Quốc hội bàn về dự luật Thủ đô gây tranh cãi

author 06:28 05/11/2012

(VietQ.vn) - Sáng nay (5/11), Quốc hội sẽ thảo luận về dự luật Thủ đô. Xunh quanh dự luật này còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Văn phòng Quốc hội cho biết, sáng nay, 5/11, Quốc hội sẽ dành cả buổi sáng để thảo luận về dự Luật Thủ đô. Trước đó, dự luật này đã nhận được sự nhất trí của nhiều lãnh đạo trong Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, để "dự luật" thành "luật" phải được sự thông qua của gần 500 đại biểu Quốc hội.

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội khóa trước cho rằng, dự luật Thủ đô nếu được thông qua thì việc kiểm soát dân cư sẽ khó hơn trước. Vì chắc chắn người ngoại tỉnh vẫn sẽ đổ về Hà Nội. Mà do đã “siết” nhập cư nên họ gặp khó khăn khi đăng ký thường trú, nên nhiều người sẽ…không đăng ký nữa.

“Hộ khẩu chỉ có nhiều ý nghĩa ở thời kỳ tem phiếu trước kia thôi” – GS Thuyết phân tích.

Ông nêu nghịch lý, Hà Nội hiện nay được mở rộng thành một trong những Thủ đô rộng nhất thế giới. Đáng ra, người dân cả nước càng phải dễ dàng nhập cư hơn, nhưng luật Thủ đô lại khiến họ khó khăn khi muốn về “Trái tim cả nước”.

 thôn Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội)
"Về" Hà Nội đã lâu nhưng người dân ngoại thành vẫn vất vả kiếm sống. Nhiều ý kiến cho rằng, các cấp cần tập trung phát triển kinh tế những nơi này hơn là ban hành cách lệnh "siết", "hạn chế". Ảnh chụp ở thôn Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hà  

Vì thế, các nhà lãnh đạo cần quan tâm hơn nữa đến việc phát triển các vùng ven đô, đẩy nhanh việc đưa các bệnh viện, đại học ra bên ngoài…mới là cách làm lâu dài.

 "Siết điều kiện nhập hộ khẩu chỉ giúp giảm dân số trên giấy tờ thôi, còn người lao động vẫn đổ về Hà Nội, tạm trú không cần hộ khẩu", ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) nói tại phiên thảo luận tổ về luật Thủ đô chiều 27/10.

ĐB Đỗ Văn Đương chia sẻ: "Dự thảo luật Thủ đô vẫn dừng lại ở mệnh lệnh, đòi hỏi trách nhiệm của QH, Chính phủ, các bộ ngành đối với các vấn đề của Thủ đô, trong khi chưa toát lên được trách nhiệm của chính quyền thành phố, đối tượng thực thi nếu luật được thông qua".

Ông cho rằng biện pháp này, cùng với việc nâng phí, phạt nặng, đều là các “giải pháp tình thế, nhưng lại mang tính chất lạnh lùng".

Về cơ chế tài chính, nguyên đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết khẳng định, kể cả không thông qua luật Thủ đô thì từ trước tới nay, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn được dành nhiều ưu ái về tài chính, vì là hai “đầu tàu” kinh tế của đất nước.

Ngân sách của Hà Nội từ đâu ra?

Hiện nay, có ý kiến cho rằng, Hà Nội đang phải chi tiền xây trường học, bệnh viện, làm đường…để khắc phục việc quá tải từ việc dân ngoại tỉnh vào đây sinh sống.

Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu đó là tiền của những người gốc gác ở Hà Nội quyên góp để xây trường, xây đường…thì họ có thể nói như vậy.

Nhưng ngân sách khổng lồ hàng năm cấp cho Hà Nội là chủ yếu từ tiền thuế của dân. Tiền thuế đó có đóng góp rất lớn của những người “tỉnh lẻ” làm việc trên địa bàn Thủ đô.

Hoàng Tuân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang