Quảng Ninh phát hiện lượng lớn xúc xích ăn liền, bim bim tẩm gia vị nhập lậu

author 14:10 22/02/2023

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh vừa phát hiện hàng nghìn gói thực phẩm ăn liền nhập lậu cất giấu trong khoang chở hàng xe tải.

Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Ninh vừa phát hiện 1.500 gói thực phẩm gồm các loại chân gà tẩm ướp, xúc xích ăn liền, bim bim tẩm gia vị có xuất xứ từ Trung Quốc đang được cất giấu trên khoang chở hàng của 1 xe ô tô tải. Lực lượng đã tiến hành lập biên bản xử lý theo quy định.

Cụ thể, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với công an giao thông, Công an tỉnh Quảng Ninh tiến hành kiểm tra xe ô tô tải BKS 14H-003.21 do Nguyễn Đức Hùng sinh năm 1991 điều khiển. Tại thời điềm khám phương tiện vận tải theo quy định, lực lượng chức năng đã phát hiện trên khoang chở hàng có 1.580 gói chân gà, bim bim ăn liền và 75 kg xúc xích có xuất xứ từ Trung Quốc.

Làm việc với cơ quan chức năng lái xe Nguyễn Đức Hùng đã khai nhận mình là chủ toàn bộ số hàng hóa trên xe. Tuy nhiên không xuất trình được bất kỳ hoá đơn, chứng từ nào liên quan đến hàng hoá của 03 mặt hàng trên. Nhận thấy toàn bộ số hàng hóa trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật là hàng hoá nhập lậu (thực phẩm), Đội QLTT số 1 đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa đề xác minh tình tiết.

Theo quy định, với hành buôn lậu hàng hóa thực phẩm lái xe Nguyễn Đức Hùng đang đối diện với mức phạt dự kiến 16.000.000đ và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

 Lượng lớn thực phẩm các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ bị tịch thu. Ảnh: Cục QLTT Quảng Ninh

Trước đó, trong kế hoạch triển khai về việc mở đợt cao điểm 60 ngày đêm tăng cường kiểm soát thị trường lực lượng QLTT tỉnh Quảng Ninh đã liên tiếp phát hiện và xử lý gần 40 vụ việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt vi phạm hành chính hơn 400 triệu đồng, tiêu hủy hơn 5 tấn thực phẩm không đủ điều kiện an toàn lưu thông.

Điển hình Đội QLTT số 1 đã tiến hành khám xe ô tô BKS 14C-306.85 do ông Phạm Văn Lìu thường trú tại phường Hà Trung, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh điều khiển đã phát hiện trên xe có 560 kg quả Lê, quýt tươi không rõ nguồn gốc xuất xứ, trên bao bì có in chữ nước ngoài, không có tem phụ bằng tiếng Việt Nam đang được cất giấu trên khoang chở hàng.

Đội QLTT số 1 tiếp tục tiến hành khám xe ô tô BKS 14C-354.33 do ông Nguyễn Bá Nguyên có địa chỉ tại tổ 5, khu 3B, phường Cẩm Trung, thành phố Cẩm Phả là lái xe đồng thời là chủ hàng. Tại thời điểm khám phát hiện, trên xe có tổng số 1.155kg hàng thực phẩm gồm quýt, lê, nho, hồng và táo tươi. Trên bao bì đựng hàng hoá có in chữ nước ngoài, không có tem phụ bằng tiếng Việt Nam đang được cất giấu trên khoang chở hàng. Tại thời điểm khám, ông Nguyễn Bá Nguyên không xuất trình được bất kỳ hoá đơn chứng từ nào liên quan đến hàng hoá của 05 mặt hàng trên.

Tương tự, Đội QLTT số 8 đã phát hiện và xử lý phạt các lái xe đồng thời là chủ hàng: Vũ Văn Tuấn lái xe ô tô BKS 14B-021.27, Vũ Minh Chất lái xe ô tô BKS 14N – 9095, Lê Văn Đông lái xe ô tô BKS 14B - 01.828 về hành vi vận chuyển, buôn bán hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc với tổng số tiền phạt 18.000.000đ tiêu hủy hơn 300 kg thực phẩm là chân vịt ăn liền, chả cá viên, bì lợn với tổng trị giá hàng hóa hơn 25.000.000 đồng.

Tại thành phố Móng Cái, Đội QLTT số 4 kiểm tra các kiot kinh doanh trong chợ và các cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, đã phát hiện và xử lý 06 vụ việc vi phạm quy định trong kinh doanh thực phẩm xử phạt trên 80.000.000đ buộc tiêu hủy hơn 300kg thực phẩm không rõ nguồn gốc gồm chân gà ăn liền, bánh gạo, rượu, sữa bột…với tổng trị giá hàng hóa tiêu hủy hơn 100.000.000đ. Trong số đó có 02 vụ việc buộc tiêu hủy số lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT tập trung kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm đối với thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn thường có chiều hướng gia tăng trong dịp cuối năm, lễ, tết. Đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng khi mua thực phẩm nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, không ham rẻ mà dễ bị mua phải những thực phẩm bẩn trà trộn, có nguy cơ gây hại cho bản thân và gia đình.

Trước thực trạng buôn bán, nhập khẩu thực phẩm không rõ nguồn gốc lực lượng chức năng cho rằng, vì muốn làm giàu nhanh, bất chính, kiếm tiền bằng mọi giá, một số đối tượng xấu đã cố ý cung cấp thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ ra thị trường bán cho người tiêu dùng, bằng các phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Thực trạng nêu trên cho thấy việc giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm còn nhiều mối lo.

Nguyên nhân là do việc quản lý chất lượng an toàn thực phẩm của cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn bất cập, các chế tài, quy định chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, ý thức chấp hành của người dân chưa cao. Họ chưa có đầy đủ thông tin để phân biệt được đâu là thực phẩm an toàn và không an toàn. Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, liên kết với tiêu thụ nông sản an toàn ở nhiều địa phương còn chậm dẫn đến sản lượng, quy mô liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản còn hạn chế.

Ðể xử lý triệt để tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, bảo đảm an toàn thực phẩm theo hướng hài hòa với các chuẩn mực quốc tế, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam sẽ bị xử phạt thế nào?

Theo quy định tại khoản 1, và khoản 2 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP (Được sửa đổi bởi khoản 48 và khoản 49 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP) thì hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam sẽ bị xử phạt như sau:

Vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 5.000.000 đồng, trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng không đọc được các nội dung trên nhãn theo quy định pháp luật mà các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa không khắc phục được, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng chưa có nhãn phụ khi làm thủ tục thông quan:
b) Nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
2. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên được quy định như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;
h) Phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản này trong trường hợp hàng hóa vi phạm là: lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng.
Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều này được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau: buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm, buộc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa có nhãn vi phạm trong trường hợp không thể tách rời nhãn hàng hóa vi phạm ra khỏi hàng hóa;

b) Buộc thu hồi hàng hóa và buộc loại bỏ hình ảnh, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng, huy chương, giải thưởng và các thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; buộc thu hồi và tiêu hủy hàng hóa quá hạn sử dụng, hàng hóa gian lận về thời hạn sử dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
Theo đó đối với trường hợp hàng hóa có giá trị 15 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 3 triệu đến 7 triệu đồng.

Trong trường hợp hàng hóa vi phạm là: lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng thì sẽ áp dụng mức phạt tiền gấp đôi.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang