Sàn thương mại điện tử phải báo cáo số liệu thống kê về tình hình hoạt động

author 14:38 15/10/2021

(VietQ.vn) - Các sàn thương mại điện tử phải báo cáo số liệu thống kê về tình hình hoạt động của năm trước tới Bộ Công Thương và đăng tải công khai nhiều thông tin về cơ chế giải quyết tranh chấp, khiếu nại.

Đây là một trong những nội dung mới đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý website thương mại điện tử (TMĐT) và quản lý hoạt động TMĐT qua ứng dụng trên thiết bị di động.

Bộ Công Thương điều chỉnh một số quy định trong việc thông báo, đăng ký website cũng như làm rõ cơ chế giải quyết tranh chấp, khiếu nại hay các chính sách về an toàn, an ninh trong giao dịch TMĐT. Quy định này áp dụng với cả các sàn TMĐT nước ngoài.

Cụ thể, tại hồ sơ đăng ký website TMĐT, các tổ chức, cá nhân phải có đề án mô tả đầy đủ mô hình tổ chức hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT. Trong đó có cách thức cung cấp dịch vụ; nguồn thu và cơ chế thu phí thành viên; Phân định trách nhiệm giữa thương nhân/tổ chức và đối tác (người bán, nhà cung cấp…) trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ giao dịch thực hiện trên website/ứng dụng với khách hàng.

Các cá nhân, tổ chức thiết lập website cung cấp dịch vụ TMĐT cũng phải báo cáo Bộ Công Thương số liệu thống kê về tình hình hoạt động của năm trước đó bằng phương thức trực tuyến, thông qua Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT hoặc dưới hình thức văn bản.

Trên website, các sàn TMĐT cũng phải đăng tải công khai các quy chế hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Cụ thể như các giới hạn trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; quy định về an toàn thông tin, quản lý thông tin trong hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; Chính sách về an toàn, an ninh trong giao dịch TMĐT.

 Các sàn thương mại điện tử phải báo cáo số liệu thống kê về tình hình hoạt động của năm trước tới Bộ Công Thương. Ảnh minh họa

Ngoài ra, cần đăng tải công khai các cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các bên liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; Biện pháp xử lý với các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trên website, hay các biện pháp xử lý vi phạm đối với những người không tuân thủ quy chế hoạt động.

Liên quan tới vấn đề trên, theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, TMĐT toàn cầu cuối năm 2021 vượt mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu thống kê về hoạt động giao nhận hàng hóa khi thế giới trải qua đỉnh dịch Covid-19 năm 2020, Retail Gazette đưa ra dự đoán thương mại điện tử ba tháng cuối năm 2021 sẽ tăng trưởng ít nhất 10,7%. Đây được xem là đỉnh cao kỷ lục mới của ngành cũng như tín hiệu tích cực cho các nhà bán lẻ.

Theo đó, chính sự tăng trưởng mạnh mẽ này sẽ gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng và mạng lưới kho vận trên toàn cầu. Các doanh nghiệp logistics vẫn đang chịu sức ép từ cuộc khủng hoảng Covid-19 suốt từ năm ngoái đến nay. Người tiêu dùng, nhà bán lẫn các sàn thương mại điện tử đã phải đối mặt tình trạng trì hoãn, hoàn trả, hủy đơn.

Trong năm 2020, 81% người tiêu dùng có trải nghiệm giao hàng không tốt, tăng gấp 5 lần so với năm trước. Cuộc khảo sát do Retail Gazette thực hiện cũng cho thấy 1/3 người đổi sang sàn thương mại điện tử khác sau trải nghiệm giao hàng tiêu cực.

Bảo An (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang