Sáng tạo là ‘xương sống’ để doanh nghiệp vừa và nhỏ vươn tầm

author 19:53 28/05/2019

(VietQ.vn) - Doanh nghiệp vừa và nhỏ thường có nhiều ý tưởng và tiềm năng, tiềm lực nằm ẩn nấp trong số doanh nghiệp này thường rất lớn...

Phát biểu tại Hội thảo giới thiệu Chương trình đổi mới sáng tạo dành cho các tổ chức khoa học và công nghệ phối hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ (Chương trình ZIM), bà Hà Thị Lâm Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ KH&CN) cho biết, Việt Nam luôn coi CHLB Đức là đối tác hàng đầu tại châu Âu không chỉ về hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư mà còn về trao đổi hàn lâm, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Hợp tác KH&CN và Đổi mới sáng tạo với CHLB Đức nói chung, đặc biệt với Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức nói riêng là một trong những ưu tiên của Bộ KH&CN Việt Nam.

Bà Lâm Hồng khẳng định, nói đến nước Đức là nói đến công nghệ công nghiệp ô tô, kỹ thuật cơ khí chính xác, công nghệ robot tự động hoá, công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, kỹ thuật y tế… và gần đây nhất là công nghệ trong công nghiệp 4.0 đang tạo ra những giá trị gia tăng lớn trong nền kinh tế.

Bà Hà Thị Lâm Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế.

Với nỗ lực của cả 2 quốc gia, những lĩnh vực công nghệ tiên tiến này hoàn toàn có thể và thực tế đang dần được chuyển giao tại Việt Nam, đất nước phát triển hết sức năng động tại khu vực Đông Nam Á và đang nhanh chóng chuẩn bị các thiết chế, khung pháp lý cũng như hạ tầng kỹ thuật để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

"Thời gian qua, chúng ta đã và đang chứng kiến rất nhiều thành tựu hợp tác trong lĩnh vực KH&CN, Đổi mới sáng tạo giữa hai nước, điều này được minh chứng bằng các Chương trình hợp tác nghiên cứu chung như Chương trình y tế và phát triển đô thị bền vững, Chương trình kinh tế sinh học, Chương trình CLIENT I & II (Đối tác quốc tế về nghiên cứu phát triển bền vững hợp tác với Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Đức) và Chương trình ZIM.

Thông qua việc triển khai các Chương trình này, nhiều tổ chức KH&CN Việt Nam đã hợp tác với các đối tác mạnh của Đức để triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu chung tập trung vào hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề cấp bách liên quan đến y tế, sức khỏe, môi trường, các vấn đề về biến đổi khí hậu và chuyển giao những công nghệ tiên tiến vào Việt Nam đáp ứng được nhu cầu trong nước”, bà Lâm Hồng nói.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, ông Felix Richter, Đại diện Cơ quan Quản lý dự án của Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức cho hay, xương sống của nền kinh tế Đức chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - lực lượng chính tạo nên sự phồn vinh của nước Đức. Ông Felix Richter nhận định, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường có nhiều ý tưởng và tiềm năng, tiềm lực nằm ẩn nấp trong số doanh nghiệp này thường rất lớn.

"Tôi sống ở Việt Nam 2 năm nay và tôi nhận ra rằng rất nhiều người Việt không chỉ khi đi làm mới liên quan đến công việc, mà cả cuộc đời họ gắn liền với doanh nghiệp.

Một vài người bạn Việt Nam của tôi, họ làm việc từ thứ 2 đến chủ nhật, họ đầu tư nhiều sức lực và đầu óc vào ý tưởng của mình để tìm cách đưa sản phẩm ra thị trường. Và nếu chúng ta thành công trong việc tập hợp tất cả các sức mạnh này, sau đó gắn kết giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ của cả Việt Nam và Đức, tôi tin rằng chúng ta sẽ có lí do để vui mừng về sự hợp tác giữa 2 nước...”, ông Felix Richter nói.

Chương trình ZIM được thực hiện trong khuôn khổ Ý định thư về Hợp tác khoa học và công nghệ giữa Bộ KH&CN và Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức ký kết tháng 12/2012. Cho đến nay, hai bên đã cùng đăng thông báo kêu gọi đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu chung 04 lần, Chương trình ZIM lần thứ 5 đang được đăng thông báo trên website của Bộ KH&CN và có thời hạn nộp hồ sơ đến hết ngày 09/10/2019.

Mục tiêu của Chương trình nhằm tài trợ cho các nhiệm vụ nghiên cứu chung hướng tới thương mại hóa kết quả nghiên cứu, vì vậy các tổ chức KH&CN cần hợp tác, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nhằm hướng tới thương mại hóa sản phẩm. Do đó, để tham gia Chương trình này, các đơn vị tham gia của hai nước cần có sự chuẩn bị và đầu tư kỹ lưỡng về con người, cơ sở vật chật và các nguồn lực khác.

Với mục đích hỗ trợ các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp hiểu và có thể tham gia Chương trình ZIM lần thứ 5 và những lần tiếp theo, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức tổ chức Hội thảo tại Hà Nội, TP.HCM và Berlin nhằm giới thiệu và hướng dẫn về quy trình xét duyệt, cơ chế tài chính, phương thức tham gia, cách thức hỗ trợ kết nối các nhà khoa học và doanh nghiệp hai nước.

Gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (VietQ.vn) - Một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có đến 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang