Quy hoạch TP.Hồ Chí Minh: Cần xác định các khâu đột phá, ngành kinh tế ưu tiên

author 21:16 28/02/2024

(VietQ.vn) - Để đảm bảo quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có chất lượng cao, hiệu quả và khả thi, cần xác định các khâu đột phá, xác định các ngành kinh tế ưu tiên và giải pháp thực hiện để đưa thành phố phát triển.

Sáng 28/2/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo tham vấn đối với dự thảo Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đồng chủ trì hội thảo.

Năng suất lao động thấp hơn bình quân chung của cả nước

Đánh giá về thực trạng phát triển và kết quả thực hiện quy hoạch thời kỳ 2011-2020, Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 nêu rõ, về quy mô kinh tế, GRDP của TP. Hồ Chí Minh đạt 1,62 triệu tỷ đồng vào năm 2023, tương đương 63 tỷ USD; tăng trưởng GRDP đạt 6,41%, trung bình năm trong giai đoạn 2016-2020, xếp thứ 7 cả nước và đạt 5,81%, xếp thứ 26 cả nước vào năm 2023.

Tăng trưởng của TP. Hồ Chí Minh vẫn chủ yếu mở rộng theo chiều ngang, với sự gia tăng yếu tố đầu vào là lao động. Về chất lượng tăng trưởng, đóng góp năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) của TP. Hồ Chí Minh ở mức đạt 35,62% trong giai đoạn 2011-2020, mức này thấp hơn bình quân chung cả nước trong giai đoạn 2011-2015 với 32,3% và giai đoạn 2016-2020 là 45,6%.

Năng suất lao động của TP. Hồ Chí Minh tăng bình quân từ 4%/năm giai đoạn 2011-2015 và 5,1%/ năm giai đoạn 2016-2020. Tính chung cả giai đoạn 2011-2020, năng suất lao động của thành phố tăng 4,5%/ năm, cao hơn bình quân vùng Đông Nam Bộ với 3,9%, nhưng thấp hơn bình quân cả nước với 6,0%.

Ngành công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh được đánh giá còn lạc hậu, dựa nhiều vào các ngành thâm dụng lao động có hàm lượng khoa học công nghệ thấp. 4 phân ngành có đóng góp cao nhất vào ngành công nghiệp năm 2020 là điện tử, chiếm 28%; may mặc và da giày chiếm 25%; chế biến thực phẩm 15%. TP. Hồ Chí Minh vẫn thiếu vắng những điều kiện cơ bản cho phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như: nhân lực, nghiên cứu, khoa học công nghệ và các công ty lớn bản địa, những hệ sinh thái công nghiệp, những chuỗi giá trị đồng bộ.

Lực lượng doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh nhiều nhưng đa số quy mô nhỏ, cụ thể thành phố có 200.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp tư nhân chiếm gần 97% tổng số doanh nghiệp và 65% tổng số lao động. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ nhỏ 3,4% tổng số doanh nghiệp, nhưng tạo ra khoảng 25% số lượng việc làm. Số lượng doanh nghiệp có dưới 5 lao động chiếm tới 2/3 tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Về vấn đề huy động và sử dụng vốn, theo báo cáo tại hội thảo, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thấp hơn mức bình quân cả nước, và đây chính là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ gia tăng năng suất lao động của TP. Hồ Chí Minh có xu hướng thấp hơn với bình quân chung cả nước.

TP. Hồ Chí Minh cũng được đánh giá hạn chế trong thu hút FDI do thiếu mặt bằng sản xuất, trong cơ cấu vốn, FDI chỉ chiếm 13,3%. Vốn của các tổ chức doanh nghiệp trong nước chiếm 52,3%, là nguồn lực đầu tư lớn nhất, tuy nhiên lực lượng doanh nghiệp này phần lớn có quy mô nhỉ, trình độ công nghệ thấp, khó tạo ra tăng trưởng về năng suất lao động chung cho nền kinh tế.

Các đại biểu tập trung cho ý kiến về việc xác định các vấn đề trọng tâm, các khâu đột phá trong thời kỳ quy hoạch. 

Xác định các khâu đột phá trong quy hoạch

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, cửa ngõ kết nối vùng; là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước, là đầu tàu, động lực có sức lan tỏa lớn của vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Đây cũng là thành phố có đóng góp gần 20% GDP cả nước và 25% tổng thu ngân sách.

Tuy nhiên, thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đối mặt với những khó khăn, thách thức, nhiều tiềm năng, thế mạnh của địa phương và các đột phá sáng tạo chưa được khai thác hiệu quả, tăng trưởng kinh tế chưa tương ứng tiềm năng lợi thế, kỳ vọng, vai trò đầu tàu, dẫn dắt đang có xu hướng suy giảm.

“Mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chậm thay đổi, chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động đóng góp vào tăng trưởng thấp hơn trung bình cả nước; tỷ trong công nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm dần; cơ cấu nội bộ của ngành công nghiệp còn lạc hậu, dựa nhiều vào thâm hụt lao động”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, để đảm bảo quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có chất lượng cao, hiệu quả và khả thi, các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung cho ý kiến về việc xác định các vấn đề trọng tâm, các khâu đột phá trong thời kỳ quy hoạch, các vấn đề trọng tâm cần giải quyết.

Bên cạnh đó, xác định lại quan điểm mục tiêu, tầm nhìn trong thời kỳ quy hoạch. Cùng với đó, xác định các ngành kinh tế ưu tiên, giải pháp thực hiện các vấn đề về định hướng phát triển các ngành kinh tế biển, công nghiệp cao, kinh tế xanh, công nghiệp bán dẫn, kinh tế tuần hoàn…

Tại hội nghị, các đại biểu cũng cho ý kiến về việc tổ chức không gian phát triển, hành lang công nghiệp, đô thị, các tiểu vùng, khu vực khuyến khích và hạn chế phát triển cũng như các cực tăng trưởng xanh…

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang