Thóc đây nhưng bồ câu đừng đến!

author 16:56 30/10/2012

(VietQ.vn) – Dự luật Thủ đô lần này có thể sẽ được thông qua nhưng có thực sự giảm tải nội đô?

Thóc và bồ câu

Chuyện kể rằng, nhà kia có mảnh đất tốt, trồng lúa ra nhiều thóc nên bồ câu khắp nơi hay bay đến kiếm ăn.

Bồ câu đến ăn thóc nhiều quá khiến chủ nhà khó chịu, nghĩ cách "hạn chế bồ câu". Ảnh: internet
Bồ câu đến ăn thóc nhiều quá khiến chủ nhà khó chịu, nghĩ cách "hạn chế bồ câu". Ảnh: internet

Anh em nhà chủ thấy thế bèn nghĩ cách “hạn chế bồ câu đến thường trú” bằng biện pháp lập ra một hàng rào khổng lồ bao quanh ruộng lúa.

Khổ nỗi, hàng rào được lập ra không những không ngăn được bồ câu đến vì loài chim này có thể thu mình chui qua các khe nhỏ của hàng rào mà còn gây khó cho người nhà này khi muốn canh tác trên mảnh ruộng.

Có người cùng làng khuyên rằng, hãy dành một phần thóc của nhà mình để cứu đói các gia đình khác, hãy giúp những người dân nơi khác biết cách canh tác tốt để ruộng của họ cũng ra nhiều thóc…Như thế, bồ câu sẽ không tập trung vào ruộng của gia đình nhà này nữa.

Cơm và người tỉnh lẻ

Dự luật Thủ đô lần này có vẻ suôn sẻ hơn những lần trước, khi đã “qua” được các vòng “sơ tuyển”, để tiến thẳng tới “vòng chung kết” là nghị trường Quốc hội, với gần 500 đại biểu.

Khác với lần trước bị Quốc hội không thông qua, lần này dự Luật Thủ đô có thêm nhiều vị trong danh sách tư vấn, thiết kế, biên soạn…luật.

Báo chí cũng ít đưa các tin trái chiều hơn, mà tập trung vào các tít, kiểu như “Hà Nội cần phải…”, “Thủ đô cần có…”.

Người ta viện dẫn rằng, “bên Tây cũng vậy, bên Tây cũng có luật Thủ đô, cũng hạn chế những người nơi khác muốn nhập cư…”.

Nhưng người ta lại quên không nhắc đến một chi tiết quan trọng: đời sống nông dân “bên Tây” thế nào? Nếu nông dân Việt Nam cũng có nhà lầu, xe hơi, cũng thừa ăn, đủ tiền mua sắm thì liệu nhiều người có muốn chen chân trốn thị thành chật chội với khói bụi, ô nhiễm và kẹt xe?

Chả vậy mà khi đã thành đại gia, nhiều người vẫn thích về quê, hưởng thụ không khí trong lành, chăn gà, nuôi cá…

Nhưng người ta dự kiến chỉ hạn chế nhập cư tại 4 quận nội thành thôi, các quận huyện khác có thể vẫn như cũ” – đã có nhiều người đưa ra như vậy để ủng hộ dự luật này.

Giá như người ta có thể nghĩ thêm một bước nữa là: vì sao 4 quận đó lại được “bồ câu” bay đến nhiều? Vì sao các bệnh viện, trường học trong 4 quận đó không chịu di dời theo chỉ đạo của Chính phủ? Vì sao các bác sĩ, giảng viên đại học đều muốn “níu kéo” nội đô? Vì sao người dân phố cổ khi có dự án di dời thì nhiều người không muốn “sang sông” mà chỉ muốn sống chật chội trong những “ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó”?...

Bài hát và pháo hoa

Đêm Đại lễ 10/10 năm 2010, các ngả đường đến sân Mỹ Đình kẹt cứng. Tắc đường nghiêm trọng chưa bao giờ thấy.

Tắc đường đêm Đại lễ 10/10 năm 2010. Ảnh: internet
Tắc đường đêm Đại lễ 10/10 năm 2010. Ảnh: internet

Nhiều người bảo, dù biết đông nhưng họ vẫn phải đi xem, vì ở quê chả bao giờ có bắn pháo hoa “hoành tráng” như thế, có nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc như vậy.

Bởi thế, thay vì tập trung “siết”, “chặn”… người ta nên quan tâm hơn đến việc phát động các nhạc sĩ sáng tác nhiều bài hát hơn về các vùng quê tỉnh lẻ (số lượng các bài hát về Hà Nội so với số lượng các bài hát về tỉnh lẻ ra sao?), nâng cao đời sống văn hóa các địa phương, đầu tư nhiều hơn vào các vùng ven đô, mạnh tay với các trường, các bệnh viện, nhà máy “ngoan cố” trụ lại nội thành…

Có thế, “bồ câu” sẽ có nhiều “mảnh ruộng” để kiếm ăn hơn, sẽ được thoải mái về mọi mặt để sống ở khắp nơi trên đất nước tươi đẹp này.

Chờ những quyết định đúng đắn

Sáng qua và sáng nay ra phố, thấy công an và dân phòng Thủ đô ra quân dẹp bỏ các chợ cóc, quầy hàng rong bên các vỉa hè. Chả biết có làm thế được bao lâu nhưng chỉ thấy người dân vào chợ phải mua thực phẩm đắt hơn, tốn thời gian gửi xe hơn... 

Rồi mấy ngày nữa, có thể phần đông đại biểu Quốc hội sẽ bấm nút thông qua luật Thủ đô. Có thể sau đó nhiều quan chức nghĩ rằng, họ đi xe hơi ra đường sẽ bớt cảnh ách tắc, sẽ không còn cảnh nhếch nhác kiếm ăn bên đường phố…?

Nhưng chắc chắn, chừng nào “bồ câu” không lo nổi bữa ăn cho bố mẹ và con cái của mình thì chừng đó, những cánh chim bay không mỏi ấy sẽ vẫn tìm đến những "thửa ruộng" màu mỡ, nơi hy vọng sẽ tiếp sức cho gia đình họ, cho dù lúc ấy, những “chiếc rào sắt” đã được giương lên cao hơn, rộng hơn ngày trước...

Hoàng Tuân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang