Chỗ đứng nào cho hàng hoá nội địa trên sàn thương mại điện tử?

author 10:16 05/10/2021

(VietQ.vn) - Các mặt hàng nội địa trong nước hiện đang có chiều hướng lép vế hơn trên sàn thương mại điện tử.

Dựa trên kết quả thống kê của Iprice, trong top 1.200 mặt hàng được tìm mua nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử, sản phẩm mang thương hiệu Việt chỉ chiếm trung bình 17% trong năm 2020 và nửa đầu 2021. Trong khi đó, có đến 83% sản phẩm được quan tâm nhất là hàng ngoại nhập.

Theo đó, con số này còn có dấu hiệu suy giảm từ 2020 sang 2021. Tỷ lệ hàng Việt trong top 1.200 bán chạy chỉ chiếm 20% trong thời điểm dịch năm 2020. Tỷ lệ riêng trên các sàn lần lượt là Sendo (25%), theo sau là Tiki (23%), Lazada Việt Nam (18%) và Shopee Việt Nam (13%).

Thực tế cho thấy, nửa đầu năm 2021, các mặt hàng trong nước chỉ còn chiếm 14% trong top bán chạy. Dẫn đầu tiếp tục là Tiki (21%) và Sendo (16%).

Việc hai sàn nội Sendo và Tiki xếp cao nhất về lượng hàng Việt trong các sản phẩm bán chạy phần nào cho thấy tính phù hợp cao và sự hỗ trợ tích cực của hai sàn này cho các doanh nghiệp Việt, báo cáo đánh giá.

 Thống kê tiêu thụ các mặt hàng nội địa Việt Nam trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Iprice

Tiki là sàn duy nhất trong bốn sàn bắt buộc tất cả người bán phải có giấy phép đăng ký kinh doanh. Quy định này phần nào giảm lượng nhà bán chuyên nhập hàng ngoại về bán lại, và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nội.

Đáng chú ý, Sendo ghi dấu ấn trong năm 2021 với các chương trình gian hàng Việt phối hợp cùng Bộ Công Thương và tích cực xúc tiến đưa nông sản các tỉnh trên cả nước lên sàn trong mùa dịch. Sendo gần đây cũng không giấu mong muốn biến sàn này thành địa chỉ kinh doanh trực tuyến của các thương hiệu Việt.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Sendo đánh giá, trên kinh nghiệm con số 20% là thực tế. Tuy nhiên, nếu cho rằng hàng Việt "lép vế" do kém chất lượng, do người tiêu dùng không ủng hộ thì ông không đồng ý.

Ông Dũng cũng cho biết thêm: "Lý do là bởi doanh nghiệp Việt chưa quan tâm thương mại điện tử đúng mức. Hai năm nỗ lực cùng Bộ Công Thương đưa hàng Việt lên thương mại điện tử, chúng tôi gặp nhiều đơn vị hoàn toàn dựa vào bán lẻ truyền thống, đến khi đứt gãy mới loay hoay lên sàn". 

Cũng theo số liệu của Iprice, có thể thấy điểm sáng là hàng Việt chiếm ưu thế cao trong danh mục hàng bách hóa, vốn là ngành hàng "hot" trong mùa dịch. Cụ thể, Sendo ghi nhận có đến 81% sản phẩm thuộc nhà sản xuất trong nước, trong khi đó con số này ở sàn Tiki là 63%.

Mặt khác, nông sản - đặc sản còn chiếm 27% sản phẩm bán chạy trên hai sàn nội địa này. "Điều này cho thấy, những mặt hàng này dần được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn trên môi trường online", nhóm nghiên cứu iPrice nhận định.

Trên sàn thương mại điện tử Sendo, đặc sản Việt Nam tăng vọt 50% trong năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020. Trước đó, trong năm 2020, con số này cũng tăng 29% so với năm 2019. Sendo cho hay, số lượng đơn hàng mua nông sản đặc sản có nguồn gốc Việt Nam trong năm 2021 cũng tăng đến 45% so với năm ngoái. Một số sự kiện nổi bật bao gồm xúc tiến thành công 100 tấn rau Hải Dương, 100 tấn vải thiều Bắc Giang.

Theo iPrice, nông sản đặc sản, bách hóa trên sàn thương mại điện tử đã và đang được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp nước nhà. Thế nhưng, việc chuyển mình thành ngành "gà đẻ trứng vàng" cho thương mại điện tử thành công hay không cần nỗ lực và tạo điều kiện từ nhiều phía, tương tự các chương trình xúc tiến nông sản của Bộ Công Thương các tháng vừa qua.

Bên cạnh sàn thương mại điện tử, thị trường hàng hoá nội địa thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn. Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, năm 2020 là năm đầu tiên Hà Nội tổ chức hai đợt khuyến mại tập trung, vào tháng 6, 7 và tháng 11, thay vì chỉ tổ chức vào tháng 11 như mọi năm. Cùng với đó, các hoạt động kết nối sản xuất - tiêu thụ hàng hóa với 54 tỉnh, thành phố và đặc biệt là sự kiện "Hà Nội đêm không ngủ"..., được tổ chức, nhằm khơi thông thị trường nội địa. 

Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP.Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thành phố Hà Nội đã tổ chức hàng loạt chương trình: Hội chợ hàng Việt Nam, tuần hàng Việt Nam, đưa hàng Việt Nam về nông thôn, khu công nghiệp..., vừa giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, vừa giúp người dân có cơ hội mua sắm hàng hóa với mức giá ưu đãi.

Bên cạnh chương trình do thành phố tổ chức, các doanh nghiệp bán lẻ lớn như: Hapro, BRG, Co.opmart, Big C, Aeon Mall, Vinmart…; các siêu thị điện máy, như: MediaMart, Pico, Nguyễn Kim… cũng liên tục triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại lớn thu hút người tiêu dùng, đẩy mạnh mua sắm.

Theo Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Kim Dung, qua chương trình khuyến mại, kết nối tiêu thụ hàng hóa, Co.opmart có thêm nhà cung cấp mới, tạo cơ hội để doanh nghiệp, hợp tác xã đưa hàng hóa, nông sản địa phương vào hệ thống siêu thị lâu dài, ổn định.

Nhờ hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Hà Nội trong năm 2020 tăng 7,9% so với năm 2019. 2 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, mới đây, hệ thống thương mại Thủ đô đã hỗ trợ tỉnh Hải Dương tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản tồn đọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Những con số này cho thấy, ngay trong giai đoạn khó khăn nhất, việc đẩy mạnh khai thác, phát triển thị trường nội địa đã góp phần giúp nhà sản xuất vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô”, bà Trần Thị Phương Lan nhận định.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, tăng trưởng doanh thu hàng hóa, thương mại, dịch vụ và đóng góp của lĩnh vực này vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội cho thấy các giải pháp kích cầu thị trường nội địa mang lại hiệu quả tích cực, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất vượt qua khó khăn trước mắt và phát triển trong tương lai.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Sở Công Thương Hà Nội đang xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình khuyến mại tập trung năm 2021 để đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Mục tiêu là thu hút 1.000-2.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố, gồm: Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tự chọn, cửa hàng chuyên doanh, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, vận chuyển, viễn thông, hệ thống ngân hàng… Cùng với đó, Sở tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hình thức khuyến mại trên quy mô lớn, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang