Quảng cáo tràn lan thực phẩm chức năng: Cần có chế tài xử lý đủ mạnh

author 17:03 12/10/2022

(VietQ.vn) - Sau hơn 10 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã tạo hành lang pháp lý, bảo vệ hữu ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới. Việc sửa đổi Luật này cho phù hợp với thực tế là rất cần thiết.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Sau hơn 10 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã tạo hành lang pháp lý, bảo vệ hữu ích cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hiện bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới. Việc mua hàng qua phương thức thương mại điện tử (online) trở nên thông dụng; trường hợp người tiêu dùng bị lừa đảo, mất tiền khi mua hàng qua mạng internet cũng gia tăng. Vì vậy, việc sửa đổi Luật này cho phù hợp với thực tế là rất cần thiết.

Việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho phù hợp với thực tế là rất cần thiết. Ảnh minh họa.

Trong Luật năm 2010, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn về các nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng, giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; các quy định liên quan đến hợp đồng, điều kiện giao dịch, lĩnh vực kinh doanh đặc thù, do vậy còn lúng túng khi thực thi bảo vệ người tiêu dùng hiện nay.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Bộ Công thương dự thảo sửa đổi và được góp ý nhiều lần, đã bổ sung nhiều nội dung quy định mới, trong đó, có mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù; hoàn thiện quy định về giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng; nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hiệu quả hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cũng còn một số chỗ cần góp ý thêm như sau:

Trong phạm vi điều chỉnh có ghi “tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” nhưng trong giải thích từ ngữ ở Điều 3 cũng như Chương IV về “Hoạt động tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” không nói rõ “tổ chức xã hội” là các tổ chức nào? Hoặc chưa giải thích “quyền lợi người tiêu dùng” là những quyền lợi gì? hoặc giải thích “người tiêu dùng dễ bị tổn thương” hoặc giải thích “giao dịch đặc thù”... là thế nào?. Nếu mục giải thích từ ngữ đầy đủ, rõ ràng thì sau đó đi vào các Chương, Điều, Khoản, Mục cụ thể không cần giải thích nữa, Luật sẽ đơn giản và dễ hiểu hơn.

Cần gộp Điều 8 và Điều 9 thành một Điều là “Trách nhiệm bảo vệ thông tin người tiêu dùng” và nêu thêm “với tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh” - thống nhất với Điều 14 Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, “không phải đăng ký kinh doanh”.

Theo Điều 3 giải thích từ ngữ “Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại”, cần viết thêm “với tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại phải có đăng ký kinh doanh”, vì quy định tại Điều 14 “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh” lại do “Chính phủ quy định chi tiết” hóa ra Luật này chỉ được thực hiện trong phạm vi hẹp khi cá nhân, gia đình mua bán, giao dịch (mà hàng hóa phải có đăng ký kinh doanh), điều này có lẽ chủ yếu giành cho người thu nhập cao, thu nhập thấp ít có điều kiện hơn?. Đã là quyền lợi người tiêu dùng thì nên quy định trong luật này toàn diện hơn.

Điều 17 các hành vi nghiêm cấm. Cần nghiêm cấm thêm quảng cáo các nhóm sản phẩm đặc biệt được quy định trong Luật, ví dụ như cấm quảng cáo nhóm dược phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 22 Trách nhiệm của bên thứ ba quy định tương đối rõ. Tuy nhiên, cần có quy định về giám sát đối với cơ quan quảng cáo đại chúng. Hiện nay, trên phương tiện truyền thông quảng cáo tràn lan về thực phẩm chức năng, đa phần các quảng cáo đều có phần “không khỏi hoàn tiền lại 100%” (đây là hành vi đánh lừa người tiêu dùng, đặc biệt nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương do không biết ai giám sát thực hiện, chế tài ra sao?), vì vậy, Điều 22 cần có chế tài mạnh mẽ để người tiêu dùng có lựa chọn đúng, tránh tình trạng tiền mất, tật mang.

Chương III, Điều 37 Khoản 2 “Cung cấp dịch vụ liên tục là việc cung cấp dịch vụ có thời hạn 3 tháng trở lên hoặc không xác định thời hạn”. Câu này được hiểu là “không xác định thời hạn” vậy còn “thời hạn 3 tháng trở lên” để làm gì?

Khoản 3 Các hành vi bán hàng đa cấp trong Điều 45 Trách nhiệm tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp ghi “Các hành vi bán hàng đa cấp bất chính” nên ghi thống nhất với Điều 17 là “Các hành vi bán hàng đa cấp bị cấm” thay chữ “bất chính” bằng chữ “cấm” cho thống nhất trong Luật.

Điểm đ, Khoản 1, Điều 47 về “trả lại sản phẩm trong vòng 30 ngày...” nên bỏ, vì người tiêu dùng mua hàng hóa đã có hợp đồng với từng sản phẩm cụ thể rồi, điều này gây khó cho tổ chức, cá nhân kinh doanh (bán hàng).

Chương IV cần nêu rõ “Tổ chức xã hội” là những tổ chức xã hội nào theo quy định của nhà nước cho phép thành lập và tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?. Trong Luật sửa đổi nêu rất chung chung là “có tôn chỉ, mục đích của tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” rất khó hiểu?.

Điểm c, Điều 49 quy định “thời gian hoạt động tối thiểu 1 năm từ khi thành lập mới được thực hiện quyền tự khởi kiện” là ngăn cản hoạt động, làm hạn chế của tổ chức xã hội bảo vệ người tiêu dùng, vì nếu tổ chức nào khởi kiện không đúng đã có Luật khác quy định tổ chức đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Điểm d, Điều 49 quy định “phạm vi hoạt động từ cấp tỉnh, huyện trở lên”, mâu thuẫn với khoản 5, Điều 50 lại quy định “có phạm vi hoạt động toàn quốc”.

Nên gộp Điều 49 và 50 thành một cho gọn, vì nhiều điểm trùng lặp. 

Nên đưa Khoản 3 “Tổ chức xã hội... không được từ chối tư vấn, hỗ trợ những khiếu nại chính đáng của người tiêu dùng” của Điều 52 vào Điều 51 về “Nghĩa vụ của tổ chức xã hội...”.

Nguyễn Văn Cảm - Hội Thú y Việt Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang