Sách văn học nước ngoài bán chạy hơn trong nước

author 10:11 08/06/2012

(VietQ.vn) - “Trong mảng văn học dành cho thiếu nhi, sách dịch bán chạy hơn so với sách của các tác giả trong nước”. Đó là nhận định của các nhà văn, đại diện các nhà xuất bản và giới nghiên cứu văn học tại cuộc tọa đàm “viết văn cho thiếu nhi” tổ chức ngày 7/6 tại Hà Nội.

Theo nhận định của các nhà văn, sách văn học dành cho thiếu nhi trong nước không bán chạy bằng sách của nước ngoài. Ảnh: Phương Quốc

Mảng văn học dịch chiếm ưu thế không chỉ đối với các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi mà thực sự đã trở thành hiện tượng chung của sách văn học tại Việt Nam. Theo nhà văn Phong Điệp - Báo Văn Nghệ Trẻ, nguyên nhân của hiện tượng này là bản thân sách dành cho thiếu nhi chưa đủ hấp dẫn đối với độc giả nhỏ tuổi. Mảng văn học trong nước tuy được quan tâm nhiều hơn, nhưng chúng ta đang thiếu những tác phẩm có tiếng vang

Trước hết phải thấy rằng sách ngoại được làm rất đẹp mắt và tỷ lệ sách hay cao. Vì sao sách hay nhiều? Bởi vì khi nhà xuất bản chọn dịch tại Việt Nam, họ đã phải nghiên cứu và chọn lọc. Không phải sách nào viết cho thiếu nhi trên thế giới cũng được chọn dịch tại Việt Nam. Thế còn ở Việt Nam, việc xuất bản sách là câu chuyện giữa nhà xuất bản và người sáng tác. Giữa rất nhiều tác giả ra sách mới thì cần phải có thời gian để độc giả đánh giá xem giữa hàng trăm nghìn đầu sách thì đầu sách nào là hay.

Có một thực tế là: nhiều tác giả thành danh viết cho thiếu nhi nay đã ở tuổi “xế chiều”. Cũng có khá nhiều nhà thơ chuyển sang viết văn xuôi, hay viết truyện cho người lớn. Một năm cả nước ta có 700 tập thơ được xuất bản thì chỉ có 5-7 tập thơ dành cho thiếu nhi. Trong khi đó, một số tờ báo chỉ để ý đến lợi ích của một bộ phận trong xã hội mà quên đi vai trò định hướng giá trị thẩm mỹ, giá trị nội dung cho các em thông qua những cuốn sách hay.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thụy Anh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” khẳng định: nhà văn khi viết cho thiếu nhi, thứ nhất phải đối diện với nhiều thách thức, thứ hai là có trách nhiệm và thứ ba, trách nhiệm ấy trở thành một sứ mạng. Bởi chúng ta đang viết cho một thế hệ trẻ, để khi lớn lên các em vẫn nhớ những cuốn sách đó. Như nhà thơ Bằng Việt đã nói: “Những trang sách đi suốt đời vẫn nhớ - Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu”. Điều này không phải nhà văn nào viết cho trẻ em cũng làm được. Đó là lý do khiến cho bây giờ ít nhà văn, ít tác phẩm viết cho thiếu nhi.

Trong hơn 80 triệu dân, hàng năm số lượng sách tâm huyết của các nhà văn trong nước được xuất bản chỉ đạt 1.000 đến 2.000 bản. Ở rất nhiều vùng quê, miền núi hay hải đảo, trẻ em đang “đói sách”. Văn học dành cho trẻ em đang là vấn đề lớn, cần cả xã hội quan tâm và tìm hướng đi đúng để phát triển.

Phương Quốc
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang