Sản xuất thông minh giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động

author 09:24 16/05/2024

(VietQ.vn) - Thời gian qua, nắm bắt xu hướng phát triển, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tăng cường đầu tư áp dụng công nghệ, phát triển nhà máy thông minh, mở ra cơ hội đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất thông minh của khu vực.

Theo Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Hoa Kỳ (National Institute of Standards and Technology, NIST), sản xuất thông minh là hệ thống được tích hợp đầy đủ, thích ứng với điều kiện thay đổi trong mạng lưới cung ứng tổng thể của doanh nghiệp và nhu cầu khách hàng trong thời gian thực.

Do đó, sản xuất thông minh tích hợp các thiết bị sản xuất với cảm biến, nền tảng điện toán, công nghệ truyền thông, mô hình hóa dữ liệu, điều khiển, mô phỏng và kỹ thuật dự đoán. Sản xuất thông minh sử dụng các công nghệ về “hệ thống thực ảo”, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, khoa học dữ liệu... đưa sản xuất chính thức trở thành trụ cột quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Sản xuất thông minh giúp doanh nghiệp tập trung và giải quyết 03 mục tiêu chính: tối ưu hóa toàn bộ hệ thống sản xuất; sản xuất bền vững; phát triển chuỗi cung ứng linh hoạt đáp ứng yêu cầu khách hàng trong khoảng thời gian ngắn nhất.

Thời gian qua, nắm bắt xu hướng phát triển, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tăng cường đầu tư áp dụng công nghệ, phát triển nhà máy thông minh, mở ra cơ hội đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất thông minh của khu vực.

Ứng dụng sản xuất thông minh giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động. Ảnh minh họa.

Đơn cử như tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, với khát vọng “Make in Vietnam”, Rạng Đông đã tiên phong trong phát triển sản xuất thông minh, sử dụng robot hóa, ứng dụng công nghệ học máy (Machine Learning), AI, IoT...; Thực hiện sản xuất hàng loạt theo nhu cầu cá thể hóa.

Sản xuất thông minh giúp Rạng Đông giảm chi phí sản xuất trong điều kiện giá vật tư, lãi vay tăng. Năng suất lao động đã tăng 30% với sản phẩm LED (5,5 triệu SP/ tháng lên 7,5 triệu SP/ tháng) và tăng 37% với sản phẩm Phích (1,4 triệu SP/ tháng lên 1,9 triệu SP/ tháng).

Đại diện Rạng Đông cho biết: "Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Rạng Đông nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng thông qua việc áp dụng các sản phẩm số hóa và sử dụng công nghệ IoT. Đồng thời, công ty cũng đặt sự chú trọng cao đầu tiên vào việc phát triển hệ sinh thái sản phẩm/dịch vụ 4.0, kết hợp các thành tựu đỉnh cao của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường".

Theo lãnh đạo Công ty, từ ngày 31/12/2019, Rạng Đông đã ngừng sản xuất các sản phẩm đèn huỳnh quang và compact hiệu suất thấp, chuyển hướng hoàn toàn sang sản xuất sản phẩm đèn LED hiệu suất cao. Đồng thời, gần 130 sản phẩm LED đã được gắn nhãn năng lượng, giúp tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng, giảm lượng rác thải công nghiệp và chi phí xử lý rác thải, đồng thời giúp tiết kiệm năng lượng.

"Bên cạnh đó, tự động hóa và nâng cao tự động hóa trong các quy trình sản xuất, tạo ra hệ thống sản xuất thông minh và hiệu quả giúp tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa nguồn lực một cách tối đa. Đây là những bước tiến quan trọng đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ và bền vững của Rạng Đông trong việc cam kết bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng", lãnh đạo Công ty chia sẻ.

Khi chuyển đổi số được đẩy mạnh, các chuyên gia cho rằng Việt Nam có cơ hội lớn để trở thành trung tâm sản xuất thông minh trong khu vực. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định, đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Trong đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh chú trọng cả những ngành công nghiệp nền tảng và ngành mới, công nghệ cao quyết định sự bứt phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế. Như vậy, việc phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức để nước ta đẩy mạnh chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sản xuất sản phẩm theo hướng “Make in Viet Nam”, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam…

Hoàng Bách

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang