Quý I, xuất khẩu từ khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao
Quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói - giải pháp tăng kim ngạch xuất khẩu
Tích cực triển khai ứng dụng số - giải pháp hiệu quả hỗ trợ tiêu thụ nông sản
Theo Bộ Công Thương, quý 1 năm 2022, cả nước vẫn phải tiếp tục cuộc chiến với đại dịch Covid-19, cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina đã tạo nên những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng và tạo áp lực lạm phát mạnh hơn. Giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu (giá dầu, khí đốt, giá lương thực) và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (than, gỗ, phân bón, titan, nhôm…) tiếp tục tăng cao đã ảnh hưởng đến phát triển một số ngành sản xuất công nghiệp.
Mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine… nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2022 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,37% so với cùng kỳ năm trước; trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9%; nhập khẩu hàng hóa đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9%; cán cân thương mại hàng hóa quý I/2022, ước xuất siêu 809 triệu USD. Cụ thể:
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2021 hồi phục mạnh mẽ, đạt 34,06 tỷ USD, tăng 45,5% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tăng cả về lượng và giá ở nhiều nhóm hàng, đặc biệt ở một số nhóm mặt hàng như: nông sản, dầu thô, xăng dầu, phân bón, chất dẻo…
Tính chung quý I/2022, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 88,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao (tăng 22%) hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 10%), điều này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp.
Trong quý I/2022 có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 5 mặt hàng so với quý I/2021, chiếm 83,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,9%).
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 25,57 tỷ USD, chiếm 28,87% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 13,7 tỷ USD, tăng 9,2%; thị trường EU đạt 11,21 tỷ USD, tăng 16,3%; thị trường ASEAN đạt 8,1 tỷ USD, tăng 19,9%; Hàn Quốc đạt 6,26 tỷ USD, tăng 21%; Nhật Bản đạt 5,4 tỷ USD, tăng 10,6%.
Về nhập khẩu hàng hóa, tính chung quý I/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 88,7% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2022 là nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước với kim ngạch đạt 77,88 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhìn chung, nhập khẩu tăng do các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu để đẩy mạnh phục hồi sản xuất và do giá nhiều nguyên vật liệu tăng cao cũng là yếu tố khiến kim ngạch nhập khẩu tăng. Như vậy, trong quý I/2022, cả nước xuất siêu 809 triệu USD.
Lê Kim Liên