Sản xuất theo chuỗi liên kết, minh bạch nguồn gốc thực phẩm

author 20:44 16/09/2021

(VietQ.vn) - Để “tuyên chiến” với vấn nạn thực phẩm bẩn, việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi liên kết đang là mô hình ngày càng phát triển, là bài học cần nhân rộng.

 Sản xuất, kinh doanh theo mô hình chuỗi liên kết giúp minh bạch và quản lý nguồn thực phẩm tốt hơn

Thực phẩm “bẩn” tử lâu đã trở thành vấn nạn không chỉ ảnh hưởng tới người tiêu dùng mà còn gây nguy hại cho chuỗi sản xuất, trong khi lực lượng chức năng dù đã có nhiều chế tài, biện pháp nhưng không thể ngăn chặn triệt để. Vì vậy, sản xuất theo chuỗi liên kết sẽ là định hướng, mô hình trong tương lai nhằm ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn, đồng thời minh bạch thông tin trong quản lý.

Hiện, theo thống kê tại Hà Nội có hơn 140 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được xây dựng và phát triển theo  hình thức doanh nghiệp làm đầu mối chủ động hoàn toàn các khâu hoặc tổ chức hội nông dân chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra để hợp tác.

Ví dụ, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ gạo hữu cơ Đồng Phú (Chương Mỹ, Hà Nội) với quy mô sản xuất 47ha (trong đó có 25ha được cấp chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ) do HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú “cầm trịch”. Đơn vị liên kết sản xuất và tiêu thụ với 3 doanh nghiệp để đưa sản phẩm tiêu thụ tại một số tỉnh thành trong cả nước và xuất khẩu sang châu Âu.

Giá gạo hữu cơ Đồng Phú bán đắt gấp 3 so với gạo thường, khoảng 50.000 đồng/kg và điều quan trọng là người sản xuất được khỏe mạnh vì sống trong môi trường trong lành và người tiêu dùng được an toàn khi ăn sản phẩm chất lượng.

Hoặc ở xã Nam Phương Tiến (Hà Nội) có hai chuỗi khá nổi tiếng là: Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, rau an toàn và bưởi của HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến với diện tích 40 ha. Sản phẩm được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị, cửa hàng Big C, T Mart, VinMart, Sói Biển, Grove Fesh, Công ty xuất ăn công nghiệp Hà Nội...

Hay chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau, bưởi của HTX Bưởi Núi Bé với diện tích 18ha. Sản phẩm được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Hapro, thực phẩm sạch Bác Tom, HTX rau Thanh Xuân (Sóc Sơn), HTX rau Tứ Xá (Phúc Thọ), các nhà hàng, cửa hàng và bán online.

Hợp tác xã Tiên Viên (Hà Nội) sau hơn 10 năm phát triển đã trở thành một “ông trùm” về trứng gà ở miền Bắc với chuỗi liên kết rất mạnh. Nếu như năm 2010 diện tích trang trại chỉ khoảng 5ha, đơn vị chủ yếu phát triển gà đẻ trứng thương phẩm trên quy mô 50.000 con thì đến nay đã mở rộng diện tích lên đến 12 ha và chuyển một phần sang gà đẻ trứng giống. Ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà giống chất lượng cao, được thị trường đón nhận nên đem lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều so với chỉ đơn thuần bán trứng thương phẩm.

 Chăn nuôi theo chuỗi liên kết sẽ đảm bảo nguồn ra tốt hơn cho người nông dân.

Nhờ hiện đại hóa mà quy mô đàn vật nuôi của huyện Chương Mỹ, Hà Nội trở thành điển hình trong sản xuất, chăn nuôi nông nghiệp. Năm 2010 chăn nuôi gia cầm chủ yếu nhỏ lẻ tận dụng trong khu dân cư thì sau dồn điền đổi thửa, huyện đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung cỡ lớn với 18 trang trại, tổng đàn gia cầm là 2.452.000 con, đến năm 2020 lên đến 6.775.000 con. Những trại này liên kết với các công ty như CP Việt Nam, JAFA, Gudan… để có được hiệu quả kinh tế cao, sự ổn định, giảm dịch bệnh và tồn dư chất cấm, chất độc.

Với tổng diện tích 2ha, trong đó diện tích chuồng nuôi 3.500 m2, trang trại của anh Trần Văn Hùng, thôn Phủ Yên I, xã Yên Lập (Vĩnh Tường) hiện có 80 lợn nái, 2.000 lợn thịt, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động, thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Anh Hùng cho biết: “Từng làm nông nghiệp, nuôi chim, nuôi lợn nhỏ lẻ nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám. Sau khi nghiên cứu qua các phương tiện thông tin đại chúng, biết hiệu quả của hình thức chăn nuôi lợn khép kín và lợi ích của liên kết trong sản xuất, năm 2015, anh Hùng đã đầu tư, xây dựng chuồng trại, phát triển mô hình chăn nuôi gia công liên kết với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (Công ty CP)”.

Với mô hình chăn nuôi này, trang trại của anh được Công ty CP cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc, cách phòng chống dịch bệnh và đầu ra. Người chăn nuôi chỉ phải bỏ vốn xây dựng chuồng trại, công lao động, chi phí điện, nước và được hưởng lợi theo số cân khi lợn xuất chuồng với giá 4.400 đồng/kg. Nhờ hỗ trợ kịp thời từ phía công ty về mặt kỹ thuật, trong hơn 5 năm, trang trại chưa một lần để dịch bệnh bùng phát; đặc biệt gần như không chịu ảnh hưởng của bão giá, doanh thu của trang trại luôn ổn định, đạt mức bình quân 2,5 tỷ đồng/năm.

An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang