Sản phẩm thương hiệu Home Care quảng cáo điều trị bệnh về da là vi phạm pháp luật?

author 07:25 05/05/2023

(VietQ.vn) - Sản phẩm mang thương hiệu Home Care trực thuộc Công ty TNHH chăm sóc mẹ và bé tại nhà Home Care (địa chỉ: A28, Ngách 3/10, Liên Cơ, Cầu Diễn, Q.Nam Từ Liên, Hà Nội) quảng cáo có công dụng như thuốc điều trị bệnh về da cho phụ nữ đang mang thai và sau sinh là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng?

Làm đẹp là nhu cầu thiết yếu của không ít phụ nữ, kể cả khi mang bầu hay sau sinh. Nắm bắt thị yếu này, nhiều hãng mỹ phẩm đã cho ra mắt những sản phẩm làm đẹp, “loan tin” sử dụng được cho cả phụ nữ đang mang bầu. Thế nhưng, trên thị trường, không phải sản phẩm nào cũng tốt, không ít sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu lẫn thai nhi.

Thời gian qua, Chất lượng Việt Nam (VietQ) ghi nhận phản ánh của bạn đọc về sản phẩm mang thương hiệu Home Care là mỹ phẩm nhưng quảng cáo có công dụng như thuốc điều trị các bệnh về da cho phụ nữ đang mang thai và sau sinh.

Cụ thể, tại wwebsite https://spasausinh.vn/, sản phẩm “Cao Đinh Hương” được giới thiệu thành phần 100% từ thiên nhiên như đinh hương, nghệ và một số dưỡng chất tự nhiên nhưng lại được quảng cáo, ghi nhãn bao bì có công dụng như thuốc điều trị nám, tàn nhang, thúc đẩy tuần hoàn máu dưới da sản sinh các sợi collagen giúp da đàn hồi tốt hơn... Hiện sản phẩm này được bán với giá 350 nghìn đồng/1 lọ 30ml.

Sản phẩm thương hiệu Home Care quảng cáo sai công dụng, người tiêu dùng cần cảnh giác?

Hay “Cao Ngải Cứu” dù chỉ được được cấp phép là mỹ phẩm nhưng tổ chức kinh doanh lại “thay tên đổi họ” thành “Cao ngải cứu trị nhăn” khiến người tiêu dùng lầm tưởng sản phẩm này có công dụng điều trị.

Tiếp theo là “Tinh chất trị dạn” cũng được giới thiệu thành phần chủ yếu từ tinh dầu mè, olive, vitamin E và một số dưỡng chất khác... nhưng lại đang được tung hô, ghi chú sai công dụng là sản phẩm trị dạn. Loại tinh chất này được bán với giá 250 nghìn đồng/1 lọ.

Với các dòng sản phẩm như trên, tổ chức kinh doanh Home Care đều cam kết chất lượng sản phẩm, độ an toàn cho mẹ bầu và sau sinh.

 Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng sản phẩm thương hiệu Home Care 

Theo thông tư 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm, cùng hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm, những từ dùng cho quảng cáo như: Săn chắc cơ thể; Trị mụn, điều trị, chữa khỏi, làm lành mụn; Giảm/ kiểm soát sự sưng tấy phù nề; Loại bỏ/ giảm mỡ/ giảm béo; Diệt nấm; Diệt virus; Kích thích… không được chấp nhận dùng trong quảng cáo mỹ phẩm.

Nội dụng quản lý quảng cáo mỹ phẩm quy định: “Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người hoặc răng, niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm..., điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt”.

Quy định pháp luật là thế nhưng qua những lời giới thiệu “thần thánh” của đơn vị kinh doanh, sản phẩm mỹ phẩm mang thương hiệu Home Care có khả năng điều trị như thuốc chữa bệnh, đặc biệt hơn, đối tượng lại là phụ nữ đang mang thai càng cần có những tiêu chuẩn khắt khe và nghiêm ngặt hơn.

Việc hô biến mỹ phẩm mang thương hiệu Home Care có công dụng như "thuốc" không phải mới, vốn là “chiêu” trong kinh doanh của những tổ chức thiếu uy tín trên thị trường nhiều năm nay. Đặc biệt, trong quảng cáo, đơn vị kinh doanh đều giới thiệu sản phẩm của Home Care được chứng nhận bởi Sở Y tế, nhưng với những dấu hiệu vi phạm nêu trên thì cơ quan nào cấp phép là điều trị, trị hay do Home Care tự cấp phép, bỏ qua quy định pháp luật. Vì vậy, cơ quan chức năng cần sớm nắm bắt để xử lý nghiêm sai phạm của tổ chức kinh doanh Home Care.

Theo quảng cáo, Home Care là đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc bà bầu, chăm sóc sau sinh, thông tắc tia sữa, tắm bé tại nhà cao cấp số 1 tại Việt Nam. Đơn vị này có mã số doanh nghiệp: 0107375668 do Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/03/2016.

Theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thì việc quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo hai trường hợp sau đây: 

Khoản 5 Điều 51: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này.

Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này.

NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang