Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cần xác định rõ tiềm năng riêng có, đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng

author 20:14 23/02/2024

(VietQ.vn) - Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cần xác định rõ được những tiềm năng riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội; đặc biệt cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng. Việc phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm; dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế tăng trưởng của vùng và cả nước.

Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 23/2/2024.

Quy hoạch Hà Nội được triển khai công phu, nghiêm túc, tuân thủ các quy định của pháp luật

Đại diện UBND TP Hà Nội cho biết, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội có quy mô, phạm vi nghiên cứu rất rộng, bao quát hầu hết lĩnh vực, được triển khai công phu, bài bản, nghiêm túc, tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch.

Trong quá trình triển khai lập quy hoạch, Thành phố Hà Nội đã tổ chức xin ý kiến 21 Bộ, cơ quan Trung ương; 15 tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng; các chuyên gia, nhà khoa học và xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư thông qua website của cơ quan lập quy hoạch.

Phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế và kết quả đã đạt được trong phát triển thời gian qua, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá, đó là:

Quy hoạch đề xuất mục tiêu phát triển thành phố là Thủ đô văn hiến – văn mình - hiện đại; là trung tâm kinh tế - tài chính lớn của đất nước; là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt và lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Quy hoạch đã xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm: Văn hóa và di sản; Phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; Hạ tầng đồng bộ, giao thông văn minh, hiện đại; Xã hội số, đô thị thông minh, kinh tế số; Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo và 04 khâu đột phá chiến lược bao gồm: Tạo lập thể chế quản trị vượt trội; Phát triển hệ thống hạ tầng kết nối, đồng bộ, đặc biệt là đường sắt đô thị; Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; Phát triển đô thị, cải tạo môi trường và cảnh quan.

Với các trụ cột phát triển và khâu đột phá chiến lược trên, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đề xuất phát triển theo hướng thông minh và kinh tế số; chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ. Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm cơ sở dữ liệu lớn, hoạt động xã hội được vận hành và quản lý trên nền tảng số, điều hành thông minh.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cũng xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng như định hướng trở thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học; phát triển sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao; phát triển dịch vụ và kinh tế đô thị là trụ cột kinh tế...

Tổ chức không gian phát triển Thủ đô Hà Nội với 5 trục động lực trong đó trục sông Hồng là trục động lực chính. Khai thác hiệu quả 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế; Tổ chức hài hòa, khai thác hợp lý 5 không gian phát triển và phát triển mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô gồm: 1 đô thị trung tâm và 4 thành phố thuộc Thủ đô.

Phát triển hạ tầng giao thông kết nối 4 phương thức vận tải bao gồm hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia kết nối liên vùng và quốc tế, đường thủy nội địa với vận tải biển; đường vành đai 4 và 5 kết nối vùng. Tập trung phát triển hệ thống đường sắt đô thị đủ khả năng thay thế phương tiện giao thông cá nhân và kết nối trung tâm Thủ đô với các trung tâm đô thị trong vùng Thủ đô.

Quy hoạch cũng xác định, phát triển công nghiệp văn hóa kết hợp với dịch vụ du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc sắc của Thủ đô...

Phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn cả nước về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục và giao dịch quốc tế, là một động lực phát triển quan trọng đối với sự phát triển của vùng ĐBSH và cả nước; là thành phố đông dân thứ hai cả nước với cơ cấu dân số trẻ có chất lượng cao.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cần xác định rõ tiềm năng riêng có, đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng

Bên cạnh những lợi thế, kết quả đạt được, thành phố vẫn còn một số khó khăn, thách thức và “điểm nghẽn” cần giải quyết. Do đó, để giúp thành phố Hà Nội có bản quy hoạch có chất lượng cao nhất, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên, ủy viên phản biện Hội đồng thẩm định tập trung vào các yếu tố chính:

Một là, căn cứ theo quy định tại Điều 32 của Luật Quy hoạch về nội dung thẩm định quy hoạch, đề nghị cho ý kiến về sự phù hợp của nội dung quy hoạch với quy định tại Điều 20, Điều 21 và Điều 27 Luật Quy hoạch, đặc biệt là về các vấn đề như: vị thế, vai trò của Hà Nội đối với vùng, quốc gia, thế giới; xác định các vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết, các khâu đột phá phát triển, cơ cấu lại mô hình tăng trưởng.

Hai là, cho ý kiến đối với kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch; cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo thẩm định do Cơ quan thường trực Hội đồng chuẩn bị và gửi xin ý kiến tại phiên họp này.

Ba là, cho ý kiến về quan điểm, mục tiêu và kịch bản phát triển của Thủ đô trong thời kỳ quy hoạch.

Bốn là, cho ý kiến về việc xác định các ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên và định hướng, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực đó. Việc phát triển kinh tế không cần phải tập trung vào nhiều ngành mà tập trung vào một số ngành có yếu tố nổi trội, lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế. Ví dụ: Bắc Kinh (Trung Quốc) tập trung phát triển tài chính, văn hoá, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); Băng Cốc (Thái Lan) tập trung vào thế mạnh của họ là thương mại, du lịch và y tế…

Hà Nội có tập trung vào các ngành sản xuất chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đang là xu thế của thế giới và đang có tiềm năng của Hà Nội. Hay là các vấn đề định hướng phát triển các ngành kinh tế công nghiệp xanh, kinh tế số, công nghiệp văn hóa, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đô thị... cũng là thế mạnh, lợi thế của Hà Nội.

Năm là, cho ý kiến về định hướng tổ chức không gian phát triển của Thủ đô. Xem xét, cho ý kiến về: 5 trục động lực phát triển, đặc biệt là trục sông Hồng với định hướng dịch chuyển các cơ quan hành chính của Hà Nội sang phía bắc sông Hồng; vấn đề liên quan đến không gian cho các cơ quan Trung ương, ngoại giao quốc tế đặt tại Thủ đô.

Vấn đề về phát triển mạnh hơn nữa sản xuất công nghiệp tại khu vực thuộc Hà Tây cũ, tạo điều kiện đẩy nhanh đô thị hóa tại khu vực này, giảm sức ép cho khu vực các quận nội thành hiện hữu.

Cho ý kiến đối với 2 kịch bản về tổ chức và phát triển không gian: Kịch bản 1, cấu trúc không gian hệ thống đô thị được dựa trên mô hình chùm đô thị đơn tâm; Kịch bản 2, cấu trúc không gian hệ thống đô thị dựa trên mô hình hệ thống đô thị đa tâm, trong đó ngoài đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, có thể hình thành 1 đô thị mới, đối trọng, song hành phía Bắc sông Hồng, gồm các huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh.

Sáu là, cho ý kiến về định phát triển hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô. Vấn đề phát triển, sử dụng hiệu quả không gian ngầm, hạ tầng giao thông để giải quyết các vấn đề về ùn tắc giao thông trong đô thị.

Bảy là, cho ý kiến về định hướng, giải pháp về phát triển văn hóa – xã hội; giải quyết điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực. Bộ trưởng đặt câu hỏi: Tại sao với lợi thế là trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao vượt trội so với cả nước nhưng khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của Hà Nội chưa tối ưu (chưa có các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đặt các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội, cũng như chưa xác định Hà Nội là Trung tâm phát triển và cung ứng sản phẩm ra thế giới).

Tám là, cho ý kiến về giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch, trong đó lưu ý về danh mục dự án ưu tiên đầu tư trong thời kỳ quy hoạch.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, sau khi đã thảo luận, cho ý kiến đề nghị các thành viên, ủy viên phản biện Hội đồng thẩm định xem xét, biểu quyết vào phiếu đánh giá đối với: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội; Kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch và Dự thảo Báo cáo thẩm định để tổng hợp, công bố tại phiên họp của Hội đồng.

“Muốn phát triển vững mạnh, Thành phố Hà Nội cần xác định rõ được những tiềm năng riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội; đặc biệt trong bản quy hoạch lần này cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng. Phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm; dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế và tương xứng với vị trí, cực tăng trưởng phát triển của vùng và cả nước" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Được biết, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang