Sản xuất hàng thiết yếu gặp khó khăn về nhân lực do ảnh hưởng của Covid-19

author 06:16 11/08/2021

(VietQ.vn) - Một số doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế và quần áo phòng hộ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khan hiếm nguồn nhân lực.

Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh vừa có văn bản về hỗ trợ hướng dẫn, tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị, vật tư y tế được tiếp tục hoạt động theo quy định nhằm đảm bảo nguồn cung ứng cho công tác phòng, chống dịch.

Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra rà soát các hội ngành nghề, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công thương, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị, vật tư y tế với phương châm "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 điểm đến". Qua đó, Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh đã nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại của các doanh nghiệp sản xuất. 

Theo kết quả rà soát, một số doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu gặp rất nhiều khó khăn để duy trì hoạt động. Trong đó, vấn đề nhân lực được đánh giá là vấn đề quan trọng hàng đầu do thực hiện quy định về tỉ lệ làm việc chỉ còn khoảng 30% so với bình thường. Nguyên nhân là do tại một số doanh nghiệp cũng đã ghi nhận có trường hợp dương tính với virus SARS-COV-2 tại nhà xưởng sản xuất. 

Thực tế cho thấy, do làn sóng dịch bệnh Covid-19 quay trở lại khiến cho hoạt động trong nhiều lĩnh vực trên các tỉnh thành phố trở nên ngưng trệ. Đáng chú ý là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong lưu thông, vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm cũng như việc của nhân viên. Dịch bệnh Covid-19 còn khiến cho năng lực sản xuất và cung ứng giảm mạnh, nhất là doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế và quần áo phòng dịch vì thiếu nguồn nhân lực. 

 Ngành công nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, đồ bảo hộ đang gặp khó khăn do thiếu nguồn nhân lực. Ảnh minh hoạ

Nhằm đảm bảo nguồn cung các hàng hoá thiết yếu, trong đó có trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch, Sở Công Thương đề nghị Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao, UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị, vật tư y tế trên địa bàn được tiếp tục hoạt động.

Trước đó, nhằm đảm bảo doanh nghiệp vẫn hoạt động hiệu quả trong dịch Covid-19, Chính phủ đã đề ra phương án “3 tại chỗ”. Việc triển khai “3 tại chỗ” (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) đã chứng minh được hiệu quả tại Bắc Ninh, Bắc Giang và hiện đang được triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam khi dịch bùng phát mạnh. Thực tiễn cho thấy, có thể đây là phương án tốt nhất hiện nay, nếu không nói là duy nhất, để các doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất ở mức tối thiểu, không bị đứt gãy vì dịch bệnh. Đây cũng là lựa chọn rất khó khăn nhưng cấp thiết lúc này.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, giải pháp này không dễ để thực hiện, đòi hỏi hàng loạt điều kiện khắt khe. Nhiều địa phương đã làm rất tốt, nhưng cũng nơi lại chưa thực hiện tốt, còn bị động, lúng túng. Không chỉ phải chịu chi phí lớn hơn, các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” còn phải hết sức cảnh giác phòng ngừa, không để dịch xâm nhập từ bên ngoài, nếu có mầm bệnh phải nhanh chóng được xử lý, không để lây lan rộng.

Việt Nam được đánh giá cao về mức độ ổn định tỷ giá, tăng trưởng kinh tế cũng như khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh. Tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến yêu cầu phải giảm bớt tiếp xúc giữa người với người cũng là thách thức đối với lực lượng lao động. Quy trình sản xuất công nghiệp đã, đang và sẽ được tái thiết kế để phù hợp tỷ lệ tự động hóa cao hơn. Do vậy, cơ hội việc làm sẽ dần mở rộng hơn đối với nhóm lao động có chuyên môn và kỹ năng cao hơn, đặc biệt là về mức độ hiểu biết và khả năng điều khiển máy móc. Đại dịch này càng khẳng định hơn nữa yêu cầu phải đảm bảo khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu, phân tán rủi ro đồng đều hơn.

Khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 đặt ra nhiều thách thức mới về đảm bảo an ninh việc làm. Việc xuất hiện dịch bệnh đã thay đổi hoàn toàn viễn cảnh và sự vận hành thông thường của cấu trúc sản xuất và thương mại toàn cầu, ít nhất trong ngắn hạn. Các thị trường tiêu thụ lớn đình trệ dẫn tới đứt gãy tạm thời trong chuỗi cung ứng, xảy ra cả ở cấp độ địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu. Thị trường lao động thời Covid19 được đánh giá sẽ có tác động sâu rộng đến kết quả thị trường lao động. Ngoài những lo ngại cấp bách về sức khỏe của công nhân và gia đình họ, virus và các cú sốc kinh tế tiếp theo sẽ tác động đến việc làm. Cung lao động đang giảm vì các biện pháp cách ly và suy giảm hoạt động kinh tế.

Mặc dù hầu hết các ngành nghề đã mở cửa trở lại, không phải ngành nghề nào cũng quay trở lại được như thời điểm trước dịch. Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, có 7,8 triệu lao động Việt Nam mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, trong khi 17,6 triệu lao động bị cắt giảm lương do đại dịch. Trong các lĩnh vực chính thức tại Việt Nam đóng vai trò là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế chính, nhân công của ngành dịch vụ (bán lẻ, vận tải và du lịch) (72%) và sản xuất (67,8%) bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng Covid-19.

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang