Sản phẩm nghêu Việt Nam thu hút lượng tiêu thụ cao tại thị trường quốc tế

author 09:06 13/10/2024

(VietQ.vn) - Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ nghêu, sò trên thế giới gia tăng đang tạo động lực cho ngành xuất khẩu sản phẩm này. Do đó, dự kiến xuất khẩu nghêu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng cho tới cuối năm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, tính riêng trong tháng 8/2024, xuất khẩu nghêu của Việt Nam đã đạt gần 10 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023. Tính lũy kế 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm đạt hơn 65 triệu USD, tăng 19%.

Việt Nam đang có trên 41.500ha nuôi nhuyễn thể (chủ yếu là nhuyễn thể có vỏ) với sản lượng khoảng 265.000 tấn/năm, trong đó nghêu đạt 179.000 tấn một năm. Chuỗi giá trị ngành hàng này đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng, đặc biệt là mặt hàng nghêu.

Từ năm 2020 đến nay, các vùng nuôi nghêu của Việt Nam (tại các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Trà Vinh) lần lượt chiếm các vị trí số 1 - 2 - 3 trên thế giới đạt được chứng nhận quốc tế ASC cho sản phẩm nghêu. Đây là xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động.

 Ảnh minh họa.

ASC là tên viết tắt của Aquaculture Stewardship Council – Hội đông Quản lý Nuôi trồng Thủy sản được thiết lập bởi WWF (Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên) và IDH (Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững) vào năm 2010 nhằm quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thuỷ sản có trách nhiệm. ASC xây dựng bộ tiêu chuẩn chứng nhận dựa trên bốn nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm. Chứng nhận ASC gồm 9 bộ tiêu chuẩn cho 15 loài, bao gồm tôm, cá hồi, cá hồi chấm, cá rô phi, bộ cá da trơn, nghêu và một tiêu chuẩn ASC-MSC chung cho rong biển.

Để một sản phẩm mang nhãn sinh thái ASC, tất cả công ty trong chuỗi cung ứng bao gồm: bộ xử lý, thương nhân, nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ… phải được chứng nhận Chuỗi sản phẩm ASC. Chứng nhận cho Chuỗi sản phẩm ASC cho phép các đơn vị thủy sản chứng minh rằng các sản phẩm của họ có thể nhận dạng được, tách biệt với các sản phẩm không được chứng nhận và có thể truy nguyên nguồn gốc từ các nguồn được chứng nhận ASC.

Hiện tại EU đang là thị trường nhập khẩu nhiều nhất nhóm sản phẩm nghêu của Việt Nam. Trong đó, Tây Ban Nha và Italy là 2 thị trường nhập khẩu nhiều nhất trong khối thị trường này và cũng là 2 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều nhất của Việt Nam, với tỷ trọng lần lượt là 26% và 21%. Hiện xuất khẩu sang 2 thị trường này đều đang cao hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Italy đang không ổn định và có xu hướng giảm trong tháng 8.

Trung Quốc, thị trường nhập khẩu nghêu lớn thứ 3 của Việt Nam cũng đang tăng mạnh nhập khẩu. Xuất khẩu nghêu của Việt Nam sang thị trường này liên tục tăng phi mã ở mức 3 con số trong những tháng qua. Tính đến hết tháng 8/2024, xuất khẩu nghêu sang Trung Quốc đạt gần 11 triệu USD, tăng 215% so với cùng kỳ.

Theo các doanh nghiệp, nhu cầu tiêu thụ nghêu, sò trên thế giới gia tăng đang tạo động lực cho ngành xuất khẩu sản phẩm này. Do đó, dự kiến xuất khẩu nghêu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng cho tới cuối năm.

Tiêu chuẩn 28TCN118:1998 quy định về sản phẩm thuỷ sản đông lạnh - thịt nghêu luộc

Ðối tượng và phạm vi áp dụng: Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh cho sản phẩm thịt nghêu (Meretrix lyrata) luộc đông lạnh. Thêm vào đó, tiêu chuẩn áp dụng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thịt nghêu luộc đông lạnh.

Yêu cầu về nguyên liệu: Nghêu dùng để làm nguyên liệu, phải còn sống và được khai thác từ các vùng nước đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Yêu cầu kỹ thuật: Chỉ tiêu cảm quan của sản phẩm phải theo đúng các yêu cầu quy định trong Bảng 1.

 Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang