Rau quả nhập khẩu vào Trung Quốc cần đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng gì?

author 10:33 10/03/2022

(VietQ.vn) - Để xuất khẩu được rau quả vào thị trường Trung Quốc, người sản xuất phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng được Chính phủ Trung Quốc quy định.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam với giá trị đạt 4,97 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu. Các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc là rau quả, cao su, sắn (khoai mì), gạo, thủy sản...

Xoài là loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Ảnh minh họa

Có thể nói, từ nhiều năm nay, Trung Quốc được xem là thị trường tiêu thụ lớn các mặt hàng nông lâm thủy sản của nước ta. Tuy nhiên hiện nay, Chính phủ Trung Quốc ngày càng siết chặt những quy định quản lý nhập khẩu hàng hóa và chủ trương tiến hành thương mại chất lượng cao; đồng thời không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đăng ký và kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói,... Vì vậy, để xuất khẩu được rau quả vào thị trường Trung Quốc, người sản xuất phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng được Chính phủ Trung Quốc quy định.

Trong cuốn Cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu rau quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương nêu rõ, đối với các sản phẩm rau quả nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc cần có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật; đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn an toàn và chất lượng sản phẩm theo luật pháp của Trung Quốc.

 
Đến nay, Việt Nam có 11 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm: Xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, măng cụt, chanh dây và sầu riêng.
 

Một sản phẩm nếu được cấp Giấy chứng nhận chất lượng sẽ được dán nhãn an toàn sản phẩm. Mọi hàng hóa lưu thông trên thị trường Trung Quốc đều phải có nhãn mác kèm theo các thông tin liên quan bằng tiếng Trung Quốc. Trung Quốc yêu cầu hàng thực phẩm nhập khẩu như: kẹo, rượu, quả hạch, thực phẩm đóng hộp và pho mát,... phải được dán tem và chứng nhận an toàn sản phẩm trước khi cho xuất khẩu và nhập khẩu. Nhà nhập khẩu phải chịu phí dán nhãn có hình và nhãn dính có hình chỉ được đính vào sản phẩm khi có sự đồng ý của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Để xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc, các nhà sản xuất và xuất khẩu phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Những lô hàng từ vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không đăng ký mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và không được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) chấp nhận sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc.

Trong trường hợp phát hiện đối tượng kiểm dịch mà Trung Quốc quan tâm, lô hàng sẽ bị từ chối nhập khẩu, tiêu hủy hoặc áp dụng biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật. Đồng thời, GACC sẽ thông báo ngay cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và có thể sẽ áp dụng biện pháp tạm dừng nhập khẩu từ vùng trồng (hoặc doanh nghiệp) đó vào Trung Quốc, hoặc thậm chí tạm dừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu mặt hàng đó từ Việt Nam, tùy theo tình hình.

Trong trường hợp dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất độc hại khác vượt tiêu chuẩn về an toàn và y tế của Trung Quốc, lô hàng sẽ bị từ chối hoặc tiêu hủy. GACC cũng thông báo ngay cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và có thể sẽ áp dụng biệp pháp tạm dừng nhập khẩu từ vùng trồng (hoặc doanh nghiệp) đó vào Trung Quốc, hoặc thậm chí tạm dừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu mặt hàng đó từ Việt Nam, tùy theo tình hình.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang