức năng giảm cân trong khi đây chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng khác cũng được thương hiệu này quảng cáo giống thuốc chữa bệnh trên website.

Theo thông tư 06/2011/TT- BYT ngày 25/01/2011 về quản lý mỹ phẩm: Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.

Quảng cáo mỹ phẩm, TPCN như thuốc, thương hiệu GUADIAN đang lừa dối người tiêu dùng, vi phạm pháp luật?

Mặt nạ cũng được gắn công năng trị mụn. 

Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo nêu rõ: “Mỹ phẩm cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho người tiêu dùng”.

Việc sử dụng câu từ để quảng cáo các tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó, các sản phẩm chăm sóc da không được sử dụng những từ như xóa sẹo, trị mụn, trị nám, trị sắc tố... Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.

Nếu đối chiếu quy định trên có thể thấy, các hoạt động quảng cáo trên website kể trên đã vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo, gây hiểu lầm giữa mỹ phẩm với thuốc, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Như vậy, những phản ánh của người tiêu dùng gửi đến Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) là có cơ sở. Câu hỏi đặt ra là các sản phẩm mỹ phẩm thương hiệu GUARDIAN liệu đã được cấp phép trước khi đưa ra thị trường hay chưa? Nếu chất lượng sản phẩm không như quảng cáo, người tiêu dùng có được đền bù hay bồi thường khi đã sử dụng sản phẩm?

Quảng cáo mỹ phẩm, TPCN như thuốc, thương hiệu GUADIAN đang lừa dối người tiêu dùng, vi phạm pháp luật?

Dản phẩm này còn được "thần thánh" hóa với công năng "triệt tiêu thâm nám".

Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), hiện hoạt động kinh doanh, quảng cáo mỹ phẩm trên mạng internet, sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội (Zalo, Facebook…) diễn ra ngày càng nhiều, các sản phẩm mỹ phẩm được rao bán, quảng cáo đa dạng về chủng loại, xuất xứ. Tuy nhiên, bên cạnh sản phẩm mỹ phẩm đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố, nhiều sản phẩm mỹ phẩm được quảng cáo là hàng xách tay, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Bên cạnh đó, còn xuất hiện tình trạng quảng cáo sản phẩm không phù hợp tính năng, công dụng đã công bố hoặc vượt quá tính năng vốn có của sản phẩm.

Qua công tác kiểm tra hậu mại mỹ phẩm lưu thông trên thị trường, vẫn còn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không đúng địa chỉ đã công bố, thay đổi địa điểm sản xuất, kinh doanh mà không thông báo với cơ quan quản lý theo quy định. Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm chưa tuân thủ đầy đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm không đạt chất lượng, mỹ phẩm chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố theo quy định; Một số sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhưng lại quảng cáo vượt quá tính năng, công dụng mỹ phẩm, gây hiểu nhầm là thuốc.

Quảng cáo mỹ phẩm, TPCN như thuốc, thương hiệu GUADIAN đang lừa dối người tiêu dùng, vi phạm pháp luật?

 Nhiều TPCN quảng cáo dễ gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh.

Cũng theo Cục Quản lý Dược, tiêu chí để phân loại sản phẩm mỹ phẩm căn cứ vào tính năng, mục đích sử dụng, thành phần công thức sản phẩm và định nghĩa về mỹ phẩm. Việc công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm (nêu ở phần mục đích sử dụng cũng như tên sản phẩm) phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm (Phụ lục số 03-MP kèm theo Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế) và văn bản liên quan hướng dẫn phân loại sản phẩm, công bố tính năng mỹ phẩm để đảm bảo sản phẩm mỹ phẩm được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố không vượt quá tính năng, công dụng mỹ phẩm, gây hiểu nhầm là thuốc.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp kinh doanh chân chính, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, kiểm tra để làm rõ những dấu hiệu vi phạm (nếu có) của đơn vị kinh doanh sản phẩm nêu trên.

NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang