Quyền lợi khám chữa bệnh BHYT của người dân ngày càng toàn diện

author 06:23 28/11/2019

(VietQ.vn) - Là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trong nhất, BHYT đã thể hiện được vai trò của mình khi quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT của người dân ngày càng được mở rộng và tương đối toàn diện.

Quyền lợi BHYT tương đối toàn diện

Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách xã hội quan trọng hàng đầu, mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng, luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. 10 năm qua, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng từ 45% (năm 2009) lên 89,6% (tháng 6/2019) vượt chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao là 88,1%. Trong đó người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT. Hiện chỉ còn hơn 10% dân số (khoảng 10 triệu người) chưa có BHYT, thuộc nhóm tham gia theo hộ gia đình, làm nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình, người lao động trong doanh nghiệp tư nhân và sinh viên.

Theo ông Phan Văn Toàn - Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) lý do tỷ lệ tham gia BHYT gia tăng nhanh, vượt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao có liên quan đến chính sách và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tuyên truyền vận động có hiệu quả, chất lượng khám chữa bệnh BHYT, sự hài lòng của người bệnh ngày càng tăng, người dân đã tin tưởng vào chính sách BHYT... Về quyền lợi của người tham gia BHYT, do người tham gia BHYT thuộc các nhóm đối tượng khác nhau có các mức hưởng BHYT khác nhau: Người nghèo, đối tượng ưu đãi xã hội, trẻ em được hưởng 100%; người cận nghèo, người nghỉ hưu hưởng mức 95%, và người lao động hưởng 80%.

Ngành y tế đang tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT với hàng loạt biện pháp đổi mới. Ảnh: Ngọc Xen. 

Quyền lợi BHYT (thuốc, vật tư y tế, kỹ thuật y tế...) được xác định trên cơ sở mức đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia BHYT, sự thay đổi về mô hình bệnh tật, sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế, khả năng cân đối quỹ BHYT và khả năng chi trả của người tham gia, nhất là hướng tới mục tiêu giảm chi tiền túi từ hộ gia đình cho chi tiêu y tế.

Nhìn chung, quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT tương đối toàn diện và ngày càng được mở rộng. Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được sử dụng theo năng lực chuyên môn, tuyến chuyên môn kỹ thuật, vừa để đảm bảo quyền lợi của người có thẻ khi đến cơ sở y tế, vừa là yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của cơ sở y tế.

Cùng với việc mở rộng số lượng người tham gia BHYT, ngành y tế cũng tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT với hàng loạt biện pháp đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh như: Lấy người bệnh làm trung tâm; đổi mới về quản lý, cách làm và phương pháp kiểm tra, đánh giá bệnh viện hàng năm; triển khai các đề án giảm tải, bác sĩ gia đình. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, quản lý BHYT để giảm thủ tục, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, thực hiện công khai, minh bạch các khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả.

Mức chi trả lên tới 100%

Bên cạnh đó, căn cứ quy định tại Khoản 3, Điều 22 Luật BHYT, trường hợp người tham gia tự đi khám chữa bệnh (có xuất trình đầy đủ thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh) thì được quỹ BHYT thanh toán như sau: 100% chi phí khi đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện; 60% chi phí khi đi khám, chữa bệnh nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh; 40% chi phí khi đi khám, chữa bệnh nội trú tại các bệnh viện tuyến Trung ương.

Trường hợp tự đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh khác mà không có giấy chuyển tuyến, có xuất trình đầy đủ thủ tục thì vẫn được hưởng quyền lợi BHYT theo các mức ngay tại bệnh viện.

 

Với trường hợp người dân tự đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh khác mà không có giấy chuyển tuyến, có xuất trình đầy đủ thủ tục thì vẫn được hưởng quyền lợi BHYT theo các mức nêu trên ngay tại bệnh viện.

Căn cứ quy định tại Điều 30 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ, khi người dân có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tỉnh đang cư trú nhưng đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh khác thì cần mang toàn bộ chứng từ khám chữa bệnh đến cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú để được thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT, mức thanh toán như sau: Khám chữa bệnh nội trú: Tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện; Khám chữa bệnh ngoại trú: Tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám, chữa bệnh.

Bảo hiểm y tế: Chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc(VietQ.vn) - Bảo hiểm y tế là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, vì mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Phương Nam

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang