Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị trạm lặp thông tin di động

author 07:50 03/12/2023

(VietQ.vn) - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư số 16/2023/TT-BTTTT quy định “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị trạm lặp thông tin di động E-UTRA FDD - Phần truy nhập vô tuyến” (kí hiệu: QCVN 111:2023/BTTTT).

Theo đó, Quy chuẩn QCVN 111:2023/BTTTT quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với thiết bị lặp (trạm lặp) thông tin di động E-UTRA FDD hoạt động trong toàn bộ băng tần hoặc một phần băng tần quy định. “Trạm lặp” bao gồm thiết bị tiếp nhận, khuếch đại và truyền sóng từ trạm gốc thông tin di động mặt đất (BTS) đến các khu vực thiết bị điện thoại di động (khu dân cư) và ngược lại.

Quy chuẩn QCVN 111:2023/BTTTT đặt ra các yêu cầu kỹ thuật và phương pháp đo tương ứng, bao gồm: Phát xạ không mong muốn băng tần hoạt động; phát xạ giả; công suất đầu ra cực đại; xuyên điều chế đầu vào; phát xạ bức xạ; …

QCVN 111:2023/BTTTT do Viện Khoa học kỹ thuật Bưu điện biên soạn, Vụ Khoa học và Công nghệ trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.

Ảnh minh họa.

QCVN 111:2023/BTTT áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh các thiết bị thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn này trên lãnh thổ Việt Nam.

Khi đó, các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện quy định về chứng nhận và công bố hợp quy các thiết bị thuộc phạm vi của QCVN 111:2023/BTTTT và chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước theo các quy định hiện hành.

Về việc tổ chức thực hiện QCVN 111:2023/BTTTT: Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện và các Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tổ chức triển khai hướng dẫn và quản lý các thiết bị vô tuyến theo QCVN 111:2023/BTTTT.

QCVN 111:2017/BTTTT được áp dụng thay thế cho Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 111:2017/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị trạm lặp thông tin di động E-UTRA FDD - Phần truy nhập vô tuyến".

Trong trường hợp các quy định tại QCVN 111:2023/BTTTT có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì được thực hiện theo quy định tại văn bản mới.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, các tổ chức và cá nhân có liên quan phản ánh bằng văn bản về Bộ Thông tin và Truyền thông (cụ thể là Vụ Khoa học và Công nghệ) để được hướng dẫn, giải quyết.

Hà My

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang