Quảng Trị: Nâng cao kiến thức về truy xuất nguồn gốc cho cộng đồng doanh nghiệp

author 06:17 02/10/2023

(VietQ.vn) - Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian qua đơn vị này đã không ngừng hỗ trợ, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về truy xuất nguồn gốc sản phẩm tới các doanh nghiệp trong tỉnh.

Trong bối cảnh kinh tế hội nhập ngày càng phát triển, doanh nghiệp Việt đang đứng trước những thử thách và trở ngại rất lớn khi tiếp cận thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước bởi sự xuất hiện của sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, thị trường quốc tế ngày càng khắt khe với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam. Để hàng xuất khẩu có thể mở rộng thị trường, đặt chân đến những thị trường khó tính. Các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản cần đảm bảo yêu cầu, quy định đưa ra từ phía nước nhập khẩu, trong đó có vấn đề thực hiện truy xuất nguồn gốc (TXNG).

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân từng bước được nâng cao. Từ đó, vấn đề truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm hàng hóa ngày càng trở nên thiết yếu, là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo. Đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam. Bên cạnh đó, đối với xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.

TXNG SPHH là cơ hội tốt để các DN có thêm hiểu biết về áp dụng mã số, mã vạch

Nhận thức được tầm quan trọng của TXNG đối với các sản phẩm hàng hóa, Sở KH&CN đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về TXNG sản phẩm nhằm giúp các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh nắm bắt các thông tin, quy định liên quan để có định hướng phù hợp và triển khai áp dụng hệ thống TXNG được tốt hơn.

Thời gian qua, Sở KH&CN đã triển khai các hoạt động tập huấn, phổ biến áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia về định dạng các mã dùng cho truy vết, ứng dụng trong TXNG sản phẩm, hàng hóa (SP,HH). Nhờ đó đã cung cấp cho các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh các giải pháp, nắm bắt thông tin, quy định về các tiêu chuẩn liên quan đến truy xuất nguồn gốc, giúp các đơn vị xây dựng và triển khai hệ thống TXNG SP,HH. Qua đó, nâng cao nhận thức của DN, cơ sở sản xuất kinh doanh về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động TXNG trong đảm bảo chất lượng SP,HH.

 Việc các DN nắm bắt rõ hơn về TXNG SP,HH là cơ hội tốt để các DN góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh. Ảnh: Báo Quảng Trị

Ngoài ra còn phổ biến các tiêu chuẩn quốc gia về TXNG như: Tiêu chuẩn TCVN 12850:2019 đối với hệ thống TXNG; Tiêu chuẩn TCVN 13275: 2020 định dạng vật mang dữ liệu; Tiêu chuẩn TCVN 13274: 2020 hướng dẫn định dạng các mã dùng cho truy vết ứng dụng trong hệ thống TXNG SP,HH.

Đồng thời, giới thiệu về Cổng TXNG quốc gia; các loại vật mang dữ liệu và ứng dụng trong TXNG; các bước xây dựng hệ thống TXNG SP,HH; phổ biến một số mô hình điểm áp dụng hệ thống TXNG và các chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực KH&CN tại tỉnh Quảng Trị.

Thông qua những buổi tập huấn, tuyên truyền về TXNG SP,HH đã cung cấp những kiến thức thiết thực, sát với nhu cầu và tình hình thực tiễn của DN, tạo nền tảng cho DN phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới. Giúp cho các DN nắm bắt được những kiến thức về TXNG và thực trạng TXNG SP,HH tại Việt Nam.

Theo Phó giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Hữu Thắng, việc giúp các doanh nghiệp nắm bắt rõ hơn về TXNG SP,HH là cơ hội tốt để các DN có thêm hiểu biết về áp dụng mã số, mã vạch và TXNG, xây dựng thương hiệu. Từ đó, các DN tăng cơ hội tiếp cận thị trường tiềm năng và gia tăng giá trị cho SP,HH của DN, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở KH&CN sẽ tiếp tục tập trung rà soát các quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về TXNG.

Nghiên cứu xây dựng, áp dụng và phát triển hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho hệ thống quản lý thông tin TXNG của tỉnh, kết nối với Cổng thông tin TXNG SP,HH quốc gia. Phấn đấu 100% tổ chức, cá nhân SXKD có nhu cầu trên địa bàn tỉnh được tập huấn, đào tạo kiến thức về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG SP,HH. Tối thiểu 30% DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch trên địa bàn tỉnh có hệ thống TXNG áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống TXNG của DN trong nước và quốc tế.

Đảm bảo 100% SP,HH thuộc đối tượng bắt buộc được áp dụng TXNG; 100% SP,HH xuất khẩu thuộc nhóm hàng hóa chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, sản phẩm OCOP của tỉnh có yêu cầu và đủ điều kiện được áp dụng hệ thống TXNG. Nhận diện và TXNG các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh, qua đó kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu: sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phối, tiêu thụ trong chuỗi cung ứng sản phẩm.

Hoàn thiện việc xây dựng, áp dụng và quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu SP,HH được sản xuất trong tỉnh và hệ thống TXNG của tỉnh, kết nối với Cổng thông tin TXNG SP,HH quốc gia, đảm bảo nhu cầu trao đổi và khai thác thông tin của DN, cá nhân, tổ chức trong tỉnh, trong nước. Đảm bảo tối thiểu 70% DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh sử dụng mã số, mã vạch tại tỉnh có hệ thống TXNG đủ điều kiện kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc SP,HH quốc gia. Tăng cường hợp tác, học tập kinh nghiệm, nghiên cứu xu hướng áp dụng các giải pháp công nghệ TXNG trong nước và quốc tế.

Các nguyên tắc trong việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc 

Xét theo TCVN 12850:2019 “Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc”, hệ thống truy xuất nguồn gốc phải bảo đảm các nguyên tắc: 

Nguyên tắc “một bước trước - một bước sau”: Để bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm.

Nguyên tắc “sẵn có của phần tử dữ liệu chính”: Các phần tử dữ liệu chính phải được thu thập, lưu trữ và cập nhật kịp thời trong các báo cáo thông tin chi tiết về các sự kiện quan trọng trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng.

Nguyên tắc “minh bạch”: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đạt yêu cầu về tính minh bạch tối thiểu bằng cách sử dụng dữ liệu tĩnh về khách hàng, bên cung ứng, sản phẩm và các điều kiện sản xuất.

Nguyên tắc “có sự tham gia đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc”: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có sự tham gia của đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc của tổ chức.

Yêu cầu khả năng tương tác: Tổ chức phải xác định khung chung cho hệ thống truy xuất nguồn gốc bao gồm các phần tử tối thiểu (lớp cốt lõi) cần thiết cho việc thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc, và mô tả cách các phần tử bổ sung có thể được thêm vào để giải quyết các yêu cầu của ngành nghề cụ thể, phân loại sản phẩm, khu vực và vùng ứng dụng.

Yêu cầu về tính đa dạng: Tổ chức phải xác định đầy đủ các nhu cầu, mục tiêu khi thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Yêu cầu về định danh: Tổ chức phải định danh đơn nhất các đối tượng truy xuất. Việc định danh các đối tượng truy xuất có thể theo 3 mức định danh chính (Định danh loại sản phẩm; Định danh lô, mẻ và Định danh đơn vị).

Yêu cầu về phạm vi hệ thống truy xuất nguồn gốc: Tổ chức phải xác định phạm vi của hệ thống truy xuất nguồn gốc, bao gồm: Số bước trước - sau mà chuỗi cung ứng của tổ chức cần phải chia sẻ dữ liệu; số các bên truy xuất nguồn gốc tham gia trong tổ chức hoặc chuỗi cung ứng mà tổ chức cần tương tác trực tiếp; các thành phần chính, bao bì và các nguyên liệu gián tiếp mà tổ chức cần theo dõi; nhu cầu tích hợp chia sẻ dữ liệu với người dùng cuối của hệ thống.

Yêu cầu về quản lý hệ thống: Tổ chức phải đảm bảo rằng hệ thống truy xuất nguồn gốc được xây dựng và kiểm soát phù hợp, hiệu quả.

Yêu cầu về dữ liệu truy xuất nguồn gốc: Dữ liệu truy xuất nguồn gốc được thu thập từ các bộ phận và quá trình khác nhau trong phạm vi truy xuất nguồn gốc đã xác định, bao gồm dữ liệu về chất lượng và an toàn của sản phẩm. Dữ liệu truy xuất nguồn gốc phải được tạo ra khi một quá trình liên quan đến truy xuất nguồn gốc được thực hiện trong tổ chức, bao gồm thông tin để trả lời câu hỏi “Ai, Cái gì, Ở đâu, Khi nào và Tại sao” (5W).

Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có khả năng đáp ứng nhiều mục đích sử dụng dữ liệu khác nhau, có tính thích ứng và có khả năng nâng cấp, được xây dựng dựa trên một chuẩn chung với các bên tham gia để đảm bảo khả năng tương tác và trao đổi dữ liệu.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang