Doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh

author 06:20 29/07/2023

(VietQ.vn) - Chính phủ xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, cắt giảm chi phí, thích ứng với bối cảnh mới của nền kinh tế số.

Theo kết quả khảo sát "Thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2020, khảo sát trên 400 doanh nghiệp, cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và ứng dụng các công nghệ số vào các khâu, như quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán.

Khi đại dịch COVID-19 lan rộng, dẫn tới những hạn chế tiếp xúc và việc phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã buộc các doanh nghiệp phải ứng dụng nhiều hơn các công nghệ số trong hoạt động của mình, nhất là trong quản trị nội bộ, thanh toán điện tử, marketing trực tuyến. Trong một thời gian ngắn, tỉ lệ các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số tăng nhanh so với trước đây, cụ thể như trong việc quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, phê duyệt nội bộ…

Trong lĩnh vực quản trị nội bộ, điện toán đám mây là công cụ kỹ thuật được nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhất, với 60,6%, tăng 19,5% so với thời điểm trước đại dịch COVID-19. Tiếp theo là hệ thống hội nghị trực tuyến, hệ thống quản lý công việc và quy trình với xấp xỉ 30% số doanh nghiệp đã ứng dụng các công cụ này trước khi có đại dịch COVID-19 và xấp xỉ 19% số doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng các công cụ này từ khi có dịch bệnh.

Các doanh nghiệp cần có chiến lược chuyển đổi rõ ràng, xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn. Ảnh minh họa

Đồng thời, khảo sát trên cho thấy kỳ vọng lớn của đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam đối với quá trình chuyển đổi số. Có tới 98% số doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi số, trong đó lớn nhất là khả năng giúp giảm chi phí (chiếm tỉ lệ hơn 71%), giúp doanh nghiệp hạn chế giấy tờ (61,4%) đưa thêm giá trị gia tăng vào trong sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (45,3%).

Có một sự khác biệt rõ ràng giữa thực tế chuyển đổi số cũng như sự kỳ vọng về hiệu quả của chuyển đổi số giữa các doanh nghiệp có quy mô lớn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, các doanh nghiệp quy mô lớn chuyển đổi nhanh cũng như tin tưởng hơn đối với chuyển đổi số.

Chuyển đổi số toàn diện

Ông Nguyễn Trung Thực, Phó Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp - VCCI nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp Việt Nam. Khuyến nghị các doanh nghiệp cần có chiến lược chuyển đổi rõ ràng, xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn và lượng hóa mọi tiêu chí để có một thước đo rõ ràng nhất. Chuyển đổi số phát triển sản xuất thông minh không chỉ đơn thuần là việc tự động hóa dây chuyền sản xuất hay phân tích tốt hơn dữ liệu hiện có, mà còn liên quan đến sự thay đổi trong suy nghĩ, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề mới. Việc sẵn sàng thay đổi tư duy và ứng dụng những công nghệ mới sẽ giúp các nhà quản lý nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp của mình.

Các chuyên gia nhận định, ngành sản xuất cần tập trung vào 5 định hướng quan trọng như sau: 

Thứ nhất, phải chuyển đổi lực lượng lao động bằng cách triển khai những giải pháp và ứng dụng công nghệ giúp tăng năng suất lao động, từ đó thay đổi cách thức giao tiếp, cộng tác và chia sẻ dữ liệu trong công việc.

Thứ hai, xây dựng các nhà máy linh hoạt bằng việc áp dụng công nghệ và IoT vào vận hành để đảm bảo chuỗi sản xuất, từ đó thúc đẩy chất lượng và năng suất lao động.

Thứ ba, kết nối với khách hàng theo những cách thức mới, đem lại những trải nghiệm khách hàng trên toàn bộ các kênh dịch vụ, bán hàng và marketing, ví dụ như thiết lập các trợ lý ảo giúp kết nối với khách hàng trên nền tảng số, các dịch vụ hỗ trợ từ xa và bán hàng trực tuyến.

Thứ tư, xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững để nâng cao khả năng truy xuất, trong đó cần thiết lập những kế hoạch đánh giá rủi ro, xử lý khủng hoảng, và triển khai chuỗi cung ứng tự chủ.

Thứ năm, đổi mới và tạo ra những dịch vụ mới bằng việc khám phá các giá trị kinh doanh khác biệt với dịch vụ số và sản phẩm bền vững.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang