Đính chính thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

(VietQ.vn) - Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã đưa ra thông báo đính chính thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Tăng trưởng xuất khẩu cao nguy cơ một số sản phẩm bị điều tra phòng vệ thương mại tại thị trường Anh
Doanh nghiệp cần lưu ý hai vụ phòng vệ thương mại từ Canada và Thái Lan
Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại từ thị trường châu Á, châu Phi, châu Đại dương
Theo đó, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, căn cứ khoản 5 Điều 1 Thông tư số 42/2023/TT-BCT ngày 28/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại đã ban hành Thông báo số 128/TB-PVTM ngày 11/9/2024 về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Việc xây dựng Thông tư 42/2023/TT-BCT nhằm kế thừa những quy định còn phù hợp, tiên tiến và áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn của Thông tư 37/2019/TT-BCT, bảo đảm đáp ứng yêu cầu trong công tác miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM và khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Thông tư 37/2019/TT-BCT.

Ảnh minh họa
Căn cứ khoản 3 Điều 16 Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại đề nghị các doanh nghiệp gửi Hồ sơ đề nghị miễn trừ trước ngày 15/10/2024.
Đối với các nội dung khác, đề nghị các doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn trong Thông báo số 128/TB-PVTM ngày 11/9/2024.
Đến hết tháng 9 năm 2024, Việt Nam đã tiến hành 30 cuộc điều tra phòng vệ thương mại và đang duy trì áp dụng 22 biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu. Tổng doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước tham gia các vụ việc phòng vệ thương mại ước đạt 475 nghìn tỷ đồng. Số lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp khoảng trên 36.000 người. Thu ngân sách hàng năm từ thuế phòng vệ thương mại đạt từ 1.200 đến 1.500 tỷ đồng.
Đối với các ngành hàng xuất khẩu, việc xử lý một cách thỏa đáng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đã giúp các doanh nghiệp tận dụng và giữ vững được những kết quả do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đem lại. Cho đến nay, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 263 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường. Trong đó, đứng đầu là các vụ việc điều tra chống bán phá giá (144 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (53 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (38 vụ việc) và chống trợ cấp (28 vụ việc).
Tuy số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng lên nhưng nhờ có sự chủ động của các doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan liên quan, nhiều vụ việc đã đạt được kết quả tương đối tích cực như doanh nghiệp không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, từ đó tiếp tục giữ được thị trường xuất khẩu.
Khánh Mai